Mỹ lúng túng khi Tổng thống Philippines nói "cắt đứt"

Quan hệ Philippines-Mỹ đang ở mức thấp nhất suốt 70 năm qua khi ông Duterte tuyên bố thẳng thừng cắt đứt quan hệ với Washington.

Mỹ lúng túng khi Tổng thống Philippines nói "cắt đứt" - 1

Chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh khiến cục diện chính trị khu vực thêm phức tạp.

Chính quyền Obama có một số lựa chọn dành cho Philippines trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte có động thái ngày một căng thẳng nhằm vào Mỹ và tỏ ý thân Trung Quốc.

Trong vài tháng qua, Washington bỏ qua những tuyên bố chống Mỹ của ông Duterte ở nhiều diễn đàn, sự kiện. Tuy nhiên, “giọt nước tràn ly” đã xuất hiện khi ngày 20.10, ông Duterte tuyên bố cắt đứt quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ và đảo chiều sang Trung Quốc, thậm chí là Nga. Trước đây, ông Duterte từng tuyên bố sẵn sàng liên minh với Nga và Trung Quốc để "chống lại cả thế giới".

Phát ngôn mới nhất của Duterte chỉ cách cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 3 tuần càng khiến quan hệ 70 năm của Manila-Washington thêm chông chênh. Chính sách xoay sang châu Á của Obama nhằm đối trọng sự ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực đang bị đặt nhiều dấu hỏi lớn.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao có lẽ gặp nhiều trở ngại nhất. Người tiền nhiệm của Duterte đã kí kết thỏa thuận này với Mỹ vào năm 2014, cho phép luân chuyển tàu chiến, máy bay chiến đấu và quân nhân qua 5 căn cứ quân sự lớn ở Philippines. Đây là một thỏa thuận cực kì quan trọng nếu Mỹ muốn đưa sức mạnh quốc phòng tới ngưỡng cửa Trung Quốc.

Obama hiểu rõ tính khí thất thường của ông Duterte nên không va chạm trực tiếp, kể cả trong phát ngôn liên quan tới cuộc chiến chống ma túy vốn bị nhiều quốc gia lên án.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết nội bộ chính trường Mỹ đã tranh cãi nhiều tháng qua về giới hạn chỉ trích Duterte trong vấn đề nhân quyền. Dù vậy, các phát ngôn phải hết sức thận trọng khi chính quyền Manila tỏ rõ sự căng thẳng.

Mỹ lúng túng khi Tổng thống Philippines nói "cắt đứt" - 2

Dân Philippines phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Mỹ đã từng đặt dấu hỏi về chiến dịch chống tội phạm của ông Duterte khiến gần 4.000 người chết nhưng bị tổng thống Philippines chỉ trích thậm tệ. Ông Duterte thậm chí còn gọi Obama là “thằng khốn” và “đẩy ông ta xuống địa ngục”.

“Tốt hơn hết là không nên nói gì vì chỉ cần phát ngôn là những lời tục tĩu của ông ta sẽ văng ra”, Murray Hiebert, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược thuộc Chương trình Đông Nam Á, nhận định. “Tôi nghĩ rằng việc Mỹ chỉ trích ông Duterte sẽ không mang lại hiệu quả”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby tuyên bố ngày 20.10 rằng ông muốn Duterte giải thích rõ ràng về ý kiến “cắt đứt quan hệ ngoại giao” trong chuyến thăm của tổng thống Philippines tới Trung Quốc. Dù vậy, John Kirby hạn chế chỉ trích lời tuyên bố của ông Duterte vì quan hệ gắn bó hiện có của Washington và Manila.

Lo ngại về sự bất ổn của Duterte

Quan chức Mỹ rất lo ngại về tính khí bất ổn của Duterte nhưng nói rằng Philippines sẽ không hủy diễn tập quân sự hoặc thay đổi quan hệ an ninh trong một sớm một chiều.

Nhà ngoại giao kì cựu Daniel Russel, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ có chuyến công du Manila trong tuần này nhằm cải thiện quan hệ hai bên. Ông Daniel hy vọng sẽ có được câu trả lời rõ ràng về phát ngôn của tổng thống Philippines.

Nếu Philippines vẫn vi phạm nhân quyền, Mỹ sẽ cắt viện trợ quân sự. Các quan chức Philippines từng nói rằng nếu không có hỗ trợ của Mỹ thì nước này vẫn sống ổn và sẽ chuyển qua nhờ Nga, Trung Quốc hỗ trợ.

Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez nói rằng trong chuyến thăm Trung Quốc, các hợp đồng trị giá 13,5 tỉ USD đã được kí kết. Số tiền Mỹ đầu tư trực tiếp vào Philippines hiện nay là 4,7 tỉ USD mỗi năm.

Thành viên Quốc hội Mỹ trong đó có thượng nghị sĩ Patrick Leahy cho biết Mỹ sẽ cân nhắc các điều kiện hỗ trợ trong bối cảnh Philippines chưa ngơi tay với chiến dịch truy quét ma túy.

Washington cấp cho Philippines hàng triệu USD viện trợ quân sự trong hai năm qua nhằm đối phó với hành động bồi lấp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Kurt Campbell, cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhận định nếu Clinton trở thành tổng thống Mỹ, chính sách nhân quyền của bà sẽ cứng rắn hơn rất nhiều.

 “Những gì đang xảy ra ở Philippines hiện nay sẽ bị đặt dấu hỏi lớn. Chắc chắn nước Mỹ sẽ không đứng yên nhìn quốc gia này đe dọa tính mạng người dân mà vẫn cấp viện trợ quân sự đều đặn”, Kurt nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – GMA, Reuters ([Tên nguồn])
Rodrigo Duterte Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN