Nhìn lại nửa nhiệm kỳ của ông Joe Biden
Còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ. Đây cũng là thời điểm người ta đánh giá nửa chặng đường đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, người được xem là sẽ dẫn dắt con thuyền đảng Dân chủ vượt qua cửa ải tháng 11 này.
Đối với Tổng thống Biden, ông đã hứa sẽ chữa lành “linh hồn” quốc gia, giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống đã hiện ra giống như một bài kiểm tra đối với bản thân ông.
Câu chuyện về nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden cho đến nay được giới chuyên gia ví như “tàu lượn siêu tốc” - phức tạp và đầy mâu thuẫn, với những thành tựu đáng kể và cả sự thất vọng to lớn. Chính quyền của ông đã giám sát đợt triển khai vaccine thành công nhất trong lịch sử, mở ra một cảm giác bình thường sau đại dịch - nhưng nước Mỹ lại đang chuẩn bị cho các biến thể mới đáng lo ngại khi chuẩn bị bước vào mùa đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp hoàn thành nửa nhiệm kỳ tại Nhà Trắng.
Một số người thân cận nhất với Tổng thống Biden cho rằng chính quyền của ông đã đạt được những thắng lợi đáng kể khi liên tục chống lại các giới hạn của bộ máy hành chính liên bang, đa số mong manh trong quốc hội và một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Các trợ lý cũng thường không lường trước và lập kế hoạch cho các tình huống xấu nhất và thường xuyên đặt kỳ vọng lên trên những gì họ có thể đạt được. Ông Biden và bộ sậu của ông được bầu với lời hứa về một kỷ nguyên mới của nền quản trị có năng lực, nhưng đến nay người ta chỉ thấy cho dù nước Mỹ có nền khoa học tiên tiến nhất và đội ngũ chuyên gia tốt nhất vẫn không thể bảo vệ đất nước khỏi những làn sóng bệnh tật và khó khăn kinh tế mới.
Là một chính trị gia nhạy bén, ông Biden đã sớm nhận thấy mình như bị mắc kẹt trong một chiếc bong bóng: mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát và sự điên rồ do chính mình tạo ra. Tổng thống Biden vẫn được bao quanh bởi một nhóm đồng minh lâu năm, hầu hết trong số họ đã làm việc cho ông trong nhiều thập kỷ. Ngay cả những người có chức danh cao cấp trong Nhà Trắng cũng nói rằng vẫn có sự phân tầng rõ ràng giữa “vòng trong” đáng tin cậy của ông Biden và phần còn lại.
Nhìn chung, ông Biden đã đạt được nhiều điều đã hứa trong lúc tranh cử. Ông đã bổ nhiệm người phụ nữ da màu đầu tiên vào Tòa án Tối cao. Với sự kiểm soát hẹp nhất của Quốc hội trong nhiều thập kỷ, ông đã thông qua các luật về cứu trợ COVID-19, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, sản xuất, quy định kiểm soát súng và giá thuốc theo toa mà trong nhiều năm đảng Dân chủ mong muốn làm nhưng chưa làm được.
Rồi, ông đã ra lệnh cho đặc nhiệm triển khai một cuộc tấn công chính xác mang đến kết quả giết chết thủ lĩnh lâu đời nhất của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Ông Biden tiếp tục tổ chức một liên minh hỗn loạn gồm các quốc gia hỗ trợ Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga, qua đó củng cố lời hứa khôi phục quyền lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất của ông Biden trong gần 2 năm qua chính là cách ông ứng phó đại dịch COVID-19. Khác hẳn với chính sách “quay lưng với COVID” của người tiền nhiệm, ông Biden đã cho triển khai chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ mà nhờ đó đã nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của virus. Chính sách thận trọng và quyết liệt đã giúp nước Mỹ kiểm soát được đại dịch, tạo sự an tâm trong người dân. Tuy nhiên, đại dịch lại tái bùng phát mạnh với các biến chủng mới khiến cho người Mỹ một lần nữa lại bất an. Dựa vào nghiên cứu của các nhà khoa học, ông Biden đã đưa ra khuyến cáo rằng cho dù tiêm đủ mũi vaccine thì người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi tập trung đông người, kể cả ở trong nhà.
Tính chất trồi sụt của đại dịch COVID-19 đã được phản ánh qua tỉ lệ tán thành của người dân Mỹ đối với Tổng thống Biden. Theo một cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News, 62% đã tán thành cách ông Biden xử lý đại dịch vào cuối tháng 6/2021, ngay trước khi ông có bài phát biểu về những thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19. Nhưng, con số đó đã giảm 10 điểm phần trăm, xuống còn 52% vào cuối tháng 8 và tháng 9, xuống 47% vào tháng 11, kéo giảm tỉ lệ ủng hộ chung của cử tri đối với ông.
Cũng theo giới chuyên gia, những vấn đề “thất bại” nhất của ông Biden lại nằm trong chính sách đối ngoại. Việc rút quân khỏi Afghanistan tháng 8/2021 bị chính những đồng minh quan trọng nhất của ông trong đảng Dân chủ cho là một “ác mộng chính trị”. Sau chiến dịch, nước Mỹ đã dùng máy bay các loại đưa 120.000 người thoát ra khỏi Kabul, trong đó 80.000 người Afghanistan định cư tại Mỹ. Ý định chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan của ông Biden đã được thực hiện thành công, nhưng Mỹ phải trả giá bằng uy tín và danh dự. Chưa kể số người phải chết vì các cuộc tấn công của Taliban theo đà rút quân của Mỹ. Ở Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt nhất kể từ khi nhậm chức do cuộc rút quân “không khác gì một cuộc tháo chạy”. Kết quả cuối cùng: 3 tuần sau Taliban đánh chiếm Kabul, nắm quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan.
Hệ lụy rõ ràng và tai hại nhất từ việc nước Mỹ xây dựng chiến tuyến chống Nga xung quanh mặt trận Ukraine chính là lạm phát, giá cả hàng hóa leo thang, khủng hoảng năng lượng do đứt gãy cung cầu. Nó đã khiến cho người dân Mỹ ngày nay phải sống trong nỗi lo lắng thường trực về lạm phát và giá cả leo thang. Ông Biden càng lên giọng cứng rắn, hô hào các đồng minh đối đầu Nga trong cuộc chiến Ukraine thì người dân Mỹ càng thót ruột và tỉ lệ ủng hộ đối với ông càng xuống thấp. Theo một thăm dò mới nhất của của hãng thăm dò dư luận, tỉ lệ đó đến tháng 10/2022 đã xuống dưới 40%.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng nhiều người đang lo ngại về tuổi tác và sức khỏe của ông.