Nếu Hitler không tuyên chiến với Mỹ, phe phát xít có thể đánh bại Đồng Minh?

Đức tuyên chiến với Mỹ dẫn tới việc Washington tham chiến và gia nhập phe Đồng Minh trong Thế chiến II. Nhiều học giả nhận định đây có thể là một trong những quyết định tệ nhất của Adolf Hitler.

Hạm đội tàu chiến Mỹ trong Thế chiến II. Ảnh: NI

Hạm đội tàu chiến Mỹ trong Thế chiến II. Ảnh: NI

Điều gì sẽ xảy ra nếu Đức không tuyên chiến với Mỹ trong Thế chiến II? Các học giả và nhiều nhà phân tích từ lâu tự hỏi liệu câu hỏi trên có phải là một trong những "giả thuyết" đáng bàn nhất của Thế chiến II. Người Đức có thể giữ Mỹ tránh xa Thế chiến II hoặc ít nhất cắt giảm sự hỗ trợ của Washington cho chiến trường châu Âu hay không? Quyết định gây chiến với Mỹ liệu có phải là một trong những sai lầm tệ hại của Hitler?

Câu trả lời có lẽ là không. Cả Washington và Berlin đều thống nhất, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề nằm ở chỗ bên nào sẽ nổ súng trước.

Vốn có "chiến tranh" từ trước

Mỹ và Đức vốn có mâu thuẫn với nhau trước tháng 12/1941 - thời điểm Đức chính thức tuyên chiến với Mỹ. Kể từ đầu năm 1941, Mỹ vận chuyển nhiều hàng hóa kinh tế và vật liệu chiến tranh cho chính phủ Anh để duy trì cuộc chiến.

Thủy thủ, phi công và lính Mỹ được điều động tới phục vụ trong quân đội Anh, dù số lượng không lớn.

Cuối mùa hè năm 1941, Mỹ cho thấy "không ngại" đấu với Đức ở Trận chiến Đại Tây Dương (Battle of the Atlantic) với "sự kiện Greer". Khu trục hạm USS Greer của Mỹ khi đó tấn công một tàu ngầm U-boat của Đức quốc xã. Điều này như “thêm dầu vào lửa” trong căng thẳng Mỹ - Đức.

Khu trục hạm USS Greer của Mỹ. Ảnh: Navy Military

Khu trục hạm USS Greer của Mỹ. Ảnh: Navy Military

Trong buổi phát thanh "Trò chuyện bên lò sưởi" (Fireside Chat) ngày 11/9/1941, Tổng thống Mỹ thời điểm đó, ông Franklin D. Roosevelt tuyên bố, Mỹ đang ở rất gần bờ vực chiến tranh với Đức:

"Lực lượng tuần tra hải quân và không quân của chúng ta - hoạt động với số lượng lớn trên phạm vi rộng ở Đại Tây Dương - nhằm duy trì chính sách tự do hàng hải của Mỹ. Điều đó đồng nghĩa, các tàu chiến và chiến đấu cơ của chúng ta sẽ bảo vệ mọi tàu chở hàng (của tất cả quốc gia) hoạt động thương mại trong vùng biển Mỹ. Tất cả tàu chở hàng sẽ được bảo vệ khỏi tàu ngầm và những tàu chiến lạ.

Đây không phải hành động gây chiến từ phía chúng ta khi người Mỹ chỉ đang bảo vệ những vùng biển quan trọng với quốc phòng Mỹ. Sự xâm chiếm không đến từ phía chúng ta. Đơn giản, chỉ là chúng ta đang phòng vệ.

Để làm rõ cảnh báo của mình, tôi tuyên bố từ giờ phút này, nếu bất cứ tàu chiến nào của Đức và Ý xâm nhập vùng biển Mỹ, chúng ta sẽ phòng vệ vì nguy hiểm đang cận kề".

Tuyên bố này không chỉ áp dụng cho lãnh hải của Mỹ. Washington sẽ hộ tống các tàu chở trang thiết bị quân sự tới châu Âu bằng tàu mặt nước và tàu chống ngầm, có thể nổ súng chống lại bất cứ tàu ngầm, tàu chiến, chiến đấu cơ Đức nào nếu phải đối đầu.

Ngoài ra, lực lượng mặt đất Mỹ cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chiến. Đầu tháng 7/1941, lực lượng Thủy quân Lục chiến và quân đội Mỹ, với sự hỗ trợ của Hải quân, bắt đầu được triển khai tới Iceland để hỗ trợ quân đội Anh và Canada - 2 nước đã chiếm Iceland một năm trước.

Tại sao?

Adolf Hitler cho rằng đối đầu với Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Ảnh: Getty

Adolf Hitler cho rằng đối đầu với Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Ảnh: Getty

Về lâu dài, Hitler (và phần còn lại của chính phủ Đức quốc xã) tin rằng đối đầu với Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Năm 1917, Mỹ quyết định tham chiến trở thành đồng minh của Anh, Pháp, Nga (phe Hiệp ước) và lần này gần như chắc chắn điều đó sẽ xảy ra thêm một lần nữa.

Hành động của Mỹ năm 1941 đã minh chứng cho nhận định này. Vì vậy, Đức tuyên bố chiến tranh với Mỹ không phải do 2 nước là cựu thù mà vì tin rằng Washington là quốc gia hiếu chiến và việc triển khai các chiến dịch quy mô lớn hơn nhằm vào Mỹ sẽ giúp Đức giành chiến thắng chung cuộc.

Cụ thể, tuyên bố chiến tranh của phe Trục (Đức, Ý, Nhật) đã cho phép một cuộc tấn công mà người Đức tin đó là chìa khóa để loại Anh khỏi cuộc chiến - cuộc tấn công bằng tàu ngầm nhằm vào các tàu thương mại Mỹ.

Dù đã nhắm tới các tàu Mỹ trong nhiều năm trước sự kiện Trân Châu Cảng (tháng 12/1941), lực lượng hải quân của Đức quốc xã, Kriegsmarine, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong những tháng đầu năm 1942 tại khu vực ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ.

Chiến thuật của người Đức đã có tác động mạnh với quân đội Mỹ vốn thiếu chiến thuật, trang thiết bị và quy trình đối phó với các tàu ngầm U-boat của Berlin.

Về phần mình, các quan chức chính trị và quân đội Anh lo ngại cuộc tấn công của Đức sẽ hiệu quả, cắt đường dây cứu trợ giữa Bắc Mỹ và Anh.

Hải quân và Không quân Hoàng gia Anh đã nhanh chóng phái cố vấn tới Mỹ để "cứu vãn tình thế" nhưng 1942 vẫn là năm tàn khốc nhất của cuộc chiến vì tổn thất trong vận chuyển.

Nhìn chung, chiến dịch Drumbeat của phe Trục - được Đức quốc xã phát động tháng 12/1941 nhằm quấy rối tàu di chuyển dọc bờ biển Bắc Mỹ - tỏ ra hiệu quả hơn so với việc Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng ở cùng thời điểm.

Nhưng...

Nếu Đức và Ý bằng cách nào đó có thể xoay trở để tránh tuyên bố gây chiến công khai với Mỹ, xung đột sẽ tiếp tục ở Bắc Đại Tây Dương. Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vật liệu chiến tranh cho Anh và Liên Xô.

Trong cuộc chiến thực sự, các lực lượng không quân, hải quân và mặt đất của Mỹ có đóng góp quyết định đầu tiên ở chiến dịch Địa Trung Hải.

Nhiều nhà phân tích, từ đó đến bây giờ, vẫn nghi ngờ về logic chiến lược của chiến dịch Địa Trung Hải, nhưng chiến dịch này, về lâu dài, đã giúp lực lượng mặt đất cũng như không quân Mỹ định hình và mạnh hơn.

Nếu Mỹ giữ vị trí trung lập (không tham chiến), chiến dịch Bó Đuốc (Operation Torch) - cuộc tấn công của liên minh Mỹ - Anh lên lãnh thổ Bắc Phi - có thể sẽ không xảy ra và tiến trình của chiến dịch Địa Trung Hải sẽ chậm lại đáng kể.

Việc Mỹ tham gia vào Chiến lược ném bom của Đồng minh tại châu Âu (CBO) - được lập ra nhằm phá hủy ngành công nghiệp và tinh thần của phát xít Đức, có thể cũng diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, do tác động hạn chế và chi phí khổng lồ của CBO trong giai đoạn đầu, vẫn chưa rõ sức ảnh hưởng tổng thể của việc Washington tham gia CBO đến cuộc chiến.

Một sự sụt giảm cam kết chiến đấu của Mỹ ở Đại Tây Dương có thể dẫn tới một nỗ lực chiến đấu lớn hơn ở khu vực Thái Bình Dương dù rất khó để thấy được tác động nào được sinh ra trong năm đầu tiên của cuộc chiến.

Lời cuối

Hitler (trái) và Roosevelt. Ảnh: Amuseofire

Hitler (trái) và Roosevelt. Ảnh: Amuseofire

Hitler và Roosevelt đều cho rằng chiến tranh giữa Đức quốc xã và Mỹ là điều không thể tránh khỏi và cả 2 có lẽ đã đúng. Việc kiềm chế cỗ máy chiến tranh vào tháng 12/1941 có thể "kiếm" thêm cho Đức chút thời gian để kiểm soát tại Địa Trung Hải nhưng sẽ buộc hải quân Kriegsmarine của Hitler phải từ bỏ một cuộc tấn công mà họ tin là quyết định thành bại của cuộc chiến. Và dù thế nào đi nữa, cuối cùng, người Mỹ vẫn tham gia cuộc chiến. Dù ít kinh nghiệm nhưng bù lại họ có sự chuẩn bị tốt hơn.

______________

Sau những giả thuyết về Hitler trong Thế chiến I và II, nhiều người quay trở về với kết quả thực tại: Quân đội Đức quốc xã của Hitler bị đánh bại. Người ta nhắc nhiều về yếu tố chiến lược và chiến thuật dẫn đến việc đánh bại quân đội Đức quốc xã. Yếu tố này là gì? Mời độc giả đón đọc trong bài kỳ cuối đăng vào sáng 16/6/2020 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Nếu Hitler chết dưới tay người lính này ngay từ Thế chiến I, lịch sử sẽ thay đổi ra sao?

Thế giới có Hitler, mọi chuyện đã thành lịch sử. Nhưng đặt giả thuyết trùm phát xít bị giết trong Thế chiến I - trái...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - National Interest ([Tên nguồn])
Trùm phát xít Hitler Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN