Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, hậu quả sẽ nghiêm trọng thế nào?

Dù các nhà nghiên cứu từng dự đoán hậu quả của chiến tranh hạt nhân, nhưng một nghiên cứu mới được công bố đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tính toán được mức độ tiềm ẩn của nạn đói và số người chết sau cuộc chiến. 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V của Ấn Độ, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng thử năm 2013. Ảnh: Reuters

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V của Ấn Độ, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng thử năm 2013. Ảnh: Reuters

Theo SCMP, khi căng thẳng leo thang giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại về chiến tranh hạt nhân, một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, ngay cả một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô hạn chế như giữa Ấn Độ và Pakistan, nếu xảy ra cũng có thể gây hậu quả thảm khốc với nguồn cung lương thực toàn cầu và gây thương vong hàng loạt. 

Một cuộc xung đột hạt nhân sử dụng chưa đầy 3% kho vũ khí hạt nhân của thế giới có thể cướp sinh mạng của 1/3 dân số thế giới, theo một nghiên cứu quốc tế mới do các nhà nghiên cứu tại Đại học Rutgers (Mỹ) dẫn đầu.  Nghiên cứu được xuất bản hôm 15/8 trên tạp chí Nature Food còn cảnh báo, nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, 3/4 dân số thế giới sẽ thiệt mạng. 

"Đó như một lời cảnh tỉnh rằng nếu xung đột hạt nhân nổ ra, dù lớn hay nhỏ đều là thảm họa với thế giới", Alan Robock, một nhà khoa học khí hậu kiêm tác giả nghiên cứu, lưu ý. 

Nghiên cứu mới được đưa ra vào thời điểm nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân đang được nhiều người cảnh báo. 

Gần đây, cố vấn An ninh Quốc gia Anh Stephen Lovegrove lập luận rằng, sự thất bại trong đối thoại giữa các quốc gia cũng như việc mất đi các biện pháp bảo vệ chung giữa các siêu cường hạt nhân như cách đây nhiều thập kỷ đã đẩy thế giới vào "một kỷ nguyên mới đầy nguy hiểm". 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng cảnh báo, "viễn cảnh xung đột hạt nhân, vốn ít ai ngờ đến, nay đã trở lại phạm vi có thể xảy ra". 

Dù nhà khoa học Robock và các đồng nghiệp khác từng dự đoán chiến tranh hạt nhân sẽ dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung lương thực và gây biến đổi khí hậu khôn lường, nhưng nghiên cứu mới đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tính toán được mức độ tiềm ẩn của nạn đói và số người chết sau một cuộc chiến hạt nhân. 

Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng, việc kích nổ dù chỉ là một lượng nhỏ trong kho vũ khí hạt nhân thế giới cũng có thể gây ra những cơn bão lửa lớn. Muội than cản nắng từ những cơn bão lửa sẽ nhanh chóng được đẩy vào bầu khí quyển, làm giảm đột ngột nhiệt độ. 

Các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều mô hình tính toán lượng khói bụi sẽ bốc lên tầng bình lưu, nơi không có mưa rửa trôi lớp bụi, và việc lớp khói bụi xuất hiện ở tầng này sẽ làm thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng mặt trời ra sao. 

Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính toán xem những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến việc trồng trọt và cách các loài cá đối phó với những thay đổi trong đại dương. 

Căn cứ vào những tính toán trên, các nhà nghiên cứu dự đoán hàng chục triệu người sẽ thiệt mạng ngay lập tức ở vùng chiến sự. Sau đó, hàng tỷ người khác sẽ tử vong vì nạn đói. 

Chiến tranh hạt nhân Nga - Mỹ nếu xảy ra có thể khiến 5 tỷ người thiệt mạng, theo một nghiên cứu mới. Ảnh minh họa: RBTH

Chiến tranh hạt nhân Nga - Mỹ nếu xảy ra có thể khiến 5 tỷ người thiệt mạng, theo một nghiên cứu mới. Ảnh minh họa: RBTH

Đó là còn chưa tính đến ảnh hưởng của việc gia tăng bức xạ tia cực tím với cây trồng do tầng ozon bị phá hủy khi tầng bình lưu nóng lên. Theo ông Robock, nếu tính cả việc này số người chết dự kiến còn cao hơn. 

Ông Robock cho biết, hầu hết kịch bản mà các nhà nghiên cứu xem xét có liên quan đến xung đột hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là khu vực dễ xảy ra xung đột hạt nhân nhất.  

Nếu Ấn Độ và Pakistan tấn công lẫn nhau với 250 vũ khí hạt nhân mà 2 nước sở hữu, khoảng 127 triệu người ở Nam Á sẽ thiệt mạng do các vụ nổ, lửa cháy và phóng xạ, theo nghiên cứu mới. 

Một nghiên cứu trước đó của ông Robock và các đồng nghiệp ước tính, có khoảng 37 triệu tấn muội than sẽ bay vào bầu khí quyển sau các vụ nổ hạt nhân, khiến nhiệt độ Trái đất giảm xuống còn 5 độ C - mức nhiệt tương đương với nhiệt độ trung bình của Trái đất ở kỷ Băng hà. 

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, việc sản xuất lương thực sẽ bị ngưng trệ. Hậu quả là nạn đói khiến hơn 2 tỷ người trên thế giới tử vong. 

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, 2 quốc gia nắm giữ hơn 90% kho hạt nhân của thế giới, nghiên cứu mới ước tính khoảng 5 tỷ người trên thế giới sẽ thiệt mạng. 

Nghiên cứu mới còn cho thấy, bất cứ quốc gia nào trong số 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân (Trung Quốc, Triều Tiên, Pháp, Israel, Anh...) đều sở hữu số vũ khí hạt nhân đủ để gây ra đau khổ và chết chóc trên thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân ”đáng lo ngại nhất” kể từ Chiến tranh Lạnh

Hồi tháng 1 vừa qua, các cường quốc hạt nhân thế giới gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đã ra một tuyên bố chung hiếm hoi, cam kết ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BẰNG LÂU - SCMP ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN