Nhiều người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng cho thấy điều gì về virus SARS-CoV-2?

Một loạt nghiên cứu mới chỉ ra rằng ngày càng nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng, làm dấy lên hy vọng virus SARS-CoV-2 không gây chết người nhiều như lo ngại ban đầu.

Theo AP, thông tin trên rõ ràng là một tin tốt nhưng nó cũng đồng nghĩa bạn không thể biết người xung quanh mình có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Và điều này khiến quyết định quay trở lại làm việc, mở cửa trường học và khôi phục đời sống bình thường trở nên vô cùng phức tạp.

Trong tuần qua, các báo cáo về số "ca nhiễm thầm lặng" - chỉ những người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không biểu hiện triệu chứng, xuất hiện tại nhiều khu vực trên thế giới như một khu tạm trú của người vô gia cư ở thành phố Boston (Mỹ), một tàu sân bay của Hải quân Mỹ, một bệnh viện ở thành phố New York hay nhiều nước châu Âu.

Người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết 25% người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ không xuất hiện triệu chứng. Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, tướng John Hyten, cho rằng tỷ lệ này trong số các quân nhân Mỹ có thể lên cao tới 60-70%.

Tuy nhiên, những con số này chưa thể chính xác 100% vì chúng dựa trên các nghiên cứu chưa hoàn chỉnh, bác sĩ Michael Mina, làm việc tại Trường Y tế Cộng đồng, thuộc Đại học Havard (Mỹ), cho hay.

Mặc dù vậy, các thử nghiệm này cũng chứng tỏ một điều "tổng số ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều", theo Michael.

Theo các nghiên cứu mới đây, ngày càng nhiều ca nhiễm Covid-19 không biểu hiện triệu chứng. Ảnh minh họa: Getty

Theo các nghiên cứu mới đây, ngày càng nhiều ca nhiễm Covid-19 không biểu hiện triệu chứng. Ảnh minh họa: Getty

Dựa trên số ca nhiễm ghi nhận, giới chức y tế cho biết virus SARS-CoV-2 thường gây ra triệu chứng nhẹ hoặc trung bình giống bệnh cúm. Giờ đây, nhiều nghiên cứu cho thấy số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 không biểu hiện triệu chứng ngày càng tăng lên.

Các nhà khoa học ở Iceland đã sàng lọc 6% dân số nước này để xem có bao nhiêu “ca nhiễm thầm lặng” mà trước đó chưa bị phát hiện và nhận thấy 0,7% trong số này dương tính với virus SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng.

Trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, nơi một thành viên thủy thủ đoàn đã tử vong vì Covid-19, "tỷ lệ ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng là 40%", Phó đô đốc Phillip Sawyer, Phó chỉ huy các hoạt động hải quân, cho biết. Tỷ lệ này có thể thay đổi nếu các triệu chứng được phát hiện sau đó.

Tại thành phố New York, bang New York, Mỹ, các bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm của 215 phụ nữ mang thai sắp sinh trong khoảng 2 tuần (từ ngày 22/3 tới ngày 4/4). Các bác sĩ phát hiện 33 thai phụ (15%) dương tính với virus. Trong số 33 thai phụ, có 29 người không xuất hiện triệu chứng (chiếm gần 14% trong tổng số 15%).

Trước đó, việc lấy mẫu xét nghiệm của hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess cho thấy gần một nửa số ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng bệnh tại thời điểm lấy mẫu. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 18% số người lây nhiễm không có triệu chứng từ lúc lây nhiễm tới khi được phát hiện bệnh.

Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong các trường hợp kể trên đều là bệnh phẩm lấy từ mũi và họng và điều này có thể dẫn tới bỏ sót các trường hợp. Một người có thể có kết quả âm tính nếu như mẫu xét nghiệm ở mũi và họng không phát hiện virus SARS-CoV-2, nhưng vẫn có thể dương tính vào lần xét nghiệm sau vì virus trú ngụ ở phần khác của cơ thể di chuyển tới mũi, họng.

Triệu chứng cũng có thể không xuất hiện tại thời điểm một người được lấy mẫu xét nghiệm nhưng lại xuất hiện sau đó. Một nghiên cứu ở Nhật Bản chỉ ra rằng hơn một nửa người nhiễm không biểu hiện triệu chứng khi được lấy mẫu xét nghiệm sau đó một thời gian thì phát hiện có triệu chứng.

Việc xét nghiệm các kháng thể trong máu - các chất mà hệ thống miễn dịch sản sinh để chống lại virus, có thể hiệu quả hơn xét nghiệm bệnh phẩm từ mũi, họng. Tuy nhiên, độ chính xác của việc xét nghiệm kháng thể cũng vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Hôm 17/4, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết quả xét nghiệm kháng thể của hơn 3.300 người ở quận Santa Clara, bang California, Mỹ: Tỷ lệ người có kháng thể (hay người nhiễm Covid-19) là 1,5%. Từ tỷ lệ này, các nhà nghiên cứu ngoại suy ở cấp độ dân số và nhận thấy sẽ có khoảng 2,5% - 4,2% dân số quận Santa Clara có kháng thể virus SARS-CoV-2 (tương ứng với số người nhiễm Covid-19). Với tổng số dân hơn 1,92 triệu người của quận Santa Clara, tỷ lệ này tương ứng với khoảng 48.000 - 81.000 người - trung bình giữa 2 con số này gấp hơn 50 lần số ca nhiễm được báo cáo ở thời điểm thực hiện nghiên cứu: 1.094.

Nghiên cứu ở quận Santa Clara chưa được chính thức công bố hoặc xem xét nhưng một số nhà khoa học đã nhanh chóng nghi ngờ nó. Theo các nhà khoa học này, những người tham gia nghiên cứu được tuyển thông qua chạy quảng cáo trên Facebook. Một số người đã xuất hiện triệu chứng nhưng chưa biết họ có bị lây nhiễm hay không sẽ rất hào hứng khi được làm xét nghiệm miễn phí (trong nghiên cứu).

Theo bác sĩ Michael, xét nghiệm kháng thể cần được thực hiện một cách khách quan với các nhóm người đại diện cho các điều kiện như địa lý, xã hội, chủng tộc hoặc điều kiện khác. CDC và các nhóm khác đang có kế hoạch thực hiện các nghiên cứu khách quan như vậy.

Nếu số ca lây nhiễm cộng đồng trên thực tế lan rộng hơn so với con số ghi nhận trước đó, nhiều người có thể đã phát triển miễn dịch với virus SARS-CoV-2 và tạo nên cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu về việc người mắc bệnh có triệu chứng nhẹ có thể có kháng thể trong người hay không và kháng thể này tồn tại bao lâu. Các nhà nghiên cứu sẽ phải mất vài tháng để có được thử nghiệm đáng tin cậy để giải đáp được câu hỏi này và nhiều thắc mắc khác như cách thức lây nhiễm lan rộng và tỷ lệ tử vong thực sự của người nhiễm virus.

Thế giới hiện có hơn 2,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 165.000 ca tử vong được xác nhận. Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại về kinh tế và xã hội gần như chưa từng có kể từ khi nó bắt đầu bùng phát hồi cuối năm 2019.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước châu Á từng là ”điểm nóng” Covid-19, nay dân đi làm trở lại, khu mua sắm nhộn nhịp

Số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận hôm 20/4 ở quốc gia châu Á này chỉ là 13, thấp hơn rất nhiều so với con số gần 1.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - AP ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN