Israel, Hamas ngừng bắn: Tương lai nào cho Gaza?

Israel và Hamas ngày 22/11 xác nhận thỏa thuận về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và trao đổi con tin-tù nhân.

Ngừng bắn, trao đổi con tin

Chính phủ Israel tuyên bố rằng để đổi lấy việc Hamas thả con tin, phía Israel đã đồng ý thả tù nhân Palestine và cho phép thêm viện trợ nhân đạo vào khu vực bị bao vây. Theo thỏa thuận, ít nhất 50 con tin, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, sẽ được trả tự do, trong khi khoảng 150 tù nhân nữ và thiếu niên Palestine sẽ được ra khỏi các nhà tù của Israel, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết.

Các con tin sẽ được thả theo từng nhóm nhỏ trong khoảng 4 ngày. Trong thời gian đó sẽ có lệnh ngừng bắn hoàn toàn giữa Israel và Hamas. Israel đang thúc đẩy việc Hamas thả thêm trẻ em. Lệnh ngừng bắn sẽ được gia hạn thêm một ngày nếu có thêm 10 con tin được Hamas trả tự do.

Hamas đã xác nhận thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 4 ngày với Israel dưới sự hòa giải của Qatar và Ai Cập sau 46 ngày xung đột đẫm máu ở vùng đất ven biển bị bao vây. Hamas cho biết: “Sau các cuộc đàm phán phức tạp, chúng tôi đã đạt được lệnh ngừng bắn nhân đạo với Israel. Nó sẽ bao gồm việc dừng mọi hoạt động quân sự ở Dải Gaza và quân đội Israel sẽ dừng mọi hoạt động di chuyển của các phương tiện quân sự của họ trên tất cả các vùng lãnh thổ ở Gaza”.

Ngoài việc trao đổi con tin, hàng trăm xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo, thuốc men và nhiên liệu sẽ được phép đi vào tất cả các khu vực của Gaza. Trong thời gian ngừng bắn, máy bay không người lái của Israel sẽ ngừng hoạt động trong bốn ngày ở miền nam Gaza và ngừng hoạt động ở phía bắc trong sáu giờ mỗi ngày. Hơn nữa, quân đội Israel sẽ cho phép người dân di chuyển tự do từ phía bắc Gaza đến các vùng lãnh thổ phía nam, Hamas cho biết.

Tương lai vẫn bất định

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không giải thích cụ thể khi ông phát biểu gần đây rằng Israel sẽ phụ trách bảo đảm “an ninh tổng thể” vô thời hạn ở Dải Gaza sau khi nước này loại bỏ lực lượng Hamas.

Kinh nghiệm từ những gì diễn ra trước đây cho thấy, bất kỳ vai trò an ninh nào của Israel ở Dải Gaza cũng sẽ bị người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế coi là một hình thức chiếm đóng quân sự. Điều này có thể làm phức tạp thêm bất kỳ kế hoạch nào nhằm trao trách nhiệm quản lý cho Chính quyền Palestine (PA) hoặc các quốc gia Ả-rập thân thiện, đồng thời có nguy cơ khiến Israel sa lầy vào một cuộc chiến tiêu hao nguồn lực.

Cho dù Israel thành công với mục tiêu chấm dứt 16 năm cai trị của Hamas ở Gaza và phá huỷ hầu hết cơ sở hạ tầng quân sự của phong trào này, sự hiện diện của các lực lượng Israel có thể sẽ dẫn đến một cuộc nổi dậy, như từng xảy ra trong giai đoạn 1967-2005. Thời gian đó xảy ra hai cuộc nổi dậy của người Palestine và sự trỗi dậy của Hamas.

Ông Benny Gantz, thành viên nội các chiến tranh Israel, gần đây thừa nhận Israel vẫn chưa có kế hoạch lâu dài cho Gaza. Ông nói rằng bất kỳ kế hoạch nào cũng sẽ phải đáp ứng các nhu cầu an ninh của Israel. “Chúng tôi có thể đưa ra bất kỳ cơ chế nào mà chúng tôi cho là phù hợp, nhưng Hamas sẽ không tham gia vào đó. Chúng tôi cần thay thế chế độ Hamas và đảm bảo ưu thế an ninh cho chúng tôi”, ông Gantz nói với các phóng viên.

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel chiếm được Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem, những vùng lãnh thổ mà người Palestine muốn có để thành lập một nhà nước trong tương lai. Quân đội Israel trực tiếp quản lý Bờ Tây và Gaza trong nhiều thập kỷ, từ chối để hàng triệu người Palestine hưởng các quyền cơ bản. Quân đội Israel canh giữ tại các trạm kiểm soát và thường xuyên đột kích để bắt giữ những người Palestine khác phản đối sự cai trị của Israel. Sau hai thập kỷ chịu sự quản lý hoàn toàn của quân đội Israel, người Palestine mở cuộc nổi dậy đầu tiên vào cuối những năm 1980. Đó cũng là khi Hamas nổi lên như một phong trào chính trị có nhánh vũ trang, thách thức vai trò lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trong cuộc đấu tranh dân tộc.

Mô hình Bờ Tây

Các thỏa thuận hòa bình tạm thời vào giữa những năm 1990, được gọi là Hiệp định Oslo, lập ra PA như một chính phủ tự trị ở Bờ Tây và Gaza nhằm hướng tới một nhà nước Palestine độc lập tồn tại bên cạnh Israel. Một số sáng kiến hòa bình của các đời tổng thống Mỹ đều thất bại. PA mất quyền kiểm soát Gaza vào tay Hamas năm 2007. Từ đó, PA quản lý khoảng 40% Bờ Tây nơi Israel chiếm đóng. Quyền lực của PA chủ yếu là hành chính, dù vẫn có lực lượng cảnh sát, còn Israel nắm quyền kiểm soát an ninh tổng thể.

Binh lính Israel ở Dải Gaza ngày 8/11. Ảnh: AP

Binh lính Israel ở Dải Gaza ngày 8/11. Ảnh: AP

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không được lòng một số người, chủ yếu do ông hợp tác với Israel về an ninh, trong khi hy vọng thành lập nhà nước của người Palestine gần như tan biến. Nhiều người Palestine cho rằng sự chiếm đóng của Israel không bao giờ kết thúc. Israel duy trì hàng chục nghìn binh sĩ khắp Bờ Tây để đảm bảo an ninh cho hơn 500.000 người định cư Do Thái và đột kích bắt người hằng đêm, dẫn đến những cuộc đấu súng chết người với nhóm nổi dậy.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đề nghị PA quay trở lại Gaza sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, điều đó có thể vấp phải sự phản đối của chính người dân Palestine, trừ khi việc đó đi kèm với những bước cụ thể tiến tới việc thành lập nhà nước Palestine. Các nhà lãnh đạo Ả-rập, bao gồm những người có quan hệ thân thiết với Israel, có thể vấp phải phản ứng dữ dội tương tự nếu họ can thiệp để Israel kiểm soát Gaza.

Mô hình Gaza

Có một lựa chọn khác là những người Palestine ôn hòa sẽ đảm trách an ninh ở Gaza, còn Israel chỉ can thiệp khi thấy thực sự cần thiết. Cách này cũng đã được thử. Năm 2005, khi làn sóng intifada (nổi dậy của người Palestine) diễn ra dữ dội hơn, Israel đã rút binh lính và hơn 8.000 người định cư khỏi Gaza. PA quản lý lãnh thổ này, nhưng Israel tiếp tục kiểm soát không phận, bờ biển và tất cả cửa khẩu biên giới, trừ một cửa khẩu.

5 nguyên tắc

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất “5 nguyên tắc cơ bản” để định hướng tương lai của Dải Gaza sau khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas kết thúc. Gắn với triển vọng giải pháp hai nhà nước, các nguyên tắc bao gồm: không có nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố; chính phủ không phải do Hamas lãnh đạo; không có sự hiện diện an ninh lâu dài của Israel; không cưỡng bức di dời người dân Palestine; không duy trì phong tỏa liên tục.

Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Palestine trong năm sau đó, dẫn đến làn sóng tẩy chay quốc tế và một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhiều tháng bất ổn sôi sục xảy ra sau thời điểm tháng 6/2007, khi Hamas đánh bại lực lượng trung thành với Tổng thống Abbas trong một tuần giao tranh trên đường phố. Israel và Ai Cập sau đó áp đặt lệnh phong tỏa Gaza, hạn chế nghiêm ngặt hoạt động thương mại và đi lại mà Israel tin là có thể kiềm chế Hamas.

Israel coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Hamas chưa bao giờ công nhận sự tồn tại của Israel và thề sẽ tiêu diệt nước này thông qua đấu tranh vũ trang. Nhưng sau hơn 16 năm với 4 cuộc chiến tranh, hai bên nhiều lần đạt được thoả thuận ngừng bắn lặng lẽ, theo đó Israel nới lỏng phong tỏa để đổi lấy việc Hamas ngừng tấn công bằng tên lửa và kiềm chế các nhóm vũ trang cực đoan.

Thủ tướng Israel Yitzakh Rabin (trái) và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat bắt tay vào thời điểm ký thoả thuận hoà bình giữa Israel và Palestine ở Washington ngày 13/9/1993. Ảnh: AP

Thủ tướng Israel Yitzakh Rabin (trái) và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat bắt tay vào thời điểm ký thoả thuận hoà bình giữa Israel và Palestine ở Washington ngày 13/9/1993. Ảnh: AP

Đối với Israel, sự sắp xếp này không phải mô hình lý tưởng, nhưng thích hợp hơn so với những mô hình khác và mang lại khoảng thời gian tương đối yên tĩnh kéo dài nhiều năm.

Mô hình Li-băng

Năm 1978 và một lần nữa vào năm 1982, Israel tấn công miền nam Li-băng để loại bỏ các tay súng Palestine. Điều đó dẫn đến sự chiếm đóng kéo dài 18 năm của Quân đội Nam Li-băng (SLA), một lực lượng được Israel cung cấp vũ khí và huấn luyện.

Năm 1982, phong trào Hezbollah ở Li-băng được thành lập dựa trên sự hậu thuẫn của Iran, với mục tiêu đẩy lực lượng Israel ra khỏi đất nước. Hezbollah triển khai các cuộc tấn công vào cả SLA và Israel, cuối cùng dẫn đến việc Israel phải rút quân năm 2000.

SLA nhanh chóng sụp đổ, tạo ra khoảng trống mà Hezbollah lấp vào. Năm 2006, Hezbollah chiến đấu với Israel trong cuộc xung đột kéo dài 1 tháng. Ngày nay, Hezbollah là lực lượng hùng mạnh nhất ở Li-băng. Sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và rốc-két, lực lượng này được đánh giá là mối đe dọa lớn đối với Israel.

Lựa chọn khác

Israel gần đây gửi đi những thông điệp trái chiều về kế hoạch cho Gaza thời hậu chiến. Các lãnh đạo Israel khẳng định họ không muốn tái chiếm Gaza. Họ cũng nói rằng quân đội Israel cần được tự do hoạt động bên trong Gaza sau khi giao tranh lắng xuống. Theo ông Gantz, có thể Israel sẽ duy trì lực lượng đồn trú bên trong Gaza hoặc dọc biên giới.

Một số quan chức Israel đã nói đến khả năng lập vùng đệm để ngăn người Palestine không đến gần biên giới. Trong khi đó, một số quốc gia, trong đó có Mỹ, kêu gọi PA quay trở lại.

Ông Gantz nói rằng bất kỳ sự sắp xếp nào trong tương lai cho Gaza đều phụ thuộc vào việc bình ổn mặt trận phía bắc của Israel với Hezbollah và Bờ Tây, nơi quân đội Israel thường xuyên phải đấu với lực lượng nổi dậy của người Palestine. "Sau khi Gaza an toàn và khu vực phía bắc an toàn…, chúng tôi sẽ xem xét một cơ chế thay thế cho Gaza", ông Gantz nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Nếu Israel rút quân, ai sẽ tiếp quản Dải Gaza?

Khi nào Israel chấm dứt cuộc tấn công vào Dải Gaza là một câu hỏi chưa dễ có lời đáp. Nhưng, có một câu hỏi khó hơn: Ai sẽ quản lý dải đất với hơn 2 triệu dân này trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan-Thái An (Xinhua, AP, Reuters) ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN