Ốc mượn hồn 'cõng' rác thải nhựa khiến các nhà khoa học đau đầu

Những con cua ẩn sĩ (Việt Nam gọi là ốc mượn hồn) trên khắp thế giới vốn lấy vỏ ốc làm áo giáp cho cơ thể, thời gian gần đây thay vì dùng vỏ ốc, chúng đã chuyển sang sử dụng rác thải nhựa làm vật liệu để che chắn cho mình.

Hành động này đã khiến các nhà khoa học phải lên tiếng cảnh báo về vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

Theo đó, các nhà khoa học đã phân tích hiện tượng này dựa trên các bức ảnh do những người đam mê động vật hoang dã chụp và đăng tải trên mạng.

Các nhà khoa học cho biết họ rất "đau lòng" khi thấy mức độ các loài động vật sống trong rác thải của con người tăng lên nhanh chóng khi 2/3 số loài ốc mượn hồn hiện đang dùng “vỏ nhân tạo” – tức những vật dụng mà con người vứt bỏ làm chiếc vỏ cho mình thay vì tìm đến những vỏ ốc thông thường.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí Khoa học tổng thể về môi trường.

Nghiên cứu sử dụng mạng xã hội và các trang web chia sẻ ảnh. BBC dẫn lời một trong những nhà nghiên cứu là Marta Szulkin - nhà sinh thái học đô thị từ Đại học Warsaw giải thích: "Chúng tôi bắt đầu nhận thấy điều gì đó hoàn toàn khác thường. Thay vì cõng lên một chiếc vỏ ốc đẹp đẽ như những gì chúng ta thường thấy - ốc mượn hồn đã dùng một chiếc nắp chai nhựa màu đỏ trên lưng hoặc một mảnh bóng đèn".

Phần lớn các vật dụng mà các nhà nghiên cứu thấy cua ẩn sĩ sử dụng trong các bức ảnh đều được làm bằng nhựa.

Bà và các đồng nghiệp tại Đại học Warsaw, Zuzanna Jagiello và Łukasz Dylewski, đã tìm thấy tổng cộng 386 cá thể ốc mượn hồn sử dụng vỏ nhân tạo - chủ yếu là nắp chai nhựa.

Một con ốc mượn hồn sử dụng nắp chai làm vỏ 

Một con ốc mượn hồn sử dụng nắp chai làm vỏ 

Giáo sư Szulkin giải thích: “Theo tính toán của chúng tôi, 10 trong số 16 loài cua ẩn sĩ trên thế giới sử dụng loại nơi trú ẩn này và nó được quan sát thấy ở tất cả các vùng nhiệt đới trên Trái đất”.

Vẫn chưa rõ liệu những vật liệu này có hại hay thậm chí có thể hữu ích đối với các loài giáp xác nhỏ, dễ bị tổn thương hay không.

Giáo sư Szulkin nói với chương trình Inside Science của đài BBC: “Lần đầu tiên nhìn thấy những bức ảnh này, tôi cảm thấy thật đau lòng. Đồng thời, tôi nghĩ chúng ta thực sự cần hiểu thực tế là chúng ta đang sống ở một thời đại khác và các loài động vật đang tận dụng những gì có sẵn cho chúng”.

Nghiên cứu sinh thái dựa trên internet này tiết lộ rằng việc ốc mượn hồn sử dụng vỏ nhân tạo là một "hiện tượng toàn cầu".

Giáo sư Szulkin cho biết: “Chúng tôi đã thấy điều này ở 2/3 số loài cua ẩn sĩ trên cạn. Đó là những gì chúng tôi có thể xác định được chỉ bằng cách sử dụng những bức ảnh do khách du lịch chụp”.

Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này mở ra những câu hỏi mới về cách các loài giáp xác ven biển này tương tác và sử dụng nhựa. Ngoài việc tìm hiểu xem liệu nó có gây hại gì cho chúng hay không, các nhà khoa học còn muốn tìm hiểu xem nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tiến hóa của chúng.

Cả nhóm cua này đã thích nghi với việc nhặt rác và sử dụng vỏ ốc bỏ đi để bảo vệ cơ thể mỏng manh của mình. Và khi số vỏ đó khan hiếm, lũ cua sẽ tranh giành chúng.

Một con ốc mượn hồn khác sử dụng chụp đèn làm vỏ 

Một con ốc mượn hồn khác sử dụng chụp đèn làm vỏ 

Điều chúng tôi không biết là yếu tố mới lạ có thể ảnh hưởng đến chúng đến mức nào - và liệu cua ẩn sĩ có tranh giành vỏ nhựa nhân tạo hay không” - giáo sư Szulkin giải thích.

Nhà nghiên cứu thông tin thêm, vỏ ốc tự nhiên đang suy giảm nên bà nghi ngờ rằng các loài động vật có thể dễ dàng tìm thấy vật liệu thay thế nhân tạo hơn. Và những “vỏ bằng nhựa, nhẹ hơn thậm chí có thể giúp những con cua nhỏ hơn, yếu hơn có thể sống sót vì chúng dễ mang theo hơn”.

Chắc chắn có rất nhiều nhựa trong môi trường biển cho các loài động vật lựa chọn. Một nghiên cứu gần đây cố gắng định lượng quy mô ô nhiễm nhựa ước tính rằng ít nhất 171 nghìn tỷ mảnh nhựa hiện đang trôi nổi trong đại dương của chúng ta.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng con số đó có thể tăng gần gấp ba vào năm 2040 nếu không có hành động nào được thực hiện.

Hiện tượng ốc mượn hồn sử dụng nắp chai nhựa làm vỏ làm dấy lên cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa 

Hiện tượng ốc mượn hồn sử dụng nắp chai nhựa làm vỏ làm dấy lên cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa 

Mark Miodownik, giáo sư vật liệu và xã hội tại Đại học College London nói với BBC rằng có một bài học cho con người trong những hình ảnh này. Ông nhận định: “Giống như những con cua ẩn sĩ, chúng ta nên tái sử dụng nhựa nhiều hơn thay vì vứt bỏ nó”.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo giới chức nông nghiệp Mỹ, dù tên gọi "ốc sên châu Phi khổng lồ" nghe có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng loài này là một trong những loài ốc gây hại nhất trên thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Duy (BBC) ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN