Có trữ lượng lớn nhất thế giới nhưng Venezuela khó thay thế nguồn dầu từ Nga

Chuyến thăm gần đây của 2 quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đến Caracas, Venezuela, vào cuối tuần qua được coi là dấu hiệu cho thấy cân bằng địa - chính trị có thể thay đổi như thế nào sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mỹ đang cố gắng tìm nguồn thay thế dầu của Nga sau khi đã áp lệnh cấm. (Ảnh: Getty)

Mỹ đang cố gắng tìm nguồn thay thế dầu của Nga sau khi đã áp lệnh cấm. (Ảnh: Getty)

Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Juan Gonzalez và trưởng bộ phận xử lý các vấn đề về Venezuela James Story đã có cuộc gặp Tổng thống Nicolas Maduro và phu nhân vào ngày 5/3. Đây là hoạt động trao đổi ngoại giao đầu tiên kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ vào năm 2019.

Tin tức về sự kiện tập trung vào khả năng Nhà Trắng sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đã áp với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela trong những năm gần đây để có thể thay thế dầu từ Nga.

Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, và trước đây phần lớn dầu thô ở nước này được bán cho các công ty lọc hoá dầu ở Mỹ.

Tại cuộc gặp nói trên, ông Maduro khẳng định Venezuela muốn tăng sản lượng dầu mỏ, trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm vì lệnh cấm của Mỹ.

“Chúng tôi sẵn sàng khôi phục sản xuất. Một, hai, hoặc ba triệu thùng, mọi thứ! Mọi thứ nhân danh hoà bình”, ông Maduro nói.

Sản lượng khai thác dầu của Venezuela đang ở mức thấp chưa từng thấy, sau nhiều năm quản lý không đúng cách và các nhà máy lọc dầu bị bỏ mặc.

Theo các chuyên gia, có thể phải mất vài năm và hàng tỷ USD đầu tư nữa mới có thể khôi phục ngành xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela như trước đây.

“Venezuela không thể đóng góp nhiều, vì ngành dầu khí đã bị phá huỷ”, José Toro Hardy, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Venezuela, nói với Forbes.

Theo số liệu từ chuyên gia này, sẽ cần đầu tư khoảng 250 tỷ USD và mất 7-8 năm mới hồi phục được ngành công nghiệp dầu khí như trước đây, với đỉnh điểm là 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 1998.

Tổng thống Maduro khẳng định nước này đang khai thác khoảng 1 triệu thùng dầu thô/ngày, nhưng báo cáo của OPEC cho thấy sản lượng của Venezuela trong tháng 1 chỉ khoảng 668.000 thùng. Vào tháng 12/2018, không lâu trước khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cấm nhập khẩu dầu để trừng phạt chính quyền của ông Maduro, Mỹ nhập khoảng 200.000 thùng/ngày từ Venezuela.

Vì thế, Nhà Trắng cần một giải pháp ngắn hạn khác để hạ giá xăng dầu ngay trước mắt, để thay thế 245.000 thùng dầu thô/ngày đang mua từ Nga sau khi đã áp lệnh cấm.

Một nguồn cung khác cũng có thể bù đắp cho thiếu hụt từ Nga là Iran. Tuy nhiên, nỗ lực nhằm đạt được một thoả thuận hạt nhân với Tehran đang gặp trở ngại. Ngày 8/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng Iran đang cố tăng thêm điều kiện để có thể đồng ý với thoả thuận.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó nói rằng Mátxcơva vẫn cam kết cứu vãn thoả thuận với Iran, dù Nga muốn một sự bảo đảm bằng văn bản rằng các lệnh trừng phạt phương Tây áp với Nga vì chiến dịch ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến những thoả thuận trong tương lai giữa Nga với Iran.

Bà Nuland đã nói “không” khi được hỏi trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng liệu chính quyền có bảo đảm cho Nga được trao đổi thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự với Iran mà không bị trừng phạt không.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng thoả thuận hạt nhân Iran và vấn đề Ukraine hoàn toàn khác nhau.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề nghị ”sốc” của Ba Lan khi Mỹ muốn đồng minh đưa tiêm kích MiG-29 cho Ukraine

Trước sức ép của Mỹ về việc chuyển giao các tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, Ba Lan ngày 8.3 ra thông báo sẵn sàng giao hết cho Mỹ để Washington chuyển tới Kiev.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN