Nhiều lần vượt mặt cả Càn Long, Hòa Thân vẫn sợ "không dám ho he" khi gặp nhân vật này

Cậy thế được Càn Long sủng ái, Hòa Thân không chỉ nhiều lần lộng hành, hà hiếp các quan lại khác, ông ta còn không ngại qua mặt cả hoàng đế mỗi khi có dịp. Tuy nhiên khi gặp nhân vật này, Hòa Thân chỉ có thể tỏ ra cung kính cúi đầu dù trong lòng ghét cay ghét đắng.

Hòa Thân cậy được Càn Long sủng ái, lộng hành không coi ai ra gì (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân cậy được Càn Long sủng ái, lộng hành không coi ai ra gì (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Là quan tham, Hòa Thân có nhiều đối thủ trong triều. Những trung thần nổi tiếng đối chọi với Hòa Thân có thể kể đến Lưu Dung, Kỷ Hiểu Lam, Phúc Khang An… Dẫu vậy, Hòa Thân vẫn một mình độc bá triều đình nhờ có sự “chống lưng” của Càn Long. Một số đại thần đấu không lại Hòa Thân, thậm chí còn bị ông ta chèn ép, hãm hại ngược lại, ví dụ như Kỷ Hiểu Lam, Phúc Khang An.

Ngay cả hoàng đế Càn Long đầy uy quyền, Hòa Thân cũng không ngại vượt mặt. Gần gũi với hoàng đế, lại giữ chức Tổng quản phủ Nội vụ, tham quan họ Hòa mặc sức vơ vét những báu vật, thậm chí cả mỹ nữ của Càn Long về làm của riêng. Càn Long có biết cũng nhắm mắt cho qua.

Dân gian Trung Quốc có câu: “Thứ Càn Long có, Hòa Thân cũng có, thứ Hòa Thân có, Càn Long chưa chắc đã có”, nhằm ám chỉ quyền lực và sự giàu có vượt qua cả hoàng đế của Hòa Thân.

Hòa Thân quyền lực khuynh đảo trong triều như vậy, nhưng có một người vẫn khiến ông ta nơm nớp lo sợ. Khi gặp người này, Hòa Thân chỉ có thể “cúi đầu nghe chỉ bảo”, không dám phản kháng.

Nhân vật này chính là tướng quân A Quế - người được Càn Long rất mực sủng ái, đến mức cho phép cưỡi ngựa vào Tử Cấm Thành.

A Quế - kỳ phùng địch thủ của Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

A Quế - kỳ phùng địch thủ của Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Sinh năm 1717 và làm quan từ thời Ung Chính, A Quế lập được nhiều công trạng. Ông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp Càn Long dẹp yên các cuộc phản loạn và sự quấy nhiễu của những bộ tộc vùng biên giới. Hòa Thân kém A Quế tới 33 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc khi Hòa Thân mới chập chững bước vào quan trường thì A Quế đã trở thành trụ cột không thể thay thế trong triều.

Một trong những chiến công hiển hách nhất của A Quế là vào năm Càn Long thứ 24 (1759), khi ông nhận lệnh đánh dẹp cuộc phản loạn Đại Tiểu Hòa Trác, Tân Cương.

Thanh sử chép, A Quế dẫn vài trăm tinh binh, trực tiếp xông vào đội hình quân địch đông gấp nhiều lần để chém giết, khiến kẻ thù khiếp sợ, hàng ngũ tan vỡ. Trong trận chiến này, A Quế cũng bắt sống tướng địch và thu được rất nhiều hàng binh, được Càn Long đặc biệt khen ngợi về võ nghệ và sự dũng cảm.

Thanh sử miêu tả A Quế là người “tính tình cởi mở, trung thực, thương yêu binh sĩ, đã quyết là đánh”.

Năm Càn Long thứ 38 (1773), A Quế đã nhậm chức Thống lĩnh Quân cơ xứ - chức vụ mà Hòa Thân luôn thèm khát. Năm Càn Long thứ 41 (1776), A Quế được phong làm Nhất đẳng Thành Mưu Anh Dũng công, Đại học sĩ, Đô thống Mãn Châu Chính Hồng kỳ. A Quế vừa có quyền lực chính trị, vừa nắm binh quyền trong tay, đây là vị trí mà Hòa Thân chưa bao giờ vươn tới.

Trong đời Hòa Thân chỉ có một lần cầm quân, từ đó về sau ông ta không bao giờ dám nhắc tới hai chứ “đánh trận” nữa. Nguyên nhân cũng bởi A Quế.

Hòa Thân cầm quân thất bại, thừa nhận tài năng không thể so với A Quế (ảnh minh họa từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân cầm quân thất bại, thừa nhận tài năng không thể so với A Quế (ảnh minh họa từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm Càn Long thứ 46 (1781), khởi nghĩa Tô Tứ Thập nổ ra ở Cam Túc, A Quế và Hòa Thân cùng được điều đi trấn áp. Tuy nhiên, khi đó A Quế còn đang bận giám sát công trình đê điều ở Hà Nam, Hòa Thân nhân cơ hội này muốn cướp công đầu, bèn không đợi A Quế mà dẫn quân đi trước.

Vốn không am hiểu cách dùng binh, cho rằng chỉ cần dùng lực lượng số đông là có thể nhanh chóng áp đảo kẻ địch, Hòa Thân vừa chân ướt chân ráo tới Cam Túc đã thúc quân lao vào chiến trường, bất chấp sự can ngăn của tướng lĩnh dưới quyền. Kết quả, do người ngựa mệt nhọc, hàng ngũ lại lộn xộn, đội quân do Hòa Thân chỉ huy bị đánh cho tan tác, thiệt hại hàng nghìn binh sĩ.

A Quế tới nơi, muốn làm rõ trách nhiệm về thất bại này. Hòa Thân bao biện rằng do tướng sĩ quyền không phụng mệnh, vừa thấy giặc đã bỏ chạy, cần phải chém đầu. A Quế nghe xong không nói không rằng, lập tức tổ chức duyệt binh.

Mỗi khi A Quế phát lệnh, tướng sĩ dưới quyền răm rắp nghe theo, hàng lối chỉnh tề, Hòa Thân đứng xem chỉ biết cúi đầu thán phục. A Quế hỏi Hòa Thân:

“Binh sĩ ai cũng phụng mệnh, vậy nên chém kẻ nào?”

Hòa Thân bị A Quế hỏi vặn, vừa sợ vừa tức không biết đối đáp ra sao. Câu chuyện nhanh chóng đến tai Càn Long, Hòa Thân lập tức bị triệu về Bắc Kinh, quyền chỉ huy thuộc về một mình A Quế.

Từ đó về sau, Càn Long cấm Hòa Thân tham dự vào các vấn đề quân sự. Hòa Thân rất ghét A Quế, nhưng cũng thừa nhận bản thân không có khả năng cầm quân đánh trận. Ông ta sau đó khuyên em trai là Hòa Lâm nên đi theo học hỏi A Quế, từng bước nắm lấy binh quyền.

Không thể đối đầu trực diện với A Quế, Hòa Thân buộc phải tìm cách khác. Sau khi A Quế dẹp yên cuộc khởi nghĩa ở Cam Túc, trước mặt Càn Long, Hòa Thân thừa nhận mình kém cỏi, xin cho A Quế ở lại điều tra án tham ô của Vương Đan Vọng – tri phủ Cam Túc.

Liền sau đó, Hòa Thân lại tâu với Càn Long điều A Quế đi trị thủy ở Hoàng Hà, Hà Nam. Không lâu sau lại điều ông đến điều tra vụ tham ô của tuần phủ Trần Huy Tổ tại Chiết Giang.

Không chỉ có tài cầm quân, A Quế cũng tỏ ra mình là người có tài điều tra phá án. Từng vụ án tham ô đều được ông xử lý nhanh gọn, trừng phạt nghiêm minh. Điều này lại càng khiến Hòa Thân lo sợ.

Là trọng thần trong triều song chẳng mấy khi A Quế ở lại Bắc Kinh. Hòa Thân muốn biến ông thành “lính cứu hỏa”, phải bôn ba khắp nơi. Hễ có công việc gì khó khăn, Hòa Thân lại “rỉ tai” Càn Long, điều A Quế đi làm. A Quế không biết rằng đây đều là mưu kế của Hòa Thân. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, ông đều hoàn dốc sức thành xuất sắc khiến Càn Long càng thêm tín nhiệm và hài lòng.

Cho đến trước khi chết, A Quế cũng muốn diệt trừ Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Cho đến trước khi chết, A Quế cũng muốn diệt trừ Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Sohu, mặc dù kém cỏi về tài năng, song Hòa Thân lại hơn hẳn A Quế về thủ đoạn chính trị.

Đến khi trở về Bắc Kinh, A Quế muốn ra tay trừng trị Hòa Thân thì đã quá muộn. Tham quan họ Hòa đã có chỗ đứng vững chắc trong triều, lại luôn được Càn Long che chở. Tuy nhiên, trước mặt A Quế, Hòa Thân vẫn bị lấn át, không dám tỏ ra hống hách.

Thanh sử chép, năm Gia Khánh thứ nhất (1796), A Quý tuổi ngoài bát tuần (80 tuổi), mắc bệnh nặng, năm Gia Khánh thứ hai thì mất. Trước khi mất, ông nói với người nhà rằng:

“Ta tuổi ngoài tám mươi, cả đời làm đại tướng quân, nhận nhiều ân huệ, chết được rồi. Ta dù chết cũng chỉ mong một điều là hoàng thượng (Gia Khánh) được chấp chính thì ý khuyển mã cũng thấy mãn nguyện”.

Có thể thấy, cho dù tới lúc sắp lìa đời, A Quế vẫn chỉ một lòng mong hoàng đế Gia Khánh được nắm quyền thực sự để diệt trừ Hòa Thân. Chỉ vài năm sau khi kỳ phùng địch thủ qua đời, Hòa Thân cũng bỏ mạng dưới tay Gia Khánh với hàng loạt tội danh.

Nguồn: [Link nguồn]

Hòa Thân lớn mật mang gái đẹp của Càn Long về làm vợ lẽ như thế nào?

Cho đến tận lúc chết, Càn Long đầy quyền uy có lẽ cũng không biết được Hòa Thân đã nhiều lần giở “mưu ma chước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Đại gian thần Hòa Thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN