Phía sau chiến dịch mật danh 1027 như vũ bão ở Myanmar

Lúc 4 giờ sáng ngày 27/10, liên minh quân nổi dậy dân tộc thiểu số hùng mạnh ở Myanmar, được gọi là Liên minh Huynh đệ, phát động một loạt cuộc tấn công vào lực lượng của chính quyền ở bang Shan thuộc miền bắc.

Các thành viên của Quân đội Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar chụp ảnh với lá cờ trước cầu Kunlong ở thị trấn Kunlong thuộc bang Shan, ngày 12/11. (Ảnh: AP)

Các thành viên của Quân đội Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar chụp ảnh với lá cờ trước cầu Kunlong ở thị trấn Kunlong thuộc bang Shan, ngày 12/11. (Ảnh: AP)

Mục tiêu mà Liên minh gồm 3 lực lượng Arakan, Ta’ang và Kokang, đặt ra trong chiến dịch này là chống lại chính quyền quân sự, cũng như xóa sổ các tập đoàn lừa đảo trực tuyến khét tiếng hoạt động gần biên giới với Trung Quốc.

Cuộc tấn công mang mật danh Chiến dịch 1027 mở màn cho hàng loạt cuộc tấn công tương tự của các lực lượng dân quân kháng chiến khác khắp cả nước.

Hàng trăm ngàn người đã phải sơ tán khỏi vùng giao tranh, trong khi số lượng binh sĩ của lực lượng vũ trang đào ngũ hoặc đầu hàng phe nổi dậy ngày càng tăng.

Vào ngày Liên minh Huynh đệ tấn công bang Shan, Quân Giải phóng quốc gia Karen đã đột nhập vào các văn phòng chính quyền ở bang Kayin, phía nam bang Shan.

Gần như ngay lập tức, Chính phủ Thống nhất quốc gia, tức chính quyền lưu vong ra đời sau cuộc đảo chính năm 2021 ở Myanmar, cho biết Lực lượng Phòng vệ nhân dân của họ sẽ tham gia Chiến dịch 1027.

Vài ngày sau, Quân đội Arakan và Quân đội Độc lập Kachin chiếm giữ các tiền đồn quân sự ở bang Kachin.

Đến ngày 13/10, một làn sóng tấn công mới diễn ra ở bang Rakhine. Các cuộc bao vây cũng diễn ra ở các vùng thuộc bang Sagaing, Chin, Mon, Kachin và Kayin.

Chiến dịch 1027 được nhiều người coi là để chấm dứt vai trò của quân đội trong lãnh đạo đất nước, hai năm sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi và gây ra một chiến dịch trấn áp mạnh tay những người bất đồng chính kiến.

Tuy nhiên, Amara Thiha, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo có trụ sở tại Na Uy, cho rằng động lực chính của chiến dịch này là tranh chấp lãnh thổ. Ông cho biết mỗi lực lượng trong liên minh này đều có kế hoạch riêng, từ việc giành quyền kiểm soát đất đai đến mở rộng ảnh hưởng trên các tuyến đường thương mại.

“Khi tiến hành một cuộc chiến, bạn cần một số lý do chính trị. Và hiện tại, lý do được chấp nhận nhiều nhất là chiến đấu để chấm dứt chính quyền quân sự”, ông Amara Thiha nói với CNA.

Các nhà quan sát khác như Jason Tower, giám đốc quốc gia Myanmar tại Viện Hòa bình Mỹ, tin rằng Chiến dịch 1027 có liên quan đến Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Tower lưu ý rằng một trong lý do mà Liên minh Huynh đệ nêu ra cho cuộc tấn công của mình là nhằm triệt hạ các tổ chức lừa đảo và giải phóng nạn nhân của nạn buôn người.

Ông Tower cho biết, đây là vấn đề lớn của chính quyền Trung Quốc và chính xác là điều mà Bắc Kinh đã kêu gọi chính quyền giải quyết trong những tháng trước đó.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở khu vực này, và luôn thúc giục chính quyền quân sự Myanmar triệt phá các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp khiến nhiều người Trung Quốc trở thành nạn nhân, thậm chí thành nô lệ hiện đại.

Các bang màu cam là những nơi diễn ra Chiến dịch 1027. (Ảnh: CNA)

Các bang màu cam là những nơi diễn ra Chiến dịch 1027. (Ảnh: CNA)

Lực lượng nổi dậy cho biết họ đã vượt qua hơn 150 tiền đồn quân sự trên khắp Myanmar kể từ ngày 27/10, nhưng không rõ liệu họ có thể duy trì được đà này hay không.

“Việc chiếm được toàn bộ các tiền đồn quân sự là một chuyện, chiếm được toàn bộ thành phố lại là chuyện khác”, ông Amara Thiha nói.

Nhà nghiên cứu này không chắc liệu Liên minh Huynh đệ và các lực lượng dân tộc thiểu số khác có đủ nguồn lực và hỗ trợ hậu cần để thực hiện điều đó hay không.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này thừa nhận rằng trong những tuần qua, họ đã thực hiện một trong những cuộc tấn công kháng chiến với quy mô và mức độ phối hợp rộng lớn nhất trong nhiều năm qua.

Thành tích của họ trong chiến dịch có yếu tố tâm lý, khi hơn 400 binh sĩ của chính quyền chấp nhận đầu hàng hoặc bỏ chạy mà không chiến đấu.

“Tác động lớn nhất dường như là sự mệt mỏi và tinh thần. Một số tiền đồn đã giải tán hoặc đầu hàng mà không gặp phải sự kháng cự nào”, ông Amara Thiha cho biết.

Ông Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, đã yêu cầu tất cả quân dự bị sẵn sàng và chuẩn bị cho trận chiến ở tiền tuyến.

Ông cảnh báo rằng giao tranh kéo dài có nguy cơ khiến đất nước tan vỡ.

Cho đến nay, ít nhất 200.000 người đã sơ tán trong đợt tấn công. Các nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn. Trung Quốc cũng cho biết có công dân của họ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Hàng trăm người Thái, một số người Philippines và một người Singapore được sơ tán cuối tuần qua khỏi một thị trấn ở phía bắc bang Shan. Chính quyền Thái Lan cho biết một số trong đó là nạn nhân của các băng nhóm buôn người và có thể liên quan đến các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại.

Điều gì tiếp theo?

Chiến dịch 1027 buộc chính quyền phải can thiệp vào một số lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến tình hình tội phạm đang khiến Trung Quốc lo lắng.

Đầu tiên, chính quyền quân sự Myanmar thay thế quan chức đứng đầu ở Kokang, thuộc bang Shan. Tuần trước, chính quyền bắt giữ 3 đối tượng cầm đầu và 286 cá nhân liên quan đến các tổ chức lừa đảo trực tuyến.

Giới quan sát cho rằng cần chờ xem liệu việc việc tăng cường trấn áp các băng nhóm lừa đảo có giúp chính quyền quân sự Myanmar lấy lại sự ủng hộ của Bắc Kinh hay không.

Tuy nhiên, ông Amara Thiha cho rằng giữa hai nước vẫn có sự tin tưởng và ủng hộ.

“Ở cấp quốc gia, hai bên duy trì liên lạc. Ngoài ra còn có thông tin về việc các hạm đội hải quân Trung Quốc đến thăm cảng Myanmar”, ông nói.

Theo nhà nghiên cứu này, Chiến dịch 1027 đang bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống.

Ông nói rằng không có khu vực xung đột mới nào xuất hiện trong những ngày gần đây và quân tiếp viện của chính quyền quân sự đang "chậm nhưng đều đặn chiếm thế thượng phong".

Không phải tất cả hơn 20 lực lượng dân quân sắc tộc ở Myanmar đều tham gia cuộc tấn công vì lo ngại sự trả đũa sau đó của chính quyền.

Nếu bạo lực vượt quá tầm kiểm soát, ông Amara Thiha cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tham gia với vai trò trung gian, quan trọng hơn là để các lợi ích kinh tế và địa chính trị của họ được bảo toàn.

Nguồn: [Link nguồn]

Quân đội Myanmar thừa nhận đang bị phe nổi dậy tấn công dữ dội

Chính quyền quân sự Myanmar thừa nhận họ đang phải đối mặt với “các cuộc tấn công nặng nề” từ phe nổi dậy, từ khi họ bắt đầu cuộc tấn công phối hợp vào cuối tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - CNA, Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN