Hãng thông tấn Đức khen ngợi cách chống dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam

Việt Nam đang thể hiện cách chống dịch Covid-19 hiệu quả nhờ sự kết hợp giữa các động thái quyết liệt từ sớm, tích cực xét nghiệm và cách ly những trường hợp nghi nhiễm.

Các biện pháp trên đã giúp Việt Nam tránh khỏi trường hợp lây nhiễm Covid-19 mạnh như ở châu Âu hay Mỹ, hãng thông tấn Đức DPA nhận định.

Tính đến nay, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam chỉ có vài trăm. Cách chống dịch của Việt Nam đã được Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) ca ngợi.

Theo DPA, có khoảng 75.000 người ở Việt Nam đang được cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam tính đến sáng ngày 13.4 là 262 và Việt Nam đã tiến hành 121.000 xét nghiệm.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào liên quan đến Covid-19. Mức độ lây nhiễm ở Việt Nam còn thấp hơn ở Hàn Quốc, Singapore hay thậm chí là Đài Loan.

Đây đều là những quốc gia và vùng lãnh thổ từng nhận được lời khen của cộng đồng quốc tế về cách chống dịch.

Kidong Park, đại diện WHO ở Việt Nam, tin rằng cách Việt Nam phản ứng sớm với đại dịch là rất quan trọng. “Việt Nam phản ứng từ rất sớm và chủ động. Những đánh giá về rủi ro lây nhiễm xuất hiện ngay ở tháng 1, khi Trung Quốc mới ghi nhận các ca nhiễm”, ông Park nói.

Người phụ nữ đạp xe trên đường phố vắng lặng ở Việt Nam. Ảnh: AP.

Người phụ nữ đạp xe trên đường phố vắng lặng ở Việt Nam. Ảnh: AP.

Việt Nam sớm thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “ngay lập tức” đề ra phương án đối phó, ông Park nói, theo DPA.

Dù có số ca nhiễm khá khiêm tốn, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn cách ly xã hội từ ngày 1.4, nhanh hơn và phản ứng quyết liệt hơn so với các quốc gia châu Âu như Italia hay Anh.

Đây là hai nước đều chờ đợi cho đến khi số ca nhiễm vượt khỏi tầm kiểm soát mới bắt đầu đề ra các biện pháp đối phó.

Việt Nam đã đóng cửa các trường học từ tháng Giêng. Toàn bộ những người trở về từ vùng dịch đều được đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 25.3, Việt Nam ngừng các đường bay quốc tế.

Ở trong nước, các chuyến bay nội địa cũng hết sức hạn chế, tàu hỏa, xe buýt đều ngừng hoạt động. Tùy từng địa phương mà có cách xử lý khác nhau đối với người đến từ Hà Nội – một trong những điểm nóng của dịch bệnh.

Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế Việt Nam, đã giải thích về sự thành công của Việt Nam trên mạng xã hội, theo DPA.

“Việt Nam không có lây nhiễm cộng đồng ở mức độ nghiêm trọng cho đến nay, số người già nhiễm Covid-19 cũng rất thấp”, ông Nga nói. “Số lượng người bệnh nằm trong mức độ kiểm soát nên chúng tôi có đủ hạ tầng, trang thiết bị, thuốc men, bác sĩ chăm sóc. Việt Nam cũng có kinh nghiệm trong việc đề ra phác đồ điều trị”.

Năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc kiểm soát thành công đại dịch SARS. Chiến thuật phòng thủ nhiều lớp, truy tìm nguồn gốc từng ca nhiễm của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, theo DPA.

Một người đang chờ lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở Hà Nội. Ảnh: EPA.

Một người đang chờ lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở Hà Nội. Ảnh: EPA.

“Lớp đầu tiên là cách ly và chữa trị cho những người có kết quả dương tính với virus hoặc nghi nhiễm virus”, ông Park nói.

Tất cả những ai có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 đều phải cách ly tập trung. Các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần được cách ly tại nhà.

Ở lớp cuối cùng, từng cộng đồng, khu phố, căn nhà - nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, đều phải cách ly, ông Park nói.

Bên cạnh đó, đeo khẩu trang là điều bắt buộc khi ra khỏi nhà ở Việt Nam. Những người không tuân thủ sẽ bị phạt.

Gần đây, một người đàn ông ở Việt Nam đã lĩnh 9 tháng tù vì tấn công lực lượng chống Covid-19 khi bị nhắc đeo khẩu trang

Có thể nói, kết hợp các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, Việt Nam đang thể hiện chiến lược chống Covid-19 hiệu quả.

“Chúng tôi không thể dự đoán trước điều gì, nhưng có thể nói rằng đại dịch diễn biến ra sao một phần phụ thuộc vào hành động chống dịch của các quốc gia, bao gồm Việt Nam”, ông Park nói.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo nước ngoài viết về mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Finacial Times, thời báo kinh tế có tiếng của Anh đã có bài viết nhận định về mô hình chống dịch tiết kiệm chi phí nhưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN