Đằng sau vụ án mạng của người mẫu Abby Choi gây chấn động Hồng Kông

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Bạn bè và người thân của người mẫu Hồng Kông Abby Choi ngày 28-2 đã làm lễ cầu nguyện cho nạn nhân xấu số tại hiện trường nơi cảnh sát đã tìm thấy một phần thi thể cô. Tuy nhiên, theo trang Bloomberg, vụ án này cũng cho thấy mặt tối của chính sách bất động sản ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Người mẫu Hồng Kông Abby Choi có thể đã bị gia đình chồng cũ sát hại do tranh chấp về tài sản

Người mẫu Hồng Kông Abby Choi có thể đã bị gia đình chồng cũ sát hại do tranh chấp về tài sản

Vụ án đã thu hút sự chú ý của thành phố khi các chi tiết rùng rợn của cuộc điều tra chiếm lĩnh các tiêu đề trên các phương tiện truyền thông địa phương và hàng nghìn người đã để lại lời chia buồn trên các tài khoản mạng xã hội của Abby Choi. Người mẫu Abby Choi, 28 tuổi, có hơn 100.000 người theo dõi trên Instagram. Gần đây, cô đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí xa xỉ L'Officiel Monaco và tham dự Tuần lễ thời trang Paris năm nay. Cảnh sát địa phương cuối tuần qua cho biết, các nhà điều tra đã xác định được hộp sọ, một số xương sườn và tóc, được cho là của Choi. Cuộc điều tra của cảnh sát bắt đầu từ hôm 22-2 sau khi cô người mẫu xinh đẹp được thông báo mất tích. Hai ngày sau, các bộ phận thi thể của cô được tìm thấy tại ngôi nhà ở quận Tai Po.

Diễn biến mới nhất về vụ án gây chấn động Hồng Kông này cho thấy, chồng cũ của Choi, Alex Kwong, 28 tuổi, anh trai Anthony, 31 tuổi và cha của họ, Kwong Kau, 65 tuổi, bị buộc tội sát hại Abby Choi. Mẹ của Alex Kwong, Jenny Li, 63 tuổi, bị buộc tội làm sai lệch tiến trình công lý. Theo Đài truyền hình Hồng Kông RTHK, Tòa án sơ thẩm thành phố Kowloon ngày 27-2 đã ra phán quyết rằng cả bốn người đều bị từ chối bảo lãnh. Đáng nói, Abby Choi đã gặp phải kết cục không đáng có trong căn hộ sang trọng mà cô đã mua dưới tên của bố chồng cũ. Căn hộ, được mua với giá hơn 70 triệu đô la Hồng Kông (8,9 triệu USD) vào cuối năm 2019. Và cái chết của cô đã làm sáng tỏ chính sách nhà ở gây tranh cãi.

Năm 2016, trong nỗ lực kiềm chế giá nhà tăng vọt, Hồng Kông đã tăng thuế trước bạ đối với những người không phải là người mua lần đầu lên 15%, trong khi mức thuế đối với người mua nhà đầu tiên chỉ ở mức 4,25%. Cô Choi vốn đã có một căn hộ sang trọng khác trong thành phố nên đã để cho bố chồng cũ của mình đứng tên chủ sở hữu.

Mức thuế 15% là vấn đề phải cân nhắc của không chỉ người nghèo mà cả ở những người cực kỳ giàu có ở đặc khu này. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giới đầu tư nhỏ lẻ ở Hồng Kông có rất ít lựa chọn. Lãi suất ngân hàng quá thấp, thị trường chứng khoán không có nhiều hy vọng trong khi muốn đầu tư thêm vào bất động sản sẽ phải chịu thuế cao. Giải pháp của họ là nhờ người thân hay bạn thân đứng tên tài sản thứ hai; và điều đó mở ra khả năng xảy ra xung đột trong tương lai.

Do đó, kết cục bi thảm của Abby Choi đặt ra câu hỏi liệu giờ có phải là thời điểm để xem xét lại chính sách thuế đối với quyền sở hữu ngôi nhà thứ hai, vốn đã được áp dụng hơn 6 năm hay không. Sau 13 năm tăng liên tục, giá nhà ở Hồng Kông đã giảm 15,6% vào năm ngoái. Trong khi đó, với tác động kép của việc tăng lãi suất và làn sóng di dân, triển vọng cho năm nay vẫn còn nhiều ảm đạm. Điều này có lẽ giải thích tại sao Choi muốn bán căn hộ sang trọng đó - nó được mua vào cuối năm 2019 như một khoản đầu tư và cô ấy chỉ đơn thuần là cắt lỗ (ở Hồng Kông, giá bán một căn hộ giảm dần sau thời gian nắm giữ 3 năm). Theo một cách nào đó, mức thuế 15% đã góp phần dẫn tới bi kịch của Choi.

Trước thực trạng giá bất động sản không cân xứng với thu nhập của đại đa số người dân, người đứng đầu chính quyền đặc khu John Lee dường như đã tìm ra giải pháp. Ông đang đẩy mạnh phát triển nhà ở công cộng, cam kết cắt giảm thời gian chờ đợi cho các gia đình có nhu cầu mua nhà từ 6 năm xuống còn 4,5 năm vào năm 2027. Tuần trước, chính quyền Hồng Kông đã cắt giảm thuế trước bạ đối với những ngôi nhà rẻ hơn. Đây là thời điểm thích hợp, bởi vì các nhà phát triển bất động sản của thành phố đang bán rất nhiều căn hộ mới trong năm nay. Một số đã chấp nhận giảm giá để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Khi chính sách không Covid dừng hẳn, Hồng Kông muốn xây dựng lại danh tiếng là trung tâm tài chính nổi bật nhất châu Á. Giảm phí bất động sản là một bước khởi đầu. Vì vậy, nếu chính quyền muốn hỗ trợ tầng lớp trung lưu, rất có thể việc cắt giảm chi phí giao dịch cho những người sở hữu ngôi nhà thứ hai sẽ được xem xét.

Nguồn: [Link nguồn]

4 người gia đình chồng người mẫu Hong Kong bị sát hại ra hầu tòa

Tòa án thành phố Cửu Long (Hong Kong) ra quyết định không cho 4 nghi phạm liên quan vụ người mẫu Hong Kong - cô Thái Thiên Phượng - bị sát hại được tại ngoại trong thời gian điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Chi (Bloomberg/CNN) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN