Ngày đầu xét xử Đoàn Thị Hương: Nhân chứng khai mâu thuẫn

Nhân chứng đầu tiên trong phiên tòa ngày 2/10 xét xử hai nữ nghi phạm trong vụ sát hại người đàn ông Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam đã đưa ra những câu trả lời mâu thuẫn nhau trước câu hỏi của các luật sư bào chữa.

Ngày đầu xét xử Đoàn Thị Hương: Nhân chứng khai mâu thuẫn - 1

Dẫn giải hai nghi phạm Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah. Ảnh: Getty Images.

Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, và nghi phạm người Indonesia Siti Aisyah, 25 tuổi, được áp giải đến phiên tòa hôm qua trong tình trạng phải mặc áo chống đạn và bị còng tay, trong sự hiện diện dày đặc của cảnh sát. Hai nghi phạm được mô tả là có vẻ mặt bình tĩnh.

Mở đầu phiên tòa, Trưởng công tố bang Selangor Muhamad Iskandar Ahmad đọc cáo trạng cho rằng hành động của Siti và Hương cho thấy họ “có ý định sát hại” nạn nhân. Công tố viên nói rằng Aisyah và Hương đã “tập thực hiện trò lừa” với “sự giám sát của 4 người mà đến nay vẫn chưa bị bắt” trước khi ra tay thực sự.

Các luật sư bào chữa cho rằng bản cáo trạng mơ hồ vì không nêu tên 4 đối tượng tình nghi, và đề nghị tòa nêu đích danh tên họ. Nhưng thẩm phán Azmi Ariffin từ chối đề nghị này. Các luật sư của Hương và Aisyah tin rằng 4 người không được nêu tên mới là những nghi phạm chính trong vụ sát hại, còn Hương và Aisyah chỉ là những người bị lừa.

Xuất hiện tại tòa, nhân chứng Zulkarnain Sanudin, một sĩ quan an ninh làm việc tại nhà ga của sân bay, kể lại cách nạn nhân được dẫn đến gặp anh ta sau khi bị tấn công. Zulkarnian nói rằng mắt nạn nhân khi đó rất đỏ và xung quanh là chất lỏng. Zulkarnain là một trong hai người đầu tiên đã hỗ trợ người được cho là ông Kim Jong-nam sau khi ông này nói mình bị tấn công và yêu cầu giúp đỡ. Theo tường thuật của báo Malaysia The Malaysian Insight, nhân chứng 31 tuổi này nói trước tòa rằng anh ta đã đưa người đàn ông Triều Tiên đến phòng y tế ở tầng 2 của sân bay sau khi nạn nhân yêu cầu giúp đỡ. Trong lúc đang đi, nạn nhân bảo ông Zulkarnain đi chậm lại vì mắt mờ, nhân chứng nói.

Về điểm này, luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik, hỏi rằng vì sao thông tin đó không có trong báo cáo của cảnh sát mà Zulkarnain đã viết sau khi đưa nạn nhân đến phòng y tế. Zulkarnain trả lời rằng vì thông tin đó không quan trọng. Nhưng câu trả lời này bị các luật sư bào chữa hỏi vặn lại rằng vì sao ông Zulkarnain có thể nhớ điều đó nếu nó không quan trọng, và thông tin đó chưa bao giờ được ghi nhận trước khi diễn ra phiên xét xử hôm qua. Zulkarnain cũng có những câu trả mâu thuẫn nhau khi được hỏi rằng ông đã có thông tin về nạn nhân bằng cách nào.

Trả lời câu hỏi, nhân chứng lúc đầu nói rằng anh ta có thông tin về nạn nhân từ hộ chiếu mà nhân viên trong phòng y tế đưa cho, nhưng sau đó lại nói anh ta biết thông tin từ hộ chiếu mà mình lấy ra từ ba lô nạn nhân. Thẩm phán Azmi Ariffin đã hướng dẫn nhân chứng khi anh này có vẻ bối rối trước hàng loạt câu hỏi. Zulkarnain nói rằng anh ta không gặp vấn đề sức khỏe gì trong ngày xảy ra vụ việc cho dù đã tiếp xúc rất gần với nạn nhân. Anh cũng nói không biết về loại chất lỏng trên mặt nạn nhân nhưng thấy trên đó có chất lỏng.

Nhân chứng thứ hai xuất hiện tại tòa hôm qua là cô Juliana Idris, nhân viên quầy thông tin ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Idris nói nạn nhân đã đến chỗ cô và nói rằng ông ấy bị hai phụ nữ bôi chất lỏng vào mặt. Idris nói cô không hỏi thông tin cá nhân của nạn nhân mà dẫn ông ấy đi báo cáo vụ việc. Nhân chứng này mô tả tay của nạn nhân đang run khi nói chuyện với cô. “Ông ấy nói ông ấy bị hai người phụ nữ tấn công vào mặt và mắt”, Idris nói.

Xét xử kéo dài

Nhiều người đàn ông Triều Tiên được cho là đã gặp Aisyah và Hương đã rời khỏi Malaysia ngay trong ngày nạn nhân qua đời. Những người Triều Tiên liên quan khác cũng đã được phép rời khỏi Malaysia sau khi Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng thỏa thuận với nhau nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Phát biểu với báo giới sau phiên tòa, luật sư của Aisyah, ông Gooi Soon Seng, nói rằng các luật sư hay công tố viên đều chưa yêu cầu khảo sát hiện trường tại sân bay. Trước đó, ông Gooi và các luật sư của Hương là các ông Hisyam Teh, Naran Singh và Salim Bashir, đề nghị thay đổi tội danh đối với hai cô gái. Tuy nhiên, thẩm phán Azmi Ariffin từ chối đề nghị này và bổ sung tên 4 cá nhân khác (vẫn chưa bị bắt và chưa được nêu tên) vào tội danh giết người.

Các luật sư đại diện cho hai bị cáo khẳng định thân chủ của họ bị lừa vì nghĩ đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế kiểu chơi khăm. Bản cáo trạng được đọc bằng tiếng địa phương và hai nghi phạm nói qua người phiên dịch rằng họ không có tội.

Hai nghi phạm bị xét xử theo Điều 302 của Bộ luật Hình sự Malaysia. Nếu bị buộc tội, hai người có thể bị tử hình.

Dự kiến trong đợt xét xử kéo dài từ ngày 2/10 tới 30/11 này sẽ có khoảng 30-40 nhân chứng được mời đến thẩm vấn trước tòa. Toàn bộ quá trình xét xử dự kiến kéo dài đến năm sau. Phiên tòa tiếp theo diễn ra trong hôm nay.

Bên lề phiên tòa, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết đã gặp gỡ, động viên Đoàn Thị Hương. Hương cho biết tinh thần và tâm lý ổn định. Đại sứ quán Việt Nam khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các luật sư bào chữa người Malaysia, các cơ quan liên quan để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Hương.   

Vụ Kim Jong-nam: Đoàn Thị Hương ra tòa, không nhận tội ám sát

Hai nghi phạm có mặt tại tòa án ngày 2.10, mặc áo chống đạn với rất đông cảnh sát bao quanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh - (Tiền Phong)
Đoàn Thị Hương - Nghi phạm vụ án Kim Jong-nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN