Hàng loạt 'Hổ lớn' ngành công nghiệp quân sự bị quật ngã

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Ngày 25 tháng 10, Tài khoản WeChat của Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc tiết lộ, Doãn Gia Tự (Yin Jiaxu) sinh năm 1956, nguyên Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc (Norinco), đã bị bắt do bị tình nghi nhận hối lộ và trục lợi bất hợp pháp cho người thân. Doãn Gia Tự là nhà lãnh đạo thứ ba của ngành công nghiệp quân sự quốc doanh Trung Quốc bị quật ngã sau những người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc Hồ Vấn Minh và Tôn Ba.

Doãn Gia Tự

Doãn Gia Tự

Tập đoàn Norinco được thành lập năm 1999, có hơn 50 công ty con và đơn vị trực thuộc. Báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển công bố vào tháng 12/2020 cho thấy, Norinco đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự toàn cầu và xếp thứ 3 Trung Quốc, chỉ sau Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETGC). Ngày 10/8/2020, bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu thế giới của “Fortune” năm 2020 cho thấy Norinco đứng thứ 154 thế giới và xếp thứ nhất trong ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc với doanh thu 68,714 tỷ USD.

Hồ Vấn Minh

Hồ Vấn Minh

Doãn Gia Tự là Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Norinco từ năm 2010, được thăng chức Chủ tịch năm 2013 và đã chủ động xin nghỉ hưu vào năm 2018. Năm 2015, Norinco nhận lệnh phát triển hệ thống vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu), cùng năm đó, công ty đã chi 1,5 tỷ Nhân dân tệ (NDT) để thành lập một doanh nghiệp tại Thượng Hải nhằm xây dựng nền tảng dịch vụ định vị quốc gia của Trung Quốc và phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống Beidou .

Trước Doãn Gia Tự, ngày 26/2/2021 Hồ Vấn Minh, nguyên Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) đã bị truy tố tại Thượng Hải vì cáo buộc nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Hồ Vấn Minh đã làm việc trong một số doanh nghiệp quân sự ở Trung Quốc, tham gia phát triển các trang thiết bị lục quân, hải quân và không quân Trung Quốc như tàu sân bay Sơn Đông tự chế tạo đầu tiên của Trung Quốc, máy bay J-10, và máy bay chở khách cỡ lớn sản xuất trong nước C- 919.

Đáng chú ý là người tiền nhiệm của Hồ Vấn Minh là Tôn Ba, tháng 7/2019 đã bị kết án 12 năm tù vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Tờ South China Morning Post của Hong Kong từng tiết lộ, ngoài việc nhận hối lộ, Tôn Ba còn bị tình nghi tiết lộ các bí mật về tàu sân bay Liêu Ninh cho cơ quan tình báo nước ngoài. Hãng thông tấn Nga Sputnik cũng đưa tin Tôn Ba đã bán thiết kế, thông số kỹ thuật và các thông tin khác của tàu Liêu Ninh, thậm chí cả bí mật về tàu sân bay Sơn Đông cho CIA. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía Trung Quốc.

Không chỉ các doanh nghiệp đầu ngành công nghiệp quân sự mà các công ty con của họ hoặc doanh nghiệp công nghiệp quân sự địa phương Trung Quốc cũng có hiện tượng tham nhũng nghiêm trọng. Thông tin công khai cho thấy chỉ trong năm 2014, ba giám đốc điều hành doanh nghiệp công nghiệp quân sự quan trọng đã sa lưới, là Cố Địch Tuyền, chủ tịch Tập đoàn đóng tàu Hodong Zhonghua; Ngô Hào, phó tổng giám đốc AVIC Heavy Machinery và Hoàng Tiểu Hổ, cựu chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp quân sự An Huy.

Hudong Zhonghua là doanh nghiệp cốt lõi của Tổng công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc CSCI, đã chế tạo một số lượng lớn tàu hải quân mới trong những năm gần đây. Đây hiện là công ty duy nhất ở Trung Quốc có khả năng đóng tàu chở khí hóa lỏng LNG cỡ lớn, được mệnh danh là “cái nôi của hộ vệ hạm và tàu đổ bộ”.

AVIC Heavy Machinery là một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc AVIC, hoạt động kinh doanh chính là sản xuất thiết bị dân dụng và quân sự cao cấp với công nghệ hàng không, các sản phẩm chính được sử dụng rộng rãi trong sản xuất tên lửa và máy bay chiến đấu.

Tập đoàn công nghiệp quân sự An Huy chuyên sản xuất và tiêu thụ các loại đạn cối, đạn đối kháng quang điện tử, tên lửa cá nhân, pháo hoa v.v... là nhà cung cấp quan trọng nhất của pháo binh quân đội Trung Quốc.

Timothy Health, người nghiên cứu sự phát triển của quân đội Trung Quốc tại Công ty Rand của Mỹ, từng nhận xét: “Các vị trí chịu trách nhiệm mua sắm trong quân đội Trung Quốc thường là những nơi có mức độ tham nhũng cao, bởi vì họ thường mua số lượng lớn vật tư hàng hóa, chẳng hạn thực phẩm, quần áo, thiết bị và vũ khí. Họ có thể bỏ những khoản mua này vào túi riêng hoặc bán chúng để kiếm lời”.

Tôn Ba

Tôn Ba

Chính vì vậy, ông Tập Cận Bình từ khi trở thành lãnh đạo tối cao của đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc tại Đại hội 18 của Đảng CSTQ năm 2012 đã khởi xướng một cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, và quân đội là lĩnh vực đầu tiên. Theo thống kê, từ Đại hội 18 đến 19, hệ thống quân đội Trung Quốc đã điều tra hơn 4.000 vụ án, trừng phạt kỷ luật hơn 13.000 người, ít nhất 69 “con hổ” cấp tướng đã bị quật ngã, liên quan đến lãnh đạo Quân ủy Trung ương, các Tổng bộ, đại Quân khu, các học viện nhà trường, các quân chủng và Cảnh sát vũ trang.

Đồng thời, ông Tập Cận Bình chính thức thúc đẩy một cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn vào cuối năm 2015. Ngoài việc cắt giảm 300.000 nhân sự, cơ cấu tổ chức quân đội trước đây cũng được thay đổi: 7 Đại Quân khu được thay thế bằng 5 Chiến khu, tỷ lệ quân chủng được thay đổi, lục quân giảm quân số, quân chủng tên lửa, lực lượng hỗ trợ chiến lược được thành lập, nhiều nguồn lực hơn đã được dành cho không quân, hải quân và tên lửa. Và đích thân ông Tập Cận Bình làm tổ trưởng “Tổ lãnh đạo Quân ủy Trung ương về cải cách sâu rộng quốc phòng và quân đội”.

Ngoài các quan chức quản lý hệ thống ngành công nghiệp quân sự nêu trên, ngày 29/4/2021, Tống Học, Phó Tham mưu trưởng hải quân bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) khóa 13 vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Tống Học, 62 tuổi, Chuẩn đô đốc, từng là phó tổng chỉ huy cuộc thử nghiệm cất, hạ cánh của máy bay J-15 trong chuyến thử nghiệm trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Liêu Ninh. Ông này từng là Cục phó trang bị hải quân, có liên hệ lâu dài với hệ thống công nghiệp quân sự và nắm quyền mua sắm.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc liên tiếp hạ ”hổ lớn”

Các "hổ lớn" bị kết luận tham nhũng, nhận hối lộ, sống trụy lạc, tư túi bất chấp lợi ích quốc gia...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thủy ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN