Khám phá "chim sắt khổng lồ" xuất hiện ở sân bay Nội Bài

Chiếc máy bay màu đen mà nhiều hành khách gọi là “chim sắt khổng lồ” thực chất là một vận tải cơ siêu hạng chuyên phục vụ Tổng thống Mỹ, xuất hiện ở sân bay Nội Bài trong bối cảnh ông Obama sắp có chuyến thăm Việt Nam.

Khám phá "chim sắt khổng lồ" xuất hiện ở sân bay Nội Bài - 1

Chiếc máy bay đen trũi xuất hiện ở sân bay Nội Bài chiều ngày 6.5 (Ảnh: Beat.vn).

Chiều tối ngày 6.5, nhiều hành khách rất ngạc nhiên trước một “con chim sắt khổng lồ” đậu lầm lũi ở sân bay quốc tế Nội Bài. Nhiều người cảm thấy rất sửng sốt trước kích thước “khủng” của máy bay này và không hiểu nguyên nhân vì sao trong dàn máy bay sơn trắng đột nhiên xuất hiện một chiếc máy bay đen sì.

Thực chất, “chim sắt khổng lồ” chính là máy bay vận tải siêu hạng Boeing C-17 Globemaster III, chuyên phục vụ Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong tháng 5 tới đây, Tổng thống Mỹ sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chiếc Boeing C-17 xuất hiện lần này ở sân bay Nội Bài có lẽ là để giúp hoàn thành chuyến thăm đầy ý nghĩa của ông Obama.

Boeing C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự hạng nặng. C-17 được Không quân Mỹ phát triển từ thập niên 80 đến 90 của thế kỷ trước với sự hỗ trợ của hãng hàng không McDonnell Douglas. Tên gọi C-17 là hợp nhất của tên gọi 2 động cơ dùng trong chiếc vận tải cơ siêu trọng này: động cơ Douglas C-74 Globemaster và động cơ Douglas C-124 Globemaster II. 

Khám phá "chim sắt khổng lồ" xuất hiện ở sân bay Nội Bài - 2

C-17 được trưng dụng vào việc chở limousine cho Tổng thống Mỹ trong các chuyến thăm nội địa hoặc quốc tế.

Thông thường, C-17 thực hiện các nhiệm vụ không vận chiến lược, vận chuyển binh lính, hàng hóa, cứu hộ cứu nạn và tiếp tế. C-17 được thiết kế để thay thế Lockheed C-141 và thay thế một số nhiệm vụ của chiếc Lockheed C-5 Galaxy.

Chiếc Boeing C-17 dài 53m và có sải cánh một bên là 52m. Trọng lượng và kích thước chiếc máy bay này đã được cải tiến khá nhiều trong thời gian qua, giúp tăng khả năng vận tải đường không và vận chuyển hàng hóa siêu trường siêu trọng.

Động cơ của C-17 là 4 turbin Pratt & Whitney F117-PW-100, loại tương tự dùng trên máy bay thương mại Boeing 757. Mỗi động cơ sản ra lực đẩy lên tới 180kN. Để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, C-17 cần 3 người chuyên trách: 2 phi công và một người phụ trách hàng. 

Khám phá "chim sắt khổng lồ" xuất hiện ở sân bay Nội Bài - 3

C-17 chở được hơn 70 tấn hàng, tốc độ hành trình trên 800km/giờ.

Khoang đựng hàng hóa của C-17 dài 26,82m, rộng 5,49m và cao 3,76m. Khoang chứa có bánh lăn giúp di chuyển hàng dễ dàng. Xe tăng hạng nặng M1 Abrams nặng 69 tấn đã từng được chuyên chở trên Boeing C-17 một cách dễ dàng. C-17 có thể chứa khoảng 100 lính nhảy dù một lúc.

Trọng lượng chở hàng tối đa của Boeing C-17 là hơn 77 tấn. Khi chở theo 70 tấn hàng và bay ở độ cao hành trình 8.500m, C-17 có thể bay liên tiếp 4.400km không cần tiếp nhiên liệu. Tốc độ bay hành trình của C-17 vào khoảng 830km/giờ.

C-17 được thiết kế nhằm vận hành ở đường băng chỉ dài 1.000m và hẹp 27m. Ngoài ra, đường băng không bằng phẳng cũng không hề hấn gì với C-17.

Khám phá "chim sắt khổng lồ" xuất hiện ở sân bay Nội Bài - 4

Lính dù nhảy từ C-17.

C-17 chuyên tháp tùng Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du trong nước và quốc tế. Mục đích chính của C-17 là chuyên chở chiếc limousine bọc thép hạng nặng của Tổng thống và các thiết bị hỗ trợ an ninh khác. Đôi khi C-17 cũng được dùng để chuyên chở Tổng thống trong trường hợp Không lực Một yêu cầu.

Chiếc C-17 sau hàng chục năm phục vụ Không quân Mỹ và hàng nhiều quốc gia khác đã đến lúc nghỉ ngơi. Chiếc cuối cùng trong tổng số 223 chiếc từng xuất xưởng đã được đại diện hãng Boeing thông báo ngừng sản xuất trong tháng 12.2015 vừa qua. Sứ mệnh của Boeing C-17 Globemaster III đã được thực hiện trọn vẹn và đầy đủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN