Điều gì xảy ra nếu Hòa Thân tiếp tục được trọng dụng sau khi Càn Long chết?

Khách quan mà nói, Hòa Thân tuy có nhiều tính xấu nhưng cũng là một viên quan có tài, lại giỏi nắm bắt và chiều chuộng bất kỳ vị hoàng đế nào. Tuy nhiên, hoàng đế Gia Khánh lại không thể bắt chước cha mình, trọng dụng người như Hòa Thân.

Gia Khánh thu được số tiền lớn từ việc “đánh” Hòa Thân, song kinh tế nhà Thanh ngày một lụn bại (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Gia Khánh thu được số tiền lớn từ việc “đánh” Hòa Thân, song kinh tế nhà Thanh ngày một lụn bại (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Sohu, trong 24 năm làm quan từ khi Hòa Thân bắt đầu được Hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, quan tham này đã vơ vét được tổng cộng hơn 1.100 triệu lạng bạc, tương đương với số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Dân gian Trung Quốc còn lưu truyền câu nói “Hòa Thân bị đánh, Gia Khánh ăn no” để ám chỉ “món hời” mà Gia Khánh thu được sau khi xử tử Hòa Thân.

Nhiều người cho rằng Gia Khánh vội vàng trừng trị Hòa Thân là bởi lo cho quốc khố có thể bị quan tham này “hút sạch” trong nay mai. Nhờ thu được số tiền tham nhũng khổng lồ của Hòa Thân, Gia Khánh có thể “kê cao gối ngủ” trong suốt nhiều năm liền vì ngân sách tăng vọt, quốc lực dồi dào. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng.

Bằng chứng là kinh tế nhà Thanh thời kỳ Gia Khánh trị vì sa sút hơn hẳn so với khi Càn Long nắm quyền. Bất chấp việc Gia Khánh nỗ lực muốn đưa Trung Quốc quay trở lại thời kỳ thịnh vượng như Càn Long từng làm, kho bạc của nhà Thanh vẫn trống rỗng. Không chỉ tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn thuốc phiện nhập lậu từ Ấn Độ (thuộc Anh) vào Trung Quốc, Gia Khánh còn thiếu một người quản lý tài chính giỏi như Hòa Thân.

Xét về tính cách, dù không ăn chơi xa xỉ như người cha Càn Long, Gia Khánh cũng không phải vị hoàng đế “yêu dân như con”, căm ghét cái xấu đến mức không thể dung nạp kẻ nịnh thần như Hòa Thân. Theo Sohu, Gia Khánh còn không được lòng dân hơn cả Càn Long.

Gia Khánh để người Anh đem thuốc phiện nhập lậu tràn vào Trung Quốc (ảnh: Sina)

Gia Khánh để người Anh đem thuốc phiện nhập lậu tràn vào Trung Quốc (ảnh: Sina)

Dưới thời Gia Khánh, các cuộc khởi nghĩa của Bạch Liên Giáo, Thiên Lý Giáo nổ ra mạnh mẽ. Quân phản loạn thậm chí từng xông vào Tử Cấm Thành, muốn lấy mạng Gia Khánh. Hoàng đế đàn áp dã man những cuộc khởi nghĩa này, chém đầu hàng trăm người tham gia hoặc có liên quan.

Vấn nạn tham nhũng trong thời kỳ Gia Khánh trị vì cũng vô cùng nhức nhối, khiến nhân dân oán thán. Gia Khánh thể hiện là người không quyết đoán trong việc thanh trừng một cách có hệ thống các quan lại tham nhũng. Bằng chứng là ông chỉ xử tử riêng Hòa Thân mà không đả động gì đến vây cánh của ông ta. Cuộc chiến chống tham nhũng của Gia Khánh bị coi là không triệt để, mục tiêu duy nhất chỉ là Hòa Thân mà thôi, theo Sohu.

Cuối cùng, hoàng đế cũng là con người, cũng biết ăn chơi hưởng lạc. Mất đi Hòa Thân, Gia Khánh cũng đồng thời mất đi một trợ thủ đắc lực, một nô bộc tận tụy, luôn biết nắm bắt và giải quyết những “tâm sự” khó nói trong lòng hoàng đế. Theo lý mà nói, Gia Khánh hoàn toàn có thể học theo cách của cha mình, vừa biến Hòa Thân thành “túi tiền”, vừa khai thác tài năng của ông ta.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Gia Khánh quyết định trọng dụng Hòa Thân như cách mà Càn Long đã từng làm?

Dưới thời Gia Khánh trị vì, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra do mất mùa, đói kém (ảnh: Sohu)

Dưới thời Gia Khánh trị vì, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra do mất mùa, đói kém (ảnh: Sohu)

Trước hết, nếu Hòa Thân còn sống, ngân khố nhà Thanh sẽ không đến nỗi quá “bi đát”, các cuộc khởi nghĩa, phản loạn của nạn dân cũng giảm đi đáng kể, theo Sohu.

Đệ nhất quan tham trong lịch sử thế giới được nhận xét là người đặc biệt có tài tính toán, quản lý tiền bạc. Dưới thời Càn Long, trước Trước khi Hòa Thân nhậm chức tổng quản phủ nội vụ, cơ quan này thường thu không đủ chi. Từ sau khi Hòa Thân đến, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, phủ nội vụ không những chu cấp đầy đủ tiền bạc cho hoàng cung, lại còn có thể trích ra một phần cấp cho cơ quan khác.

Khi đảm nhiệm công việc thu thuế tại Sùng Văn Môn, Hòa Thân làm việc rất nghiệm ngặt, hiệu quả. Dân ở xung quanh thành Bắc Kinh đều biết mà tự giác. Khi đi qua cổng thành, họ đều phải giắt tiền lên vành mũ để quan thu thuế tự rút tiền ra. Hiện tượng lách luật, trốn thuế tại Sùng Văn Môn được chấn chỉnh triệt để.

Quan tham họ Hòa cũng nổi tiếng là người có tài “xoay xở” trong việc cứu trợ thiên tai. Thanh sử chép, năm Càn Long thứ 52 (năm 1788), giá gạo trong thành Bắc Kinh lên rất cao, các hộ đều tích trữ hàng. Giá cả đắt đỏ khiến dân thành thị, đặc biệt là dân nghèo kêu đến tận trời.

Hòa Thân có nhiều tài năng, không phải là kẻ chỉ biết ăn hối lộ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân có nhiều tài năng, không phải là kẻ chỉ biết ăn hối lộ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trước tình hình đó, Hòa Thân ra lệnh cấm dân trong thành không được tích trữ quá 50 thạch lương thực (1 thạch = 120 kg), nếu không đều phải trị tội. Hòa Thân còn chủ trương đem 6.000 thạch gạo trong kho của triều đình ra bán giá rẻ, nhằm hạ giá gạo. Các thương nhân trong thành đều phản đối, chỉ có Lưu Dung ủng hộ ông ta.

Hòa Thân là quan tham, nhưng không bao giờ bòn rút tiền cứu trợ thiên tai. Có lần chứng kiến cảnh hàng ngàn người dân gặp nạn (nạn dân) dân xếp hàng xin cháo, Hòa Thân không ngần ngại ra lệnh cho binh lính bốc cát ném vào nồi. Hành động này của Hòa Thân khiến không ít người phẫn nộ, bỏ về, nhưng những người thực sự bị đói vẫn ở lại đợi cháo. Hòa Thân tuyên bố người ở lại mới là nạn dân cần giúp đỡ và vui vẻ phát tiền, gạo cho họ.

Tuy nhiên, nếu Hòa Thân còn tiếp tục được trọng dụng, Gia Khánh sẽ sớm bị biến thành hoàng đế bù nhìn, theo Sohu.

Những năm Gia Khánh mới lên ngôi, Hòa Thân đã đạt tới đỉnh cao quyền lực. Không chỉ nắm giữ chức Thống lĩnh Quân Cơ xứ, ông ta còn kiêm luôn chức Cửu môn Đề đốc. Quyền lực của Hòa Thân đã ở mức dưới một người trên vạn người.

Dưới tay Hòa Thân lại là cả một hệ thống quan lại tham nhũng từ trung ương đến địa phương do chính ông ta cất nhắc. Hòa Thân được biết tới là người rất thích bổ nhiệm và nâng đỡ những quan viên lận đận trong thi cử giống mình.

Ông ta đánh giá cao những quan lại làm được việc, trung thành với mình hơn là làu làu trong đầu Tứ thư Ngũ kinh. Những người liên tục thi rớt, khi được quan tham họ Hòa để mắt đến sẽ càng biết cách “báo đáp” hơn và không dám nhắc tới quá khứ lận đận đèn sách của ông ta.

Hòa Thân khéo léo giải quyết nạn đói cho dân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân khéo léo giải quyết nạn đói cho dân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Để bảo vệ phe cánh của mình, Hòa Thân còn đặt ra quy định “nghị tội ngân” (dùng tiền để chuộc tội), khiến quan lại càng trở nên tham nhũng khủng khiếp.

Thanh sử cảo miêu tả về Hòa Thân như sau: “Kẻ không theo mình thì thừa lúc hoàng đế giận dữ mà ám hại họ. Kẻ hối lộ thì tiếp đãi, tìm cách cứu vớt hoặc kéo dài sự vụ, đợi khi hoàng đế bớt giận mới làm như vô tình nhắc đến, xin được bỏ qua”.

Tất cả điều này khiến hoàng đế Gia Khánh thực sự lo lắng và cảm thấy mình đang bị Hòa Thân uy hiếp. Mặt khác, Gia Khánh không đủ tài trí, quyền lực như Càn Long để có thể kiểm soát được Hòa Thân. Không dụng được thì diệt là biện pháp phòng thủ của vị hoàng đế mới lên ngôi trước quan tham số một.

Gia Khánh đề phòng Hòa Thân không phải không có lý do. Cái sai của Hòa Thân đó là quá kiêu ngạo, chỉ biết đến Càn Long mà không biết tới Gia Khánh.

Có lần, Hòa Thân muốn dò xét ý tứ của Gia Khánh, bèn dâng lên một đôi ngọc như ý. Hoàng đế Gia Khánh liền tỏ ra rất quý trọng đôi ngọc này. Ông làm ngay 4 bài thơ vịnh ngọc quý, trong thơ cố ý tỏ ra muốn làm một hoàng đế an nhàn, hưởng lạc.

Hòa Thân lầm tưởng rằng Gia Khánh chỉ là một hoàng đế tầm thường, đắc ý nói:

“Cái thằng trẻ ranh (chỉ Gia Khánh) không xứng để bàn mưu kế”.

Lo sợ không kiếm soát nổi Hòa Thân, Gia Khánh buộc phải xuống tay (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lo sợ không kiếm soát nổi Hòa Thân, Gia Khánh buộc phải xuống tay (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân nắm quyền lực nghiêng đổ triều đình, quan lại sợ ông ta còn hơn cả sợ hoàng đế Gia Khánh. Nếu Gia Khánh không nhanh tay trừ khử Hòa Thân, ông chỉ có một con đường: Trở thành hoàng đế bù nhìn, ngày ngày ăn chơi hưởng lạc, để mặc cho Hòa Thân lộng hành. Gia Khánh chắc chắn không muốn viễn cảnh này xảy ra. Vì vậy, dù có mất đi tài năng của Hòa Thân, ông cũng quyết trừ khử quan tham để bảo vệ ngôi báu.

Hoàng đế Gia Khánh từng nói: “Trẫm mà không trừ Hòa Thân thì người trong thiên hạ chỉ biết đến Hòa Thân chứ không biết đến trẫm”.

Tuy nhiên, sau khi trừng trị Hòa Thân, hoàng đế Gia Khánh cũng không phải chưa từng suy ngẫm lại về quyết định của mình.

Thanh sử chép, năm 1814, Gia Khánh lệnh cho sử quan viết cuốn sách về Hòa Thân tên là “Hòa Thân lưu truyền”. Để lấy lòng hoàng đế, khắp cuốn sách, vị sử quan này chỉ viết Hòa Thân là kẻ tham nhũng, làm đủ chuyện xấu xa. Gia Khánh xem xong vô cùng tức giận nói: “Ông ta không phải là cái gì cũng sai”.

Điều này cho thấy Gia Khánh đã có phần tiếc nuối về quyết định trước đây của mình, Qulishi bình luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Không phải Càn Long, đây mới là nhân vật quyền lực thực sự “chống lưng” cho Hòa Thân?

Nếu người này còn sống, đến cả Càn Long cũng chưa chắc dám xử tử Hòa Thân chứ đừng nói đến vị hoàng đế trẻ tuổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Đại gian thần Hòa Thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN