“Chiêu độc” trị “lưỡng lự tiêm vắc-xin Covid-19” của Mỹ và châu Âu

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Phần lớn châu Âu có tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 khiến nhiều nước phải ghen tị. Dù vậy, ngay cả tại châu lục này, tình trạng lưỡng lự ở một số khu vực nhất định đang buộc các chính phủ hành động quyết liệt để đảm bảo nỗ lực kiểm soát đại dịch không bị trì trệ.

Bỉ: Những người chưa tiêm chủng hãy "xem lại lương tâm"

Tại thủ đô Brussels, tỉ lệ dân số được tiêm đầy đủ mới chỉ 51% - thấp hơn nhiều so với những khu vực khác như Flanders (79%) và Wallonia (67%).

Giới chức đang gia tăng sức ép lên nhóm chưa chịu tiêm chủng ở Brussels nhằm nâng cao hơn nữa tỉ lệ tiêm. Khác với những khu vực khác trên cả nước, Brussels hiện vẫn duy trì những biện pháp hạn chế như bắt buộc đeo khẩu trang bên trong không gian kín.

Từ ngày 1-10, theo Reuters, người dân Brussels sẽ phải có "thẻ xanh Covid-19" hoặc kết quả xét nghiệm âm tính gần đây nếu muốn vào nhà hàng, quán bar hoặc cơ sở tập luyện.

Trong một tuyên bố vào giữa tháng rồi, lãnh đạo Wallonia – khu vực lớn nhất của Bỉ, kêu gọi những người chưa tiêm phòng suy ngẫm về hậu quả từ sự trì trệ của họ.

"Những người chưa tiêm chủng chịu trách nhiệm nặng nề với bản thân và những người xung quanh họ. Đã đến lúc tất cả mọi người phải xem lại lương tâm của mình" – ông Elio Di Rupo nói.

Người mua sắm đi qua một trung tâm tiêm phòng Covid-19 được thiết lập bên trong một siêu thị ở thủ đô Brussles hôm 30-8. Ảnh: Reuters

Người mua sắm đi qua một trung tâm tiêm phòng Covid-19 được thiết lập bên trong một siêu thị ở thủ đô Brussles hôm 30-8. Ảnh: Reuters

Pháp: Hộ chiếu sức khỏe điện tử cải thiện tỉ lệ tiêm chủng

Những biện pháp được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron áp dụng trong hè này đã giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ tiêm chủng. Cuối năm ngoái, các cuộc thăm dò cho thấy chỉ 40% dân số Pháp có ý định tiêm vắc-xin nhưng đến ngày 15-9, theo số liệu của trang Our World in Data, tỉ lệ tiêm đầy đủ và ít nhất 1 liều tại quốc gia này đã tăng lên lần lượt gần 64% và hơn 73%.

Theo quy định đã có hiệu lực từ tháng 8, người dân Pháp phải mang theo hộ chiếu sức khỏe điện tử nếu muốn vào những địa điểm như quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim…và nhiều không gian mở công cộng.

Hộ chiếu này - giúp chứng minh người dùng đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc đã được chữa khỏi Covid-19, cũng được yêu cầu khi lên phương tiện giao thông công cộng di chuyển đường dài và khi viếng thăm các cơ sở y tế.

Từ ngày 30-9, trẻ em từ 12 tuổi trở lên cũng sẽ phải tuân thủ các quy định liên quan đến hộ chiếu sức khỏe điện tử. Công nhân làm việc tại các địa điểm thuộc phạm vi của hộ chiếu sức khỏe điện tử phải tiêm chủng từ ngày 30-8 và kể từ ngày 15-10, yêu cầu này cũng sẽ được áp dụng với nhân viên y tế.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Pfizer cho một công dân Pháp ở thủ đô Paris. Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Pfizer cho một công dân Pháp ở thủ đô Paris. Ảnh: Reuters

Đức: Ngưng bồi thường cho những công nhân chưa tiêm chủng bị mất thu nhập vì cách ly.

Tiêm chủng không bắt buộc ở Đức nhưng theo đài CNN, giới chức nước này đã tăng cường các biện pháp khiến cuộc sống của những người chưa tiêm vắc-xin "ngày một bất tiện".

Theo quy định mới được Bộ Y tế Đức thông báo vào ngày 22-9, những công nhân chưa tiêm chủng sẽ không còn được bồi thường thu nhập bị mất nếu các biện pháp chống Covid-19 buộc họ phải cách ly.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-11 và sẽ ảnh hưởng đến những người dương tính với Covid-19 và những người trở về từ các nước bị xem là vùng "rủi ro cao", Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết.

Danh sách này hiện bao gồm Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khu vực của Pháp. Những người chưa tiêm phòng Covid-19 trở về từ nhóm nước này sẽ phải cách ly ít nhất 5 ngày. Với những người đã được tiêm đầy đủ hoặc vừa được chữa khỏi Covid-19, họ không cần phải cách ly.

Tại Đức, kể từ ngày 1-11, những công nhân chưa tiêm chủng sẽ không còn được bồi thường thu nhập bị mất nếu các biện pháp chống Covid-19 buộc họ phải cách ly. Ảnh: Reuters

Tại Đức, kể từ ngày 1-11, những công nhân chưa tiêm chủng sẽ không còn được bồi thường thu nhập bị mất nếu các biện pháp chống Covid-19 buộc họ phải cách ly. Ảnh: Reuters

Hà Lan: Không được sử dụng nhà vệ sinh của nhà hàng nếu chưa tiêm chủng

Bộ trưởng Y tế Hà Lan Huge de Jonge ngày 21-9 cảnh báo những người chưa tiêm vắc-xin sẽ không được vào không gian kín công cộng, kể cả sử dụng nhà vệ sinh bên trong các nhà hàng.

Tuyên bố trên được đưa ra trong phiên tranh luận gay gắt giữa các nhà lập pháp Hà Lan về việc áp dụng "thẻ xanh Covid-19" đối với hoạt động ăn uống tại nhà hàng.

"Muốn sử dụng nhà vệ sinh bên trong nhà hàng cũng phải quét mã QR" – Bộ trưởng Jonge nhấn mạnh, theo báo The Guardian.

Tuần rồi, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định sẽ là "không khôn ngoan" nếu tạo ngoại lệ cho thực khách bên ngoài nhà hàng, bởi chắc chắn họ sẽ phải vào bên trong để thanh toán, đi vệ sinh hoặc khi trời mưa.

Người dân Hà Lan biểu tình phản đối quy định mới về thẻ xanh Covid-19 ở TP The Hague hôm 25-9. Ảnh: Reuters

Người dân Hà Lan biểu tình phản đối quy định mới về thẻ xanh Covid-19 ở TP The Hague hôm 25-9. Ảnh: Reuters

Mỹ: Tổng thống Biden mạnh tay hơn với nhóm chưa tiêm chủng

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9-9 công bố những chính sách nghiêm ngặt hơn liên quan đến tiêm phòng và xét nghiệm Covid-19 nhằm vào khoảng 2/3 nhân viên Mỹ, những người làm việc cho các doanh nghiệp có hơn 100 lao động.

Phần lớn nhân viên liên bang sẽ phải tiêm phòng trong khi các đơn vị tuyển dụng lớn phải yêu cầu nhân viên của mình tiêm vắc-xin hoặc xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần. 

Trước đây, Tổng thống Biden yêu cầu nhân viên liên bang tiêm phòng hoặc xét nghiệm mỗi tuần. Sau thông báo trên, nhóm này có 75 ngày để tiêm vắc-xin nếu không muốn bị sa thải, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ ít ỏi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm liều vắc-xin tăng cường hôm 27-9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm liều vắc-xin tăng cường hôm 27-9. Ảnh: Reuters

Nguồn: [Link nguồn]

Tranh cãi chuyện đối xử với người khỏi COVID-19 và người tiêm vaccine

Chuyện đối xử với người đã nhiễm và đã khỏi COVID-19 và với người tiêm vaccine còn gây tranh cãi ở nhiều nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN