Cuộc chiến trong đô thị như ở Ukraine - điều mọi đội quân đều muốn tránh
Không có sự giống nhau hoàn toàn giữa 2 trận chiến đô thị. Tuy vậy, vẫn có những bài học, có thể không quá mới, nhưng thường bị bỏ qua hoặc lãng quên.
Binh sĩ Ukraine diễn tập tác chiến trong môi trường đô thị. Ảnh: Reuters
Đi vào giữa những đường phố xa lạ đầy ngóc ngách, có thể bị bắn tỉa, gài mìn, lạc đường hay bị đột kích bất cứ lúc nào. Đột kích từng căn nhà mà không biết hiểm nguy nào rình rập sau cánh cửa. Ưu thế hỏa lực không được phát huy, trong khi lại nhận tổn thất cao. Đó là các đặc điểm của chiến tranh đô thị - "cơn ác mộng" mọi đội quân đều muốn tránh.
Đặc điểm nổi bật nhất trong năm đầu tiên của xung đột Nga - Ukraine chính là giành kiểm soát các thành phố. Không có sự giống nhau hoàn toàn giữa 2 trận chiến đô thị. Các trận chiến đô thị ở Kiev, Mariupol, Kherson hay Bakhmut diễn ra dưới những hình thức rất khác nhau.
Thực tế đó mang đến một cơ hội: Bằng cách tìm những yếu tố chung trong các trận chiến kể trên, người ta có thể hiểu rõ hơn những bài học cơ bản về chiến tranh đô thị.
Theo trang web của Viện Chiến tranh Hiện đại (MWI), có 4 bài học về chiến tranh đô thị, đặc biệt nổi bật ở xung đột Ukraine. Phần lớn đều không quá mới nhưng chúng thường bị bỏ qua hoặc lãng quên.
Mọi thành phố đều quan trọng, kể cả không có giá trị quân sự
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các khu vực đô thị trở thành tâm điểm, nơi xảy ra nhiều cuộc giao tranh khốc liệt nhất. Những người ít chú ý cũng có thể kể tên được các trận đánh đô thị ở Kiev, Mariupol, hay Kherson. Những người theo dõi kỹ hơn có thể nhắc thêm các thành phố khác như Severodonetsk hay Lysychansk. Cả Nga và Ukraine đều không muốn bỏ qua khu vực đô thị vì chúng mang tầm quan trọng về mặt chiến thuật và chiến lược.
Thủ đô Kiev là thành phố chiến lược quan trọng nhất của Ukraine. Nơi đây tập trung cơ quan đầu não của chính phủ Ukraine, mang ý nghĩa chính trị rõ ràng.
Binh sĩ Nga canh gác ở Kherson. Ảnh: AP
Kherson là một thành phố có ý nghĩa chiến lược. Tại đây có cảng quan trọng ở Biển Đen và là cửa ngõ tới bán đảo Crimea. Kiểm soát được thành phố này đồng nghĩa với kiểm soát miền nam Ukraine.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải tất cả các thành phố đều có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược hoặc tác chiến. Trên thực tế, nhiều thành phố không mang lại nhiều giá trị chiến lược, chiến thuật nếu xét về góc độ quân sự.
Theo MWI, các thành phố như Severodonetsk hay Bakhmut được cho là có rất ít giá trị quân sự. Kiểm soát chúng không mang lại cho bên nào lợi thế quân sự rõ rệt. Tuy nhiên, giao tranh vẫn diễn ra căng thẳng ở 2 thành phố này.
Tại sao cả Nga và Ukraine lại chiến đấu ở cả các thành phố gần như không có giá trị về mặt quân sự? Đó là vì các thành phố đó vẫn có tầm quan trọng về mặt biểu tượng. Việc kiểm soát chúng mang lại giá trị về chính trị.
Ukraine không muốn thành phố 70.000 dân Bakhmut hay thành phố hơn 100.000 dân như Severodonetsk rơi vào tay người Nga. Trong khi đó, các lực lượng Nga muốn kiểm soát các thành phố này để thể hiện các bước tiến của chiến dịch quân sự đặc biệt, theo Viện Chiến tranh Hiện đại.
Vì chiến tranh vốn mang tính chính trị nên các thành phố trên, dù ít giá trị quân sự, nhưng vẫn quan trọng vì giá trị chính trị mà chúng mang lại.
Nhiệm vụ cơ bản của tác chiến đô thị là đẩy đối thủ vào thế bất lợi
Các cuộc phục kích thường thấy trong tác chiến đô thị, nhằm đẩy đối thủ vào thế bất lợi. Ảnh minh họa: Pravda
Nhiều trận chiến đô thị ở Ukraine cho thấy nhiệm vụ cơ bản của tác chiến ở môi trường đô thị là đẩy đối phương vào thế bất lợi thông qua hỏa lực và sự cơ động. Cụ thể là tìm kiếm, phá hủy nơi ẩn náu của đối phương, đồng thời nắm giữ và kiểm soát các đặc điểm địa hình quan trọng của đô thị như cứ điểm, cầu vượt sông, đường phố, khu đất cao...
Trong trận chiến ở Kiev, lực lượng phòng thủ Ukraine, cả quân sự và dân sự, đã dựng các rào chắn, làm ngập các ngôi làng và sử dụng nhiều kỹ thuật khác gây cản trở việc di chuyển của xe tăng và binh sĩ Nga rồi thực hiện các cuộc phục kích. Trong các trận chiến ở Severodonetsk và Kherson, bên nào kiểm soát việc vượt sông sẽ nắm lợi thế lớn bằng cách cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực và quân tiếp viện của đối phương.
Theo MWI, nhiệm vụ quan trọng của tác chiến đô thị là khả năng kết hợp hỏa lực (rocket, pháo, súng cối), xe tăng, bộ binh, công binh, tấn công trên không và năng lực mạng, vũ trụ một cách chính xác cả về thời gian cũng như địa điểm. Mục đích là để đạt được các nhiệm vụ chính như xác định, triệt hạ đối phương cũng như phòng thủ hoặc tấn công ở địa hình đô thị.
Để tác chiến đô thị hiệu quả, cần chuyển đổi trạng thái nhanh
Xung đột ở Ukraine cho thấy, các thành phố là tâm điểm. Như vậy, chiến tranh đô thị là không tránh khỏi. Điều đó đồng nghĩa là có một bên phòng thủ và một bên tấn công. Nhưng giao tranh xảy ra thường xuyên nên quân đội phải có khả năng thực hiện và chuyển đổi nhanh nhạy trạng thái phòng thủ - tấn công liên tục.
Theo MWI, trong những ngày đầu của xung đột, quân Ukraine chủ yếu phòng thủ còn quân Nga thì tấn công. Nhưng cũng thời điểm đó, người Ukraine được cho là đã thực hiện phản công ở sân bay Hostomel. Tuy sau đó phải rút lui nhưng Ukraine đã đạt được mục tiêu cản trở kế hoạch của Nga sử dụng sân bay làm cầu nối quan trọng để nhanh chóng đưa lực lượng cần thiết tới kiểm soát thành phố Hostomel. Đó là một ví dụ minh chứng cho việc quân đội không chỉ có khả năng phòng thủ và tấn công ở địa hình đô thị mà còn cần chuyển đổi trạng thái nhanh hơn đối phương.
Trong trận chiến ở Mariupol, quân Ukraine đã duy trì thế phòng thủ hơn 80 ngày trước các lực lượng Nga. Người Ukraine đa dạng hóa cách phòng thủ và cách họ sử dụng địa hình đô thị dày đặc, phức tạp để cầm chân người Nga. Những tòa nhà trong các khu công nghiệp và các công trình ngầm được tận dụng hiệu quả.
Bên nào không thể kết hợp tốt sẽ mất lợi thế
Chiến tranh đô thị là "phép thử" về sự gắn kết và khả năng kết hợp của quân đội. Ảnh minh họa: Reuters
Theo MWI, chiến tranh đô thị là cuộc thử nghiệm cuối cùng về khả năng kết hợp vũ khí và các lực lượng. Bên nào có thể phối hợp tốt hơn giữa hỏa lực, xe tăng và các lực lượng bộ binh, công binh, tình báo thì sẽ có lợi thế hơn. Lịch sử chiến tranh đô thị đã chứng minh điều này và nó cũng được thấy phần nào trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Cách tiếp cận của người Nga ở Mariupol, Severodonetsk, Bakhmut và một số thành phố khác là thực hiện các cuộc pháo kích lớn và đưa số nhiều binh sĩ vào để đánh bật các binh sĩ Ukraine thua kém về số lượng.
Có lúc, chiến thuật này có hiệu quả. Nhưng cái giá phải trả đôi khi cũng rất lớn khi quân Ukraine tận dụng tác chiến đô thị để cầm cự. Moscow phải chấp nhận tiêu hao số lượng lớn đạn pháo để giành kiểm soát các khu vực có ít giá trị quân sự. Theo MWI, với quy mô quân sự khổng lồ, Nga có thể đạt thành công lớn hơn nhiều nếu phối hợp hiệu quả ở các thành phố của Ukraine.
--------------------------
Có ý kiến cho rằng chiến tranh là một dạng "phòng thí nghiệm", nơi các trận chiến có thể định hình các cuộc chiến diễn ra trong tương lai. Xung đột Nga - Ukraine cũng không phải là ngoại lệ. Từ những gì đang xảy ra ở Ukraine, giới quân sự thế giới có thể rút ra nhiều bài học cho các cuộc chiến sau này. Mời độc giả đón đọc bài kỳ tới, đăng sáng 27/11/2023, để hiểu thêm về vấn đề này.
Nguồn: [Link nguồn]
Chiến tranh không chỉ là một cuộc đấu về vũ khí và ý chí mà còn là một dạng “phòng thí nghiệm“. Các trận chiến trong một cuộc chiến đưa ra các bài học sẽ định hình không...