Myanmar: Quốc hội bất ngờ hành động trái ý chính quyền quân sự

Quốc hội Myanmar (Pyidaungsu Hluttaw) hôm 2.3 tuyên bố, kể từ khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bị bắt giữ “bất hợp pháp”, nội các chính phủ đã không thể thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cơ quan lập pháp Myanmar được thành lập theo quy định của bản Hiến pháp năm 2008 buộc phải hành động.

Quốc hội Myanmar bổ nhiệm nhiều quyền bộ trưởng bất chấp chính quyền quân sự do Thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo vẫn đang hoạt động (ảnh: Reuters)

Quốc hội Myanmar bổ nhiệm nhiều quyền bộ trưởng bất chấp chính quyền quân sự do Thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo vẫn đang hoạt động (ảnh: Reuters)

Trong động thái mới nhất nhằm phản đối chính quyền quân sự, Quốc hội Myanmar đã bầu ra 4 quyền bộ trưởng để đảm nhiệm các nhiệm vụ của nội các dân sự.

Trong số 4 quyền bộ trưởng được bầu, có 3 người là thành viên của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Quốc hội Myanmar tuyên bố, 4 quyền bộ trưởng vừa được bầu sẽ “đảm nhận các nhiệm vụ mà một nội các phải làm”.

Quyết định của Quốc hội Myanmar vấp phải sự phản đối của chính quyền quân sự do Thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu. Trước đó, Ủy ban Bầu cử Liên minh do quân đội Myanmar chỉ định (UEC) đã tuyên bố hủy kết quả bầu cử Quốc hội ở nước này vào tháng 11 năm ngoái.

Daw Zin Mar Aung – nghị sĩ trúng cử vào Hạ viện Myanmar sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái – được Quốc hội Myanmar bầu làm Bộ trưởng Ngoại giao. Trước đó, vị trí này được đích thân Thống tướng Aung Hlaing chỉ định ông Wunna Maung Lwin đảm nhiệm.

U Tin Tun Naing – nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng NLD – được Quốc hội Myanmar bổ nhiệm làm quyền bộ trưởng 3 bộ quan trọng, bao gồm: Bộ Kế hoạch, Tài chính và Công nghiệp, Bộ Đầu tư và Kinh tế đối ngoại, Bộ Thương mại.

Hai chính trị gia khác cũng được Quốc hội Myanmar bổ nhiệm làm quyền bộ trưởng, quản lý cùng lúc nhiều bộ khác nhau của chính phủ.

Người biểu tình đối mặt cảnh sát ở Myanmar (ảnh: Reuters)

Người biểu tình đối mặt cảnh sát ở Myanmar (ảnh: Reuters)

Cùng ngày 2.3, ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN đã tổ chức họp khẩn về tình hình chính trị tại Myanmar. Cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin do chính quyền quân sự bổ nhiệm.

Mở đầu cuộc họp, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi Myanmar trả tự do ngay cho bà Suu Kyi. Malaysia cho rằng, một cuộc đàm phán giữa quân đội và chính quyền dân sự là cách tốt nhất để hóa giải tình trạng bất ổn chính trị hiện tại ở Myanmar.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đồng quan điểm với Malaysia. Trong khi đó, Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những vụ đụng độ đổ máu giữa người biểu tình phản đối đảo chính và cảnh sát Myanmar.

“Singapore kêu gọi giới chức quân đội Myanmar cam kết bằng cả hành động và lời nói rằng sẽ kiềm chế, không sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa. Hãy cam kết rằng sẽ không còn bạo lực và đổ máu ở Myanmar”, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu.

Ông Vivian Balakrishnan cho rằng, vụ đảo chính ở Myanmar xảy ra vào thời điểm đặc biệt tồi tệ khi dịch Covid-19 đang hoành hành. Singapore – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cho Myanmar – đang đánh giá lại hoạt động kinh doanh ở nước này sau vụ đảo chính.

Nguồn: [Link nguồn]

Bà Aung San Suu Kyi ra toà, lãnh thêm tội mới

Nhà lãnh đạo dân sự Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm 1-3 xuất hiện tại phiên tòa thông qua hội nghị truyền hình trong tình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Irrawaddy, SCMP ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN