Đánh đến sát Bắc Kinh gây rúng động nhà Minh, quân Thanh bất ngờ đại bại vì tay Viên Sùng Hoán

Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời, con trai thứ tám là Hoàng Thái Cực kế vị, lập ra nhà Thanh. Tuy tài năng không thua kém gì cha, nhưng Hoàng Thái Cực cũng phải bất lực trước Viên Sùng Hoán.

Viên Sùng Hoán – vị tướng huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc (ảnh minh họa)

Viên Sùng Hoán – vị tướng huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc (ảnh minh họa)

Viên Sùng Hoán (1584-1630) là một trong những danh tướng nổi tiếng bậc nhất lịch sử Trung Quốc. Trong khi quân Bát Kỳ liên tiếp giành được những chiến thắng to lớn, khiến triều Minh run sợ, Viên Sùng Hoán đã một mình đi khỏi kinh thành, ra tận biên ải để khảo sát tình hình thực tế.

Minh sử chép, Viên Sùng Hoán tự tiến cử với hoàng đế nhà Minh lúc bấy giờ là Hy Tông:

- Nếu như cấp cho thần đầy đủ lương thực, binh mã, một mình thần cũng có thể bảo vệ được vùng Liêu Đông.

Minh Hy Tông tín nhiệm, đặc cách cho ông chỉ huy quân đội, trấn thủ tại Liêu Đông. Đồng thời, cấp cho Viên Sùng Hoán 20 vạn quan tiền để chiêu mộ quân sĩ, tu bổ thành trì.

Trái ngược hẳn với suy nghĩ thông thường của nhiều người, cho rằng phải tập trung quân để giữ Sơn Hải quan, Viên Sùng Hoán lại dồn toàn bộ lực lượng, phòng thủ trọng điểm tại thành Ninh Viễn.

Biện pháp này của ông đã biến Sơn Hải quan từ tiền tuyến trở thành hậu phương. Thành Ninh Viễn nhỏ bé lại trở thành lớp giáp kiên cố bên ngoài.

Nhiều quan lại trong triều khi đó cho rằng, cách làm trên của Viên Sùng Hoán quá điên rồ. Không ai dám tin thành Ninh Viễn có thể chịu nổi sức tấn công như bão táp của quân Bát Kỳ.

Viên Sùng Hoán chỉ huy chiến dịch Ninh Viễn lần hai, đánh bại quân Bát Kỳ (ảnh minh họa)

Viên Sùng Hoán chỉ huy chiến dịch Ninh Viễn lần hai, đánh bại quân Bát Kỳ (ảnh minh họa)

Sau chiến thắng vang dội trước Nỗ Nhĩ Cáp Xích tại Ninh Viễn, Viên Sùng Hoán được thăng chức làm tuần phủ Liêu Đông. Ông chủ động cùng Đại Kim nghị hòa để có thời gian chỉnh đốn, củng cố lực lượng. Điều này đã khiến một số kẻ gian thần trong triều đồn thổi rằng Viên Sùng Hoán có ý đồ làm phản.

Năm 1627, Hoàng Thái Cực chinh phục thành công phần lớn Mông Cổ, lực lượng quân Bát Kỳ lúc này đã mạnh hơn trước rất nhiều, quyết tâm báo mối nhục Ninh Viễn khi trước.

Hoàng Thái Cực chia quân làm 3 đường tiến đánh quân Minh, 2 cánh quân sẽ công phá thành Ninh Viễn và Cẩm Châu, cánh còn lại bố trí mai phục tại con đường giữa hai thành trì này, tiêu diệt quân Minh đi tiếp viện.

Viên Sùng Hoán chỉ huy quân đội chống trả quyết liệt tại Ninh Viễn, khiến cho quân Bát Kỳ thiệt hại nặng nề. Mặt khác, do đoán biết được mưu kế của địch, ông cũng nhất định không đi cứu viện Cẩm Châu, làm cho kế hoạch “vây thành diệt viện” của Hoàng Thái Cực, bước đầu bị phá sản.

Khi Cẩm Châu rơi vào nguy cấp thực sự và quân Bát Kỳ mai phục đã hết kiên nhẫn, Viên Sùng Hoán mới điều 4000 kỵ binh đi ứng cứu. Hoàng Thái Cực cho rằng Viên Sùng Hoán trúng kế, lại ồ ạt công phá Ninh Viễn. Tuy nhiên, lớp phòng thủ chắc chắn cùng với hỏa lực của Hồng Di đại pháo một lần nữa lại đánh bật quân Bát Kỳ.

Cuộc chiến giằng co kéo dài 5 tháng (từ tháng 5 – 10.1627), quân Bát Kỳ đã quá mỏi mệt, chán nản, Hoàng Thái Cực buộc phải rút lui. Viên Sùng Hoán lợi dụng thời cơ này, kéo toàn quân ra truy kích, quân Bát Kỳ lại thảm bại.

Ngụy Trung Hiền lập kế hãm hại Viên Sùng Hoán (ảnh minh họa)

Ngụy Trung Hiền lập kế hãm hại Viên Sùng Hoán (ảnh minh họa)

Sau chiến thắng tại Ninh Viễn lần hai, quân Minh đã giành lại được thế chủ động trên chiến trường Liêu Đông. Tuy nhiên, ngay sau đó, Viên Sùng Hoán bị Ngụy Trung Hiền hãm hại.

Ngụy Trung Hiền là một đại gian thần, xuất hiện vào thời cuối nhà Minh. Xuất thân từ một thái giám mù chữ, hắn ta dần trở thành người thân tín nhất bên cạnh hoàng đế Minh Hy Tông, quyền hành ngang với tể tướng.

Ngụy Trung Hiền cho rằng ông đã khiêu khích để cho quân địch tấn công, khi Cẩm Châu nguy cấp, lại cố tình không đi tiếp viện. Viên Sùng Hoán bị cách chức, đuổi về quê. Về sau, Sùng Chinh hoàng đế lên ngôi, tiêu diệt hết vây cánh của bè lũ Ngụy Trung Hiền, Viên Sùng Hoán lại được phục chức.

Hoàng Thái Cực biết không thể nào vượt qua Sơn Hải quan, khi Viên Sùng Hoán cứ trấn thủ ở đó. Ông ta quyết định cho quân đi vòng qua Liêu Đông, tấn công trực diện vào kinh đô Bắc Kinh của nhà Minh.

Trước đó, do lo ngại quân Bát Kỳ có thể đi theo đường vòng, tiến vào đánh lén khu vực Bắc Kinh, Viên Sùng Hoán đã nhiều lần yêu cầu triều đình phòng thủ nghiêm ngặt tại Kế Môn.

Đáng tiếc, kiến nghị nói trên của ông không được Sùng Chinh quan tâm. Do việc phòng thủ được triển khai quá chậm chạm, cùng với sự lơ là, đã khiến nhà Minh lãnh hậu quả.

Quân Bát Kỳ “tránh mặt” Viên Sùng Hoán, tập kích thẳng vào Bắc Kinh (ảnh minh họa)

Quân Bát Kỳ “tránh mặt” Viên Sùng Hoán, tập kích thẳng vào Bắc Kinh (ảnh minh họa)

Lợi dụng cơ hội khi hầu hết quân chủ lực của nhà Minh đang tập trung bao vây quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành tại Xa Sương Hạp, cách xa Bắc Kinh. Tháng 10.1629, Hoàng Thái Cực điều 10 vạn tinh binh, lén đi vòng qua phòng tuyến tại Liêu Đông.

Quân Bát Kỳ chia làm ba đường, tiến theo hướng tây bắc, hành quân qua Vạn lý Trường Thành, đánh thẳng vào thành Bắc Kinh. Chiến thuật này của Hoàng Thái Cực được gọi là “sấm đánh không kịp bưng tai”.

Dựa vào ưu thế kỵ binh, Hoàng Thái Cực tiến quân ồ ạt, quân Minh vì bị bất ngờ nên chống trả rất yếu ớt và nhanh chóng tan vỡ. Hoàng đế Sùng Chinh vừa vội vàng tăng cường phòng thủ kinh thành, vừa hạ lệnh cho quân từ các nơi hỏa tốc kéo về hỗ trợ.

Cánh quân đang bao vây Lý Tự Thành được lệnh quay về ứng cứu Bắc Kinh thì lập tức, bị quân khởi nghĩa đánh quật lại. Quân Minh rơi vào tình thế lưỡng đầu thọ địch

Tổng binh tại Bắc Kinh là Mãn Quế, cố gắng chỉ huy quân Minh, chống cự lại quân Bát Kỳ. Tuy nhiên, khả năng của Mãn Quế quá kém cỏi. Pháo binh trên thành của quân Minh do ông ta chỉ huy bắn yểm trợ, lại bắn nhầm vào cả quân mình.

Quân Minh trúng pháo, bị tổn thất không ít, hàng ngũ vì vậy rối loạn, bị quân Bát Kỳ đánh cho tơi tả. Mãn Quế phải rút quân vào trong thành, cố thủ chờ viện binh, để mặc cho quân Bát Kỳ tung hoành, cướp phá.

Viên Sùng Hoán hành quân thần tốc về giải cứu kinh thành (ảnh minh họa)

Viên Sùng Hoán hành quân thần tốc về giải cứu kinh thành (ảnh minh họa)

Quân Kim càng đánh càng hăng, tiến đến sát Bắc Kinh, cả triều đình nhà Minh rúng động. Toàn bộ triều đình nhà Minh đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Nhưng Trung Hoa khi đó vẫn còn một đại tướng tài ba là Viên Sùng Hoán.

Viên Sùng Hoán sau khi biết tin quân địch chuyển hướng, vội vã đuổi theo chặn đường tiến công của địch. Tuy nhiên, với ưu thế kỵ binh, quân Bát Kỳ tiến công thần tốc, liên tiếp hạ các thành trì trên đường, tổ chức phòng thủ và ngăn cản sự truy kích của Viên Sùng Hoán.

Viên Sùng Hoán khẩn cấp điều ngay 5 vạn quân từ Ninh Viễn quay về Bắc Kinh ứng cứu. Tuy nhiên, 5 vạn đại quân không thể tiến nhanh được, Viên Sùng Hoán liền đích thân dẫn 9.000 kỵ binh, hành quân bất kể ngày đêm, thần tốc tiến về giải cứu kinh thành đang trong cơn nước lửa.

Tháng 11.1629, quân của Viên Sùng Hoán và đại quân Bát Kỳ của Hoàng Thái Cực kịch chiến ác liệt ngay bên ngoài thành Bắc Kinh.

Quân Minh của Viên Sùng Hoán chỉ có vỏn vẹn 9.000 người, đang mệt mỏi do phải hành quân đường dài. Họ phải đối mặt với sức mạnh áp đảo của 10 vạn quân Bát Kỳ, đang hừng hực thế công, đã chiếm cứ hết địa hình tác chiến từ trước đó.

9.000 quân của Viên Sùng Hoán ác chiến với 10 vạn quân Bát Kỳ (ảnh minh họa)

9.000 quân của Viên Sùng Hoán ác chiến với 10 vạn quân Bát Kỳ (ảnh minh họa)

Dưới sự chỉ huy của Viên Sùng Hoán, những binh sĩ đã liều chết quên mình, giao chiến khốc liệt hơn nửa ngày, đẩy lui từng đợt tấn công của quân Bát Kỳ.

Hoàng Thái Cực sốt ruột, thấy mãi không phá được quân Minh, bèn đích thân ra trận quan sát tình hình. Thấy trận thế của đối phương dù lấy ít đánh nhiều, nhưng vô cùng chặt chẽ, kỷ luật, biết không thể thắng ngay được, Hoàng Thái Cực đành phải xuống lệnh cho quân rút lui.

Binh mã các lộ quân Minh sau đó cũng kéo về, Viên Sùng Hoán nhanh chóng đánh đuổi quân Kim ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa. Sau đó, ông không tiếp tục đuổi theo  quân của Hoàng Thái Cực mà ở lại để bảo vệ thành Bắc Kinh, đề phòng quân của Lý Tự Thành tập kích.

Sau trận chiến kinh điển này, tên tuổi của Viên Sùng Hoán đã trở thành huyền thoại. Ông được người Trung Quốc tôn là “thần tướng” và được thờ phụng rộng rãi cho đến ngày nay.

_____________

Đã đánh đến sát kinh thành Bắc Kinh của nhà Minh mà vẫn không giành được thắng lợi. Liệu quân Thanh sẽ dùng cách nào để thôn tính Trung Quốc và đối phó Viên Sùng Hoán? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau.

Trận đánh kinh hồn: 6 vạn quân Bát Kỳ tiêu diệt 14 vạn quân Minh - Triều

Phải chiến đấu với lực lượng quân Minh đông hơn gấp bội, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã vận dụng những sách lược quân sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN