Sức mạnh oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc "giỡn mặt" đảo Guam

Oanh tạc cơ chiến lược H-6K của Trung Quốc được các chuyên gia quân sự đánh giá có năng lực chiến đấu gần tương đương “pháo đài bay” B-52 của Mỹ.

Sức mạnh oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc "giỡn mặt" đảo Guam - 1

Oanh tạc cơ chiến lược H-6K của Trung Quốc.

Theo National Interest, ngày 1.11, Lầu Năm Góc cho biết các oanh tạc cơ chiến lược H-6K của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay với tần suất lớn bất thường sát đảo Guam và Hawaii của Mỹ.

Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại các chuyến bay có mục đích diễn tập ném bom đảo Guam, nơi đặt căn cứ hải quân và không quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 2.11 từ chối bình luận về vấn đề này.

“Khi nhìn vào năng lực của Trung Quốc , chúng ta phải duy trì sức mạnh để bảo đảm cam kết với các đồng minh trên Thái Bình Dương", tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, phát biểu, ám chỉ sự xuất hiện của máy bay ném bom Trung Quốc gần Guam.

Chuyến bay của oanh tạc cơ H-6K cho thấy Trung Quốc vẫn tập trung vào các biện pháp bảo vệ vùng biển gần bờ, nhưng cũng muốn đẩy vành đai phòng thủ xa tới Tây Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng răn đe Mỹ, chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh nhận định.

“Thông qua đợt diễn tập này, Trung Quốc muốn gửi thông diệp rằng Washington sẽ phải trả giá rất đắt nếu lựa chọn can thiệp quân sự vào khu vực Đông Á hay Đài Loan”, ông Koh nói thêm.

Nhưng vì sao giới quân sự Mỹ lo lắng về oanh tạc cơ H-6K đến vậy? Theo chuyên gia quân sự Sebastien Roblin, máy bay ném bom H-6 ban đầu là bản sao chép từ oanh tạc cơ Tupolev Tu-16 Liên Xô.

Oanh tạc cơ H-6 có thể đạt tốc độ tối đa 1.055 km/giờ, mang theo tối đa 9 tấn vũ khí. Mỗi chiếc có tổ lái gồm từ 4-6 người.

Sức mạnh oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc "giỡn mặt" đảo Guam - 2

Tên lửa hành trình CJ-20 gắn trên oanh tạc cơ H-6K.

Biến thể H-6D được trang bị radar mới để dẫn bắn tên lửa diệt hạm C-601 gắn dưới cánh. Mỗi quả tên lửa C-601 này có tầm bắn 150km, mang đầu đạn nặng 512kg chuyên dùng để diệt tàu chiến.

Năm 1987, Iraq mua 4 oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc và sử dụng trong Chiến tranh Iran - Iraq một năm sau đó. Trong cuộc chiến này, Iraq mất một chiếc H-6D do bị tiêm kích F-14 Iran bắn hạ, ba chiếc còn lại bị Mỹ ném bom phá hủy trong chiến tranh vùng Vịnh.

Trong thập niên 1990, Trung Quốc tập trung vào khả năng mang tên lửa hành trình cho dòng H-6, giới thiệu mẫu H-6H với khả năng phóng hai tên lửa hành trình tấn công mặt đất, H-6G dùng để dẫn bắn cho tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và H-6M mang được 4 quả YJ-81 hoặc KD-88.

Máy bay H-6 chỉ thực sự được biết đến khi Trung Quốc công bố phiên bản nâng cấp H-6K vào năm 2007. Chiếc H-6K thế hệ mới dùng động cơ D-30KP của Nga, giúp tăng 25% lực lượng, tích hợp ghế phóng và buồng lái hiện đại với màn hình LCD.

Sức mạnh của oanh tạc cơ H-6K nằm ở khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình CJ-10 hoặc CJ-20 ở hai bên cánh, tầm bắn lên tới 2.400km hoặc tên lửa chống hạm YJ-12. Phạm vi chiến đấu hiệu quả của H-6K lên tới 5.600km nếu được tiếp dầu trên không.

Trung Quốc hiện đang sở hữu 16 chiếc H-6K sử dụng động cơ Nga và có kế hoạch chế tạo phiên bản mới dùng động cơ nội địa WS18.

Tầm hoạt động và khả năng mang theo khối lượng bom đạn lớn của H-6K không thể sánh bằng “pháo đài bay” B-52 của Mỹ, nhưng giới chuyên gia đánh giá hai mẫu oanh tạc cơ này có chức năng gần như tương đồng.

Sức mạnh oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc "giỡn mặt" đảo Guam - 3

Mẫu tên lửa chống hạm YJ-12 trang bị cho oanh tạc cơ H-6K.

H-6K cũng không cần thiết phải áp sát mục tiêu khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi mẫu oanh tạc cơ này có thể phóng tên lửa hành trình từ xa, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga nắm công nghệ phóng tên lửa hành trình từ không trung.

Giống như B-52, H-6K hoạt động hết sức nặng nề và không có khả năng tàng hình. Oanh tạc cơ Trung Quốc cần đến sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu trước tên lửa phòng không và tiêm kích đối phương.

Chuyên gia Sebastien Roblin nhấn mạnh, chiếc H-6K về lý thuyết còn có thể mang theo vũ khí hạt nhân, dù không quân Trung Quốc hiện chưa phát triển tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân. Một phần là bởi Bắc Kinh theo đuổi chiến lược phòng vệ, không khai hỏa vũ khí hạt nhân trước.

Bên cạnh đó, oanh tạc cơ H-6K còn được tích hợp khả năng chống hạm, đe dọa đến hạm đội tàu sân bay Mỹ. Nhưng Trung Quốc thiếu các hệ thống trinh sát tầm xa để có thể soi rõ phương hướng cho máy bay H-6K tấn công.

Đây được coi là điểm yếu lớn nhất của H-6K, đặc biệt khi chiến tranh nổ ra. Mẫu tên lửa CJ-20 yêu cầu phải nạp tọa độ chính xác của mục tiêu nhưng điều này trở nên rất khó khăn khi mục tiêu liên tục di chuyển trên biển.

Tên lửa chống hạm YJ-12 có hệ thống định vị mục tiêu riêng nhưng yêu cầu chiếc H-6K phải phóng tên lửa vào khu vực nhất định để quả đạn có thể có cơ hội phát hiện tàu địch.

Chuyên gia Sebastien Roblin kết luận, mặc dù chưa thể sánh ngang với B-52 Mỹ, nhưng H-6K vẫn là oanh tạc cơ hiện đại duy nhất mà Trung Quốc sở hữu và được coi là quân bài quan trọng trong tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới theo lời ông Tập Cận Bình.

Thứ vũ khí nguy hiểm nhất của Mỹ răn đe Triều Tiên

Oanh tạc cơ B-2 được đánh giá là thứ vũ khí nguy hiểm nhất của Mỹ, luôn khiến giới lãnh đạo Triều Tiên phải dè chừng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN