Quốc gia châu Âu bị Covid-19 lây nhanh “không đếm nổi”

Thụy Sĩ hiện ghi nhận số ca nhiễm virus Corona lên tới gần 2.700 người chỉ trong chưa đầy một tháng. Với tốc độ lây nhiễm như hiện tại, giới chức nước này cảnh báo việc hệ thống y tế sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thụy Sĩ là quốc gia châu Âu có vị trí địa lý giáp ranh với Italia ở phía nam, giáp biên giới với Pháp ở phía tây và Đức ở phía bắc. Vì nằm sát vùng tâm dịch ở vùng Lombardy của Italia nên Thụy Sĩ sớm ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là một người đàn ông 70 tuổi, quốc tịch Italia, gần đây có tới Milan.

2 ngày sau, Thụy Sĩ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 có nguồn gốc từ Italia, theo Swiss Info.

Thụy Sĩ nằm trong số các quốc gia trong khối Hiệp ước Schengen nên việc mở cửa tự do biên giới với Italia, Pháp và Đức đã khiến quốc gia này rất khó ngăn chặn dịch bệnh. Kết quả là Thụy Sĩ đang nằm trong top 10 các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất thế giới.

Số ca lây nhiễm bắt đầu tăng mạnh từ ngày 5.3, khi nhà chức trách nước này phát hiện virus Corona lây lan tại Đại học Zurich. Sau đó 5 ngày, số ca nhiễm tăng gấp 4 lần, lên mức 480 người và đến ngày 17.3, số ca nhiễm Covid-19 đã lên tới 2.677.

Biên phòng Thụy Sĩ kiểm tra giấy tờ người điều khiể một chiếc xe đến từ Pháp.

Biên phòng Thụy Sĩ kiểm tra giấy tờ người điều khiể một chiếc xe đến từ Pháp.

Giống như các nước châu Âu khác, Thụy Sĩ tỏ ra phản ứng khá chậm với bệnh dịch, Ngày 13.3, nhà chức trách nước này mới ra quyết định đóng cửa toàn bộ trường học cho đến ngày 4.4 và cấm mọi sự kiện có sự tham gia của hơn 100 người.

Hồi đầu tuần này, chính phủ Thụy Sĩ tuyên bố “tình trạng đặc biệt”, đóng cửa toàn bộ nhà hàng, quán bar và chỉ cho phép cửa hàng thực phẩm và cửa hàng thuốc hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực đến ngày 19.4.

Thụy Sĩ cũng lần đầu khôi phục kiểm soát biên giới, chỉ có công dân Thụy Sĩ hoặc người đến Thụy Sĩ vì mục đích thương mại mới được nhập cảnh. Người nước ngoài không có thẻ cư trú lâu dài bị từ chối nhập cảnh.

Thụy sĩ huy động tới 8.000 binh sĩ quân đội hỗ trợ đối phó dịch bệnh và đây là lần huy động quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến 2.

Giới chức Thụy Sĩ thừa nhận nước này không còn truy được nguồn gốc lây nhiễm Covid-19 nên chuyển đổi chiến lược sang tập trung bảo vệ người già và người ốm.

Daniel Koch, người đứng đầu Cơ quan chuyên trách bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Thụy Sĩ, thừa nhận Covid-19 đang lây lan quá nhanh đến mức giới chức nước này không thể kịp thống kê dữ liệu và rất khó để có được con số chính xác những người nhiễm virus.

 “Chúng ta cần làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19 bởi nếu không trong 10 ngày tới các bệnh viện của Thụy Sĩ sẽ không còn thể ứng phó được với làn sóng người bệnh”, ông Koch nói.

Quốc gia châu Âu bị Covid-19 lây nhanh “không đếm nổi” - 2

Daniel Koch, người đứng đầu Cơ quan chuyên trách bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Thụy Sĩ thừa nhận hệ thống y tế nước này có thể sụp đổ vì dịch Covid-19.

Các bệnh viện ở Thụy Sĩ hiện chỉ có 82 khu chăm sóc tích cực, với tổng số khoảng 1.000 giường bệnh, trong đó có 850 giường bệnh được trang bị thiết bị hỗ trợ sự sống, yếu tố sống còn với người nhiễm Covid-19.

Hôm 16.3, quân đội Thụy Sĩ lần đầu huy động một tiểu đoàn quân y hỗ trợ các bệnh viện dân sự.

Vì năng lực y tế có hạn nên Thụy Sĩ hiện chủ trương tập trung xét nghiệm cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao và những người cần nhập viện, thay vì xét nghiệm cho tất cả những người với triệu chứng nhẹ. “Ban đầu, chúng ta xét nghiệm cho nhiều người nhất có thể. Giai đoạn này ở châu Âu đã qua. Thời điểm này, việc xét nghiệm cho tất cả mọi người là không thể”, ông Koch nói.

Có thể nói, vì nằm giữa 3 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 hàng đầu châu Âu, chính phủ Thụy Sĩ đã không thể ngăn chặn đà lây lan của virus và số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia có 8,5 triệu dân này được dự báo còn tăng mạnh.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Italia đã chủ quan thế nào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19?

Italia có phần chủ quan trong giai đoạn đầu tiên dịch bệnh lây lan với vài trăm ca nhiễm và đến khi Covid-19 bùng phát mạnh,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Daily Star ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN