Sự thật về tình trạng của ông Trump khi mắc COVID-19 và nỗ lực "giành giật" sự sống đằng sau

Sự kiện: Donald Trump

Một cuốn sách mới đã tiết lộ về những nỗ lực "phi thường" của các y bác sĩ trong thời điểm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc COVID-19 hồi tháng 10 năm ngoái.

Cuốn sách mới có tên "Nightmare Scenario: Inside the Trump Administration’s Response to the Pandemic That Changed History" (Khung cảnh ác mộng: Bên trong cách chính quyền ông Trump phản ứng với đại dịch đã làm thay đổi lịch sử) đã tiết lộ những nỗ lực "phi thường" của các nhân viên y tế khi điều trị COVID-19 cho cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong đó, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar đã chia sẻ về cuộc gọi bất ngờ với một yêu cầu khẩn cấp mà ông nhận được: "Liệu ông có thể giúp một nhân vật ở Nhà Trắng được điều trị COVID-19 bằng phương pháp thử nghiệm được gọi là kháng thể đơn dòng hay không?".

Thời điểm xảy ra việc này là ngày 1/10/2020, khi ấy, phương pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Mỹ có quyền cấp phép ngoại lệ cho một vài trường hợp để dùng thử bởi lực lượng chức năng vẫn chưa phân phối rộng rãi phương thuốc này cho công chúng. 

Thông tin ông Trump mắc COVID-19 đã khiến dư luận bất ngờ. Ảnh: Reuters

Thông tin ông Trump mắc COVID-19 đã khiến dư luận bất ngờ. Ảnh: Reuters

Theo thông tin của truyền thông Mỹ, tính tới thời điểm ấy, chỉ mới có 10 người được điều trị COVID-19 bằng phương pháp kháng thể đơn dòng trên. 

Khi ấy, ông Alex Azar không được thông báo về nhân vật sẽ sử dụng phương pháp chữa bệnh này. Nhưng sau khi kết nối các thông tin với nhau, ông đã đoán ra người ấy chính là cố vấn thân cận của cựu Tổng thống Trump, cô Hope Hicks. 

Vài ngày sau, Ủy viên FDA Stephen Hahn tiếp tục nhận được yêu cầu tương tự từ một quan chức hàng đầu khác của Nhà Trắng với mức độ khẩn cấp cao hơn. 

Được biết, tại Mỹ, có một quy trình tiêu về vấn đề sử dụng các loại thuốc không được phê duyệt thay mặt cho những bệnh nhân đang đối phó với căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Theo đó, trong trường hợp thật sự nghiêm trọng, các nhà khoa học có quyền xin cấp phép sử dụng khẩn cấp các loại thuốc này. Nhưng sự khác biệt là phần lớn các trường hợp này không gọi trực tiếp cho uỷ viên FDA để xin phép. 

Nhà Trắng yêu cầu ông Hahn quyết định phê duyệt quyền sử dụng trên trong vài giờ đồng hồ. Vì chưa biết đối tượng cần sử dụng thuốc là ai nên ông Sptephen Hahn đã thảo luận với các đồng nghiệp và ban đầu đã từ chối lời để nghị trên. 

Khi nói chuyện với đại diện Nhà Trắng, ông Hahn nhấn mạnh FDA cần làm mọi thứ theo đúng quy trình. Ông chia sẻ: "Chúng tôi không thể làm điều đó. Chúng ta đang nói tới mạng sống của một người. Và chúng tôi cần phải kiểm tra mọi thứ kỹ lưỡng để đảm bảo tính an toàn".

Ông Stephen Hahn sau đó chia sẻ ông đã rất kinh ngạc khi biết người cần sử dụng thuốc khẩn cấp chính là Tổng thống Donald Trump, khi ấy còn tại vị. Và thông tin này đã khiến FDA "náo loạn". Cựu Tổng thống Trump nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất khi mắc bệnh COVID-19 vì ông đã 74 tuổi và được cho là ít vận động thể dục và bị thừa cân. 

Trong vòng 24h, FDA nhanh chóng phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp đối với phương pháp điều trị COVID-19 chưa chính thức. Các quan chức gấp rút tìm kiếm các loại kháng thể đơn dòng thích hợp nhất dựa trên thông tin lâm sàng mà họ có. Cuối cùng, FDA đã lựa chọn kháng thể Regeneron, được gọi đơn giản là Regen-Cov, để điều trị cho tổng thống.

Khoảng thời gian 5 ngày điều trị bệnh cho cựu Tổng thống Trump hồi tháng 10/2020 được xem là thời điểm các quan chức Nhà Trắng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Họ lo ngại nhà lãnh đạo đương thời không thể qua khỏi và làm mọi thứ một cách gấp gáp tới mức không kịp chuẩn bị hay thông báo cho phó Tổng thống Mike Pence về kế hoạch tuyên thệ nhậm chức trong trường hợp ông Trump không thể tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Hình ảnh ông Trump làm việc tại bệnh viện Walter Reed trong thời gian điều trị COVID-19. Ảnh: Twitte

Hình ảnh ông Trump làm việc tại bệnh viện Walter Reed trong thời gian điều trị COVID-19. Ảnh: Twitte

Các quan chức y tế từng chăm sóc cho ông Trump thừa nhận tình hình khi ấy nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì họ đã thông báo. Trong đó, nhiều người kỳ vọng trải nghiệm này sẽ khiến ông Trump thay đổi cái nhìn về loại virus chết người này và bắt đầu có những biện pháp nghiêm ngặt để phòng dịch. Tuy nhiên, sau khi chiến thắng bệnh tật, cựu tổng thống Mỹ được cho là có thái độ "thách thức" và vẫn tiếp tục coi nhẹ SARS-CoV-2.

Theo chia sẻ trong cuốn sách mới, tình hình sức khoẻ của ông Trump chuyển biến xấu nhanh chóng sau khi mắc COVID-19. Khoảng 48h sau kết quả dương tính với SARS-CoV-2, cựu tổng thống đã sốt nặng, mức độ oxy trong máu ông cũng giảm xuống 94% (mức bình thường khoảng 97-99%), có những thời điểm còn xuống tới 80%. 

Ông Sean Conley, bác sĩ của Nhà Trắng, đã được điều đến bên giường bệnh để chăm sóc ông Trump. Khi ấy, ông Trump đã được dùng máy thở trong nỗ lực ổn định tình trạng sức khoẻ của ông.

Các bác sĩ đã tiêm cho ông chủ Nhà Trắng khi ấy một liều thuốc 8g gồm hai kháng thể đơn dòng thông qua tĩnh mạch. Sau đó, ông Trump tiếp tục được tiêm liều thuốc kháng virus remdesivir. Được biết, remdesivir là loại thuốc đã được cấp phép sử dụng nhưng vô cùng khan hiếm, không phải ai cũng được tiếp cận.

Thông thường, các bác sĩ sắp xếp các phương pháp điều trị để đo phản ứng của bệnh nhân. Nhưng trong trường hợp của ông Trump, đội ngũ y tế đã dùng mọi thứ có thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Sau đó, tình trạng của ông đã được cải thiện nhưng vì chưa chắc chắn về khả năng hồi phục hoàn toàn của tổng thống khi ấy, họ đã quyết định đưa ông vào bệnh viện.  Các nhân viên y tế chia sẻ thời điểm ấy, nếu để ông Trump ở lại Nhà Trắng thì quá rủi ro. 

Không nhiều người được biết về tình trạng bệnh thực sự của ông. Ngay cả những cố vấn thân cận với ông cũng không rõ bệnh tình của ông đang ở mức nào. Vào cuối ngày, ông Trump được lên kế hoạch tham gia cuộc trò chuyện với các đại diện của viện dưỡng lão nhưng cuối cùng, ông Mike Pence đã phải thay thế ông làm việc này. 

Sự phục hồi thần kỳ

Tình trạng của ông Trump ngày một tệ đi vào đầu ngày 3/10/2020, mức oxy trong máu ông giảm xuống 93%. Các nhân viên y tế sau đó đã tiêm steroid dexamethasone mạnh để giúp cải thiện khả năng sống sót của ông. Khi ấy, ông tiếp nhận cùng lúc hàng loạt loại thuốc điều trị, chống COVID-19.

Song song với đó, đội ngũ y bác sĩ của ông đã thảo luận với các chuyên gia y tế phụ trách công tác phòng chống dịch COVID-19 bao gồm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Robert Redfield để tìm kiếm cách chữa trị tốt nhất cho nhà lãnh đạo đương thời.

Ít nhất hai trong số những người đã được thông báo tóm tắt về tình trạng sức khỏe của ông Trump vào cuối tuần đó nói rằng ông bị ốm nặng và bày tỏ nỗi lo ông sẽ không qua khỏi tại bệnh viện Walter Reed. Những người thân cận với Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cũng đưa ra những bình luận tương tự về bệnh tình của ông. 

Tuy nhiên, sau khi được sử dụng các loại thuốc điều trị, tình trạng của tổng thống đương thời đã chuyển biến tốt vào chiều ngày 3/10/2020. Một trong những nguồn thạo tin cho rằng kháng thể đơn dòng đã góp phần giúp ông Trump vượt qua đại dịch. 

Sau khi sức khoẻ được cải thiện, ông Trump đã thực hiện các cuộc điện thoại và cập nhật Twitter về phản ứng của dư luận xoay quanh bệnh tình của ông. Sau đó, ông Trump cũng gọi điện cho ông Fauci để trao đổi về tình trạng của bản thân. 

Chia sẻ với cố vấn thân cận Jason Miller, cựu tổng thống Mỹ đã ca ngợi: "Mọi thứ như một phép màu. Tôi không nói dối. Tôi đã không cảm thấy ổn như vậy".

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Donald Trump khởi động chiến dịch ”trả đũa”

Ngày 26-6, Cựu Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch trả đũa nhắm vào những thành viên đảng Cộng hòa đã gây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh (Theo Washington Post) ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN