Tàu sân bay mới của Trung Quốc vẫn không thể so với tàu Mỹ

Dù rút kinh nghiệm từ hai tàu sân bay trước đó, tàu Type 003 vẫn gặp nhiều hạn chế về kỹ thuật và vận hành.

Ngày 9-11 (giờ địa phương), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) đã công bố một số hình ảnh vệ tinh mới nhất về quá trình hoàn thiện tàu sân bay Type 003 của quân đội Trung Quốc (TQ) tại nhà máy đóng tàu Giang Nam thuộc TP Thượng Hải, theo đài CNN. Đây là tàu sân bay thứ hai tự đóng hoàn toàn của TQ, sau tàu sân bay Sơn Đông được đưa vào biên chế hồi tháng 12-2019.

Tàu sân bay Sơn Đông tự đóng của Trung Quốc neo tại cảng Đại Liên thuộc TP Đại Liên hồi tháng 9-2018. Ảnh: CNN

Tàu sân bay Sơn Đông tự đóng của Trung Quốc neo tại cảng Đại Liên thuộc TP Đại Liên hồi tháng 9-2018. Ảnh: CNN

Tiến độ và thời gian hạ thủy của tàu Type 003

Theo đánh giá của CSIS, tiến độ lắp đặt các hạng mục ở trong và ngoài tàu sân bay Type 003 thể hiện trên ảnh chụp lần này so với lần chụp hồi tháng 9 về cơ bản đã hoàn thành. Một số bộ phận cơ bản của tàu như động cơ, bộ phát năng lượng đã được đưa vào bên trong tàu và khóa chặt; phần boong tàu gần như đã hoàn chỉnh.

Bộ phận quan trọng khác là các bệ phóng máy bay vẫn đang trong quá trình lắp đặt khi chỉ mới có một bệ được gắn lên tàu và phủ bạt bảo vệ, hai bệ còn lại được để lộ thiên ngay cạnh tàu - chứng tỏ các kỹ sư TQ nhiều khả năng vẫn còn đang kiểm tra.

Dựa vào các thông tin hiện có về tàu Type 003, CSIS dự đoán tàu này có thể được hạ thủy trong khoảng 3-4 tháng tới. Dù vậy, mốc thời gian này có thể bị kéo dài lâu hơn tùy theo mức độ phức tạp trong quá trình đóng tàu, cũng như việc nhà máy Giang Nam có phải nhận thêm các đơn đóng tàu khác hay không. Thông tin từ cổng thông tin điện tử của nhà máy ghi rõ cơ sở này đang chuẩn bị bàn giao hơn 40 tàu thương mại cho một loạt đối tác nước ngoài như Singapore, Nhật, Thụy Điển, Hà Lan…

“Ngoài ra, ngay cả khi hạ thủy thì Type 003 vẫn phải chạy thử thêm vài năm nữa rồi mới được đưa vào biên chế chính thức. Hồi tháng 9, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán tàu này có thể hoạt động chính thức vào năm 2023 nhưng đến tháng 10 thì dời đến năm 2024” - CSIS cho hay.

Theo một báo cáo khác CSIS, kể từ năm 2014 đến nay, TQ đã liên tục sản xuất và hạ thủy số lượng tàu ngầm, tàu chiến, các tàu chính và phụ nhiều hơn tổng số tàu phục vụ hải quân Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đài Loan và Anh. Tốc độ gia tăng khí tài quân sự của TQ trong giai đoạn 2015-2020 nhanh hơn 64% so với giai đoạn 2010-2015.

Tàu sân bay hiện đại nhất của Trung Quốc?

Trả lời đài CNN, chuyên gia Matthew P. Funaiole của CSIS nhận định tàu Type 003 có thể được xem là đột phá đầu tiên của Quân giải phóng nhân dân TQ trong nỗ lực cân bằng sức mạnh trên biển với quân đội Mỹ. Ông chia sẻ tàu sân bay ngoài việc thể hiện khả năng chiến đấu vượt trội của một quốc gia, còn là biểu tượng có giá trị răn đe và phô trương sức mạnh quân sự. Điều này phù hợp với tham vọng xây dựng lực lượng hải quân mang đẳng cấp thế giới cũng như cố gắng thuyết phục các nước khác rằng năng lực quân sự của TQ không hề thua kém siêu cường Mỹ.

So với hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông vẫn sử dụng công nghệ cũ từ thời Liên Xô, Type 003 được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến hơn với động cơ hơi nước gần giống một số tàu chiến của Mỹ. Hệ thống bệ phóng máy bay cùng hệ thống vũ khí bố trí trên tàu cũng được thiết kế theo hướng giống tàu Mỹ.

Các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông cũng không được trang bị hệ thống phóng đẩy máy bay nên vẫn chưa thể triển khai các máy bay nặng trong khi chiến đấu cơ như J-15 khi cất cánh không thể mang theo nhiều vũ khí và nhiên liệu. Điều này dẫn đến hạn chế về tầm hoạt động cũng như hỏa lực của các chiến đấu cơ này.

“Type 003 có thể được tích hợp hệ thống máy phóng từ trường để giúp máy bay cất cánh. Ưu điểm của hệ thống này là máy bay có thể cất cánh nhanh với số lượng lớn, mang được nhiều nhiên liệu, đạn dược hơn” - ông Funaiole cho hay.

Một báo cáo nghiên cứu của Quốc hội Mỹ hồi tháng 10 cũng cho biết tàu sân bay Type 003 của TQ dự kiến có lượng choán nước là 100.000 tấn, tương đương một tàu sân bay cùng lớp của Mỹ. Tuy nhiên, dù có hệ thống phóng tiên tiến, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy tàu sân bay TQ còn thua kém tàu sân bay Mỹ do các tàu Mỹ có nhiều máy phóng máy bay hơn, đường băng lớn hơn và nhiều thang máy để triển khai máy bay nhanh hơn, theo ông Funaiole.

Bên cạnh đó, toàn bộ tàu sân bay của Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân cho thời gian hoạt động trên biển lâu hơn, đặt cạnh động cơ hơi nước của Type 003 là có thể thấy tầm hoạt động của tàu này sẽ bị hạn chế. Điểm yếu này cũng dẫn tới việc tàu Type 003 có thể phải phụ thuộc rất nhiều vào các tàu hậu cần đi theo. Hải quân TQ cho đến nay chưa đủ nguồn lực để xây dựng một hạm đội hoàn chỉnh đi theo hỗ trợ và bảo vệ tàu sân bay này như các hạm đội của Mỹ.

Lý do cuối cùng và quan trọng nhất, theo ông Funaiole, là kinh nghiệm thực chiến, vận hành tàu sân bay với số lượng lớn và sử dụng loại tàu này phối hợp với các tàu chiến khác hàng chục năm của Mỹ kể từ Thế chiến thứ II đến nay. Về khía cạnh này, ông Funaiole đánh giá TQ chỉ so với Nga đã thua rất xa, còn so với Mỹ là có thể phải mất 20-30 năm mới bắt kịp.

“Do đó, nhiều khả năng nếu muốn phát huy tác dụng của Type 003 thì TQ có thể chỉ giới hạn tàu này ở các vùng biển gần trong khu vực Thái Bình Dương, chứ không thể kéo tàu ra xa hơn. Đưa tàu ra xa hơn, TQ vừa không đủ khả năng triển khai vừa thiếu nhân sự vận hành và căn cứ hậu cần để hỗ trợ kịp thời cho tàu” - ông Funaiole chia sẻ thêm.

Nhật chuẩn bị có tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên

Trong bối cảnh TQ chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay thứ ba giữa lúc tranh chấp Trung - Nhật gia tăng gần đây ở biển Hoa Đông, Nhật cũng có những bước đi nhanh chóng để sở hữu càng sớm càng tốt một tàu sân bay riêng. Không chọn cách đóng mới như TQ, Nhật quyết định nâng cấp từ tàu sân bay trực thăng (tàu khu trục chở trực thăng theo cách gọi của Nhật) Izumo.

Bộ Quốc phòng Nhật từng công bố các hạng mục cụ thể trong việc nâng cấp tàu Izumo bao gồm nâng cao khả năng chịu nhiệt của sàn đáp, chịu được nhiệt độ cao do động cơ tạo ra khi máy bay chiến đấu cất cánh và thay đổi hình dạng mũi tàu từ nhọn sang hình tứ giác. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 của quá trình nâng cấp, tàu Izumo sẽ được chuyển đổi từ tàu sân bay trực thăng thành tàu sân bay hạng nhẹ.

Thông tin mới nhất được tờ The Japan Times ghi nhận cho biết chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ hồi đầu tháng 11 đã tham gia cuộc thử nghiệm cất, hạ cánh thành công lên tàu Izumo - chứng tỏ nỗ lực nâng cấp của Nhật đang diễn ra thuận lợi.

Dù vậy, do chỉ có thể là tàu sân bay hạng nhẹ nên nhiều khả năng tàu Izumo của Nhật sẽ không thể cạnh tranh với các tàu sân bay lớn hơn của Mỹ hay TQ. Lượng choán nước đầy tải của tàu Izumo chỉ là 26.000 tấn, thấp hơn rất nhiều với con số 100.000 tấn của tàu Type 003, khiến Izumo bị giới hạn trong số lượng vũ khí, máy bay có thể mang theo khi tác chiến.

Ưu thế duy nhất của tàu sân bay Izumo là ở loại máy bay nó mang theo. Nhật dự kiến sẽ trang bị toàn bộ bằng chiến đấu cơ F-35B có khả năng tàng hình trước radar nên khi chiến đấu có thể áp đảo các máy bay thông thường khác. Dĩ nhiên, số lượng F-35B mang theo của Izumo có hạn và kích thước khoang vũ khí của F-35B cũng có hạn, không thể chứa tên lửa chống hạm.

Nguồn: [Link nguồn]

Ảnh vệ tinh hé lộ tàu sân bay tiên tiến nhất của Trung Quốc, tham vọng sánh ngang Mỹ

Tàu sân bay mới nhất do Trung Quốc tự đóng sở hữu công nghệ tương đương tàu sân bay Mỹ có thể hạ thủy vào tháng 2...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩ Cường ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN