Tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển đang rò phóng xạ gấp 800.000 mức thông thường

Bằng việc sử dụng robot lặn dưới biển, một đội điều tra của Na Uy đã phát hiện số lượng lớn các dấu vết phóng xạ rò rỉ từ tàu Komsomolets - tàu ngầm Liên Xô đã chìm xuống đáy biển của nước này 30 năm về trước.

 Phần boong của tàu ngầm Komsomolets, được chụp bởi robot điều khiển từ xa (Ảnh: IMR)

 Phần boong của tàu ngầm Komsomolets, được chụp bởi robot điều khiển từ xa (Ảnh: IMR)

Vào ngày 7 tháng 4 năm 1989, khi đang di chuyển ở độ sâu 380m dưới lòng biển, một vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra ở phần phía sau của Komsomolets – tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên Xô, ngay trong chuyến tuần tra đầu tiên của mình. Thuyền trưởng của Komsomolets khi đó đã nỗ lực để đưa nó lên mặt nước, nhưng con tàu xấu số này cuối cùng đã chìm vĩnh viễn dưới lòng biển chỉ sau 5 tiếng, kéo theo sinh mạng của 42 thủy thủ, trong một tai nạn nổi tiếng với tên gọi “Thảm kịch Komsomolets.”

Hiện tại, dù đã nằm yên vị ở độ sâu 1.700m dưới lòng biển Na Uy, tuy nhiên, chiếc tàu ngầm hạt nhân dài 120m này mới đây lại trở thành tâm điểm của sự chú ý, khi một báo cáo mới được công bố bởi Viện Nghiên cứu biển Na Uy đã phát hiện một số lượng rất lớn bức xạ cesium rò rỉ từ Komsomolets. Mức độ này lớn gấp 800.000 lần so với mức độ phóng xạ thông thường trong nước tại vùng biển này.

Các cuộc thăm dò từ xa đối với tàu Komsomolets vốn đã được thực hiện quanh năm, bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng cuộc thăm dò gần đây, kết thúc vào cuối tuần trước, mới là cuộc điều tra chuyên sâu nhất về chiếc tàu ngầm bị đắm này từ trước đến nay. Thông thường, các nhà khoa học mới chỉ thu thập các mẫu nước ở khu vực xung quanh tàu ngầm, nhưng lần này, việc thăm dò được đảm nhận bởi tàu ngầm Aegir 6000 – 1 loại phương tiện được điều khiển từ xa.

“Chúng tôi đã đợi rất nhiều năm mới có thể tiến hành khảo sát bằng phương tiện điều khiển từ xa này,” Hilde Elise Heldal, người chỉ đạo chuyến thăm dò mới đây, cho biết trong bản báo cáo,” Aegir 6000 cho phép chúng tôi theo dõi chính xác mình đang thu thập mẫu nước ở vị trí nào xung quanh chỗ xác tàu. Và một điều cũng quan trọng không kém là chúng tôi đã có thể dùng camera của nó để phóng lớn và nghiên cứu toàn bộ con tàu ngầm hạt nhân này theo từng phần.”

Robot Aegir 6000 tiến hành thăm dò xác tàu Komsomolets (Ảnh: IMR)

Robot Aegir 6000 tiến hành thăm dò xác tàu Komsomolets (Ảnh: IMR)

Trước đó, một cuộc thăm dò lên con tàu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Nga đã ghi nhận những rò rỉ phóng xạ xung quanh vùng ống thông gió. Bà Heldal cho biết Aegir 6000 cũng đã tiến hành chuyến thăm dò của mình ở đúng vị trí này, cũng là nơi một số lượng lớn bức xạ cesium được phát hiện. “Vì vậy chúng tôi không ngạc nhiên về mức độ phóng xạ đáng kinh ngạc tại đây,” bà cho biết.

Việc phát hiện một số lượng lớn phóng xạ dưới lòng biển như vậy thoạt nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nghiên cứu trên cho biết chúng thực tế không gây nguy hiểm gì đến vùng biển Na Uy và các khu vực lân cận. “Mức độ phóng xạ mà chúng tôi mới phát hiện, dù vượt quá mức thông thường dưới đại dương, nhưng cũng không quá cao đến mức đáng báo động, bà Heldal cho biết. “Thêm nữa, do con tàu đang ở vị trí biển khá sâu, số phóng xạ đang dần được hòa loãng, và cũng không có nhiều loại cá lởn vởn gần khu vực này, nên chúng ít khi gây nguy hiểm đến nguồn hải sản trên biển Na Uy.”

Một điều đáng chú ý khác là cuộc thăm dò Komsomolets được tiến hành chỉ một tuần sau sự cố tương tự của một tàu ngầm hạt nhân khác của Nga, cũng tại vùng biển Na Uy. Một vụ hỏa hoạn trên tàu AS-12 Losharik đã cướp đi sinh mạng của 14 thủy thủ, và hiện con tàu này đang phải lưu lại cảng Severomorsk để phục vụ quá trình điều tra.

Thủy thủ tàu ngầm hạt nhân Nga ngăn chặn 'thảm họa toàn cầu': Sự thực thế nào?

Một quan chức hải quân Nga nói rằng hỏa hoạn xảy ra trên con tàu ngầm hạt nhân Losharik gần như là “một thảm họa toàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Anh - Gizmodo ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN