EU lần đầu trừng phạt công ty TQ vì xung đột ở Ukraine, báo Trung Quốc nói gì?

Ngay trước dịp kỷ niệm tròn 2 năm xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt mới và lần đầu trừng phạt các công ty Trung Quốc, Ấn Độ vì "ủng hộ Nga trong xung đột".

Xe tăng Nga nã hỏa lực trong xung đột ở Ukraine hôm 8/2/2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Xe tăng Nga nã hỏa lực trong xung đột ở Ukraine hôm 8/2/2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 22/2 dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết, các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ không làm thay đổi cục diện xung đột.

Theo Hoàn Cầu, EU trong hai năm qua đã cố gắng tránh trừng phạt các công ty Trung Quốc đại lục vì lo ngại phản ứng từ Bắc Kinh. Nhưng việc Nga đạt bước tiến ở Ukraine, không ngừng gian tăng sản xuất vũ khí, máy bay không người lái (UAV) đã buộc EU phải mở rộng trừng phạt sang các bên thứ ba như Trung Quốc và Ấn Độ.

Hôm 21/2, EU đã thống nhất về nguyên tắc gói trừng phạt thứ 13 liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Gần 200 công ty và cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm kinh doanh hoặc nhập cảnh vào EU. Các cá nhân và công ty này cũng đối mặt nguy cơ bị đóng băng tài sản. Gói trừng phạt chính thức có hiệu lực vào 24/2.

Ba công ty Trung Quốc đại lục có tên trong danh sách trừng phạt gồm Guangzhou Ausay Technology Co Limited, Shenzhen Biguang Trading Co Limited and Yilufa Electronics Limited. Một công ty ở đặc khu Hong Kong tên RG Solutions Limited cũng bị EU trừng phạt.

Các công ty này bị cáo buộc "cung cấp thiết bị, đặc biệt là thiết bị điện tử và vi mạch để Nga sử dụng trong sản xuất vũ khí phục vụ xung đột ở Ukraine".

Hôm 22/2, phóng viên tờ Hoàn Cầu đã đặt câu hỏi với 3 công ty ở đại lục nhưng đại diện các công ty đều từ chối bình luận. Theo các dữ liệu công khai, rất khó để tìm ra bằng chứng rõ ràng việc các công ty này giúp Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu hôm 22/2, rằng EU chịu áp lực từ Washington và Kiev khi công bố lệnh trừng phạt mới. Bởi Mỹ muốn EU hành động nhiều hơn khi phương Tây đang gặp khó khăn trong duy trì viện trợ quân sự.

"Phương Tây nhận ra hỗ trợ quân sự không giúp Ukraine đánh bại Nga và nên họ tìm cách gia tăng sức ép thông qua trừng phạt. Nhưng các biện pháp này là vô ích vì trong hai năm qua, một loạt các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã thất bại", ông Wang nói. 

EU trừng phạt các công ty Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác sẽ không giúp Ukraine đạt được bất kỳ lợi thế nào mà chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ của EU với các nước này, Li Haidong, giáo sư công tác tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nêu quan điểm.

“Tình hình hiện tại trên chiến trường đang khiến phương Tây thất vọng và việc trừng phạt các công ty của nước khác, vốn đang làm ăn bình thường với Nga sẽ không giúp phương Tây thay đổi tình cảnh khó khăn mà Kiev đối mặt", ông Li nhận định.

Theo Hoàn Cầu, phương Tây và Ukraine cần thực dụng và thực tế hơn trong việc giải quyết xung đột với Nga, vì trừng phạt, đối đầu quân sự thêm nữa cũng không thể mang lại hòa bình. Trung Quốc sẵn sàng là cầu nối giúp phương Tây và Ukraine tìm kiếm tiếng nói chung với Nga. Việc khởi động lại đàm phán hòa bình là cần thiết dù khó khăn đến đâu đi chăng nữa, các chuyên gia Trung Quốc nói.

Bên lề Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào cuối tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc vẫn cam kết thúc đẩy đàm phán hòa bình trong vấn đề Ukraine và sẽ không từ bỏ chừng nào vẫn còn một tia hi vọng.

Li Haidong, giáo sư công tác tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cũng nói trên tờ Hoàn Cầu về cục diện xung đột ở Ukraine sau hai năm. "Trong hai năm qua, phương Tây đã đánh giá thấp Nga, đồng thời đánh giá quá cao Ukraine và chính họ. Đó là lý do tại sao Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường trong khi phương Tây và Ukraine lại ngày càng đối mặt khó khăn. Có lẽ các chính trị gia phương Tây cần phải suy nghĩ lại chiến lược xử lý khủng hoảng và ngăn tình hình trở nên tồi tệ hơn", ông Li nhận định, theo Hoàn Cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Phi công Nga đào tẩu bị bắn chết hồi tuần trước có thể nằm trong chương trình bảo vệ của quốc gia của Tây Ban Nha. Nhưng không rõ vì sao phi công này vẫn bị sát hại, theo RT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN