Gia tăng sức ép quân sự, Mỹ gửi thông điệp răn đe rõ ràng đến Trung Quốc

Quân đội Mỹ đang gia tăng sức ép quân sự với Trung Quốc trước căng thẳng leo thang ở Biển Đông và cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng dịch Covid-19 để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Tàu chiến Mỹ gần đây liên tiếp có các sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ gần đây liên tiếp có các sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Theo CNN, trong vài tuần qua, các tàu chiến, oanh tạc cơ chiến lược B-1 của Mỹ liên tiếp thực hiện các sứ mệnh quân sự, thể hiện cam kết duy trì hiện diện trong khu vực và bảo vệ đồng minh của Mỹ.

Lầu Năm Góc cũng khẳng định tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại ngay trong tháng này. Hàng trăm thủy thủ trên tàu từng bị nhiễm virus Corona, khiến đội ngũ trên tàu buộc phải cách ly trên đảo Guam.

Những động thái quân sự của Mỹ diễn ra song song với sức ép đến từ các kênh ngoại giao, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc giấu dịch Covid-19.

Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để mở rộng hoạt động quân sự và kinh tế trong khu vực. “Trung Quốc lợi dụng việc các quốc gia trong khu vực tập trung đối phó dịch Covid-19 để thúc đẩy lợi ích riêng”, Đại úy Hải quân Mỹ Michael Kafka, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương nói trên CNN.

Thông qua chuỗi hoạt động quân sự, Lầu Năm Góc gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến sức mạnh quân sự Mỹ, theo CNN.

“Chúng tôi có năng lực và nguồn lực để tấn công từ xa ở bất cứ đâu và bất kì lúc nào, ngay cả trong dịch bệnh”, tướng Timothy Ray, tư lệnh Bộ chỉ huy Không kích toàn cầu, giám sát hoạt động của các oanh tạc cơ chiến lược, nói.

Hôm 13.5, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông báo sứ mệnh chưa từng có, đưa toàn bộ các tàu ngầm tham gia hoạt động diễn tập trên biển “đảm bảo tự do hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong dịch Covid-19”.

Mặc dù quân đội Mỹ gần đây chấm dứt chiến lược “duy trì sự hiện diện thường trực” của các oanh tạc cơ chiến lược trên đảo Guam, không quân Mỹ vẫn điều oanh tạc cơ B-1 đến đảo Guam để đối phó Trung Quốc.

Tháng trước, các tàu khu trục và tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường Mỹ đi qua quần đảo Trường Sa và Hoàng San của Việt Nam, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Giới chức quân đội Mỹ không nhắc đến khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã làm rõ quan điểm ưu tiên đối phó với Trung Quốc.

“Chúng tôi rất quan ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hành động quân sự, tận dụng cơ hội để bắt nạt các nước láng giềng, đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, khi cả khu vực đang tập trung đối phó Covid-19”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trung tá Dave Eastburn, nói trên CNN.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng gửi thông điệp rõ ràng rằng Washington phản đối các hành động xây đảo nhân tạo phi pháp, leo thang quân sự để đơn phương độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh tự do hàng hải, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Tàu chiến của chúng tôi gần đây cũng đi qua eo biển Đài Loan, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, Kafka nói.

Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, nói rằng sự xuất hiện của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell ở eo biển Đài Loan, thể hiện cam kết của Mỹ với an ninh và tự do hàng hải trong khu vực.

Bắc Kinh coi eo biển hẹp ngăn cách Đài Loan và Trung Quốc đại lục là khu vực nhạy cảm, thường điều tàu chiến theo sát các chiến hạm Mỹ.

Tháng trước, Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng các tàu hải cảnh gây sức ép với tàu thăm dò do công ty dầu khí Malaysia vận hành ở vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Mỹ phản ứng bằng cách liên tiếp đưa tàu chiến theo sát tàu thăm dò Malaysia.

Theo CNN, thông qua hành động này, Mỹ khẳng định sẽ can thiệp nếu Trung Quốc muốn “nuốt trọn” nguồn tài nguyên dồi dào ở Biển Đông.

“Trung Quốc cần chấm dứt những hành động vơ vét tài nguyên ở Biển Đông. Hàng triệu người sống trong khu vực phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này”, Đô đốc John Aquilino, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Ảnh vệ tinh: Tàu Trung Quốc nạo vét cát biển Đông với quy mô ”không tưởng”

Hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô hoạt động không thể tưởng tượng của đội tàu Trung Quốc ở biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN