Mỹ 'nắn gân' Trung Quốc bằng 'ngoại giao pháo hạm'

Khi Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được một thỏa thuận thương mại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang quyết liệt sử dụng kiểu “ngoại giao pháo hạm” để thách thức Bắc Kinh.

Mỹ 'nắn gân' Trung Quốc bằng 'ngoại giao pháo hạm' - 1

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (trái) ảnh: Bloomberg

Trước thời điểm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đến Bắc Kinh để đàm phán thương mại, Mỹ vào cuối tuần trước đã đưa một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, công bố báo cáo chỉ trích chuyện Trung Quốc hạn chế đi lại đến Tây Tạng và đón các nhân vật Duy Ngô Nhĩ lưu vong đến Bộ Ngoại giao, bất chấp Trung Quốc luôn tuyên bố đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của họ, Bloomberg đưa tin.

Trước ba chuyến thăm của phái đoàn thương mại Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố đình chiến thương mại từ ngày 1/12, Mỹ đều thực hiện các chuyến tuần tra hàng hải qua khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Không rõ những hoạt động đó có phải để gửi tín hiệu về cuộc đàm phán thương mại hay không, nhưng chính quyền Trump dường như sẵn sàng thử thách giới hạn của Trung Quốc trong khi tìm kiếm những nhượng bộ thương mại từ Bắc Kinh, các nhà phân tích đánh giá.

Giới quan sát cho rằng những diễn biến này cho thấy sự ganh đua chiến lược Mỹ - Trung ngày càng tăng và sẽ còn kéo dài hơn một cuộc chiến thương mại. Các quan chức của chính quyền Trump gần đây ngầm chấp thuận đề xuất của Đài Loan về việc mua lô máy bay chiến đấu mới, lần đầu tiên trong gần 30 năm qua, Bloomberg dẫn các nguồn tin nắm được vấn đề cho biết. Mỹ cũng đang gây sức ép để các đồng minh dừng sử dụng thiết bị công nghệ viễn thông do hãng công nghệ Trung Quốc Huawei sản xuất vì quan ngại rủi ro bị do thám.

Cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn giữ chính sách “bình tĩnh chiến lược” với ông Trump, chỉ trích từng động thái nhưng không gắn cạnh tranh an ninh với đàm phán thương mại.

Ông Wang Dong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, nói rằng các bước đi của Mỹ gợi nhớ đến kiểu “ngoại giao pháo hạm” hồi thế kỷ 19, khi Mỹ và các cường quốc phương Tây sử dụng sức mạnh trên biển để ép các thị trường châu Á mở cửa. “Nếu họ dùng cách này để gửi tín hiệu đến Trung Quốc, tôi nghĩ đây là cách dại dột. Trung Quốc đâu phải Iraq hay Venezuela. Mỹ sẽ không thể lúc nào cũng thành công với ngoại giao pháo hạm”, Bloomberg dẫn lời ông Wang.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28/3 cảnh báo bất kỳ bước đi nào của Mỹ nhằm chia cắt Trung Quốc đại lục và Đài Loan. “Bất kỳ lời nói hay hành động nào nhằm làm suy yếu chính sách một Trung Quốc cũng sẽ làm lung lay nền tảng của quan hệ Trung - Mỹ, và không phù hợp với những lợi ích của Trung Quốc và Mỹ, và cũng sẽ cực kỳ nguy hiểm”, báo South China Morning Post dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc vừa cho biết sẽ cho phép các công ty công nghệ nước ngoài tiếp cận nhiều hơn thị trường điện toán đám mây đang phát triển rất nhanh của nước này như một bước nhượng bộ trong ngành công nghệ mà Mỹ muốn Trung Quốc mở cửa để đạt được thỏa thuận thương mại. Trong cuộc gặp với hàng chục lãnh đạo tập đoàn nước ngoài vào đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ đám mây từ nước ngoài thử nghiệm, Wall Street Journal đưa tin.

Mỹ hiện diện quân sự ở Đài Loan, nỗi sợ lớn nhất của Trung Quốc?

Mỹ và Đài Loan trong những năm qua ngày càng siết chặt quan hệ hợp tác để đối phó Trung Quốc và Đài Loan không loại trừ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN