Cháy rừng Hawaii: Tang thương và giận dữ

Đảo Maui (bang Hawaii, Mỹ) đang chứng kiến sự tang thương và giận dữ khi số nạn nhân trong vụ cháy rừng không ngừng tăng và người dân chỉ trích chính quyền đã không xử lý tốt tình huống khẩn cấp.

Sau năm ngày hoành hành, tính đến tối 12-8 (giờ địa phương), các đám cháy rừng ở đảo Maui thuộc bang Hawaii (Mỹ) vẫn chưa được khống chế hẳn.

Cụ thể, tại thị trấn Lahaina - nơi bị cháy nghiêm trọng nhất với gần 90% diện tích bị lửa càn qua, 85% đám cháy đã được kiểm soát. Thị trấn Pulehu cũng đã kiểm soát 80%. Song tại thị trấn Upcountry ở trung tâm đảo Maui, lửa chỉ mới được khống chế 50%, đài CNN dẫn lời Phó Thống đốc bang Hawaii Sylvia Luke.

Nhiếp ảnh gia Daniel Sullivan đi cùng những người lính cứu hỏa và cho biết họ “làm việc suốt ngày đêm” kể từ ngày 8-8 để dập lửa ở Maui, nhiều người đã không ngủ.

Tới rễ cây trong lòng đất cũng cháy

Sự khốc liệt của trận cháy rừng được nhiếp ảnh gia Sullivan mô tả bằng hình ảnh “những cái rễ cây cũng phát cháy”, khi “nhiệt độ trong lòng đất lên tới 180-200 độ C”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thảm họa lớn ở Maui, cam kết chính quyền liên bang đảm bảo “bất kỳ ai bị mất người thân hoặc có nhà bị hư hại hoặc phá hủy sẽ được giúp đỡ ngay lập tức” và hứa sẽ hợp lý hóa các yêu cầu hỗ trợ.

Thống đốc bang Hawaii Josh Green cho biết số nạn nhân thiệt mạng tính đến sáng 13-8 (giờ địa phương) lên tới 93 người, chỉ mới hai nạn nhân được xác định danh tính. Khoảng 2.200 công trình bị phá hủy hoặc hư hại, trong đó 86% là khu dân cư/diện tích khoảng 5 triệu m2 bị lửa càn quét. Thiệt hại ước tính 6 tỉ USD.

Hơn chục cơ quan liên bang được cử đến Hawaii hỗ trợ nỗ lực phục hồi, bao gồm Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA), Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh, Hội Chữ thập đỏ và lực lượng vệ binh quốc gia. Lực lượng công binh của lục quân Mỹ được triển khai xử lý hiện trường, thiết lập nguồn điện khẩn cấp tạm thời, tư vấn các quan chức địa phương về phương án việc khắc phục hậu quả.

Phó Thống đốc Luke cho biết trọng tâm hiện tại là giúp đỡ các nạn nhân, ưu tiên “xác định vị trí của những người mất tích”, cung cấp thực phẩm, nước uống, chỗ ở cần thiết cho những người đã mất nhà cửa, mất việc kinh doanh. Khoảng 1.000 phòng khách sạn được huy động cho người dân sơ tán trú ẩn. Du khách được hỗ trợ khẩn trương rời Maui.

Đây được xem là thảm họa thiên nhiên lớn nhất của bang Hawaii trong hơn sáu thập niên, sau trận sóng thần làm 61 người chết năm 1960. Giám đốc Cơ quan Cứu hỏa Mỹ Lori Moore-Merrell đánh giá trận cháy rừng ở Hawaii là thảm họa cháy nghiêm trọng nhất ở Mỹ trong hơn 100 năm qua, sau vụ cháy Camp Fire ở bang California năm 2018 làm 85 người chết.

Gần như toàn bộ thị trấn Lahaina ở đảo Maui thuộc bang Hawaii (Mỹ) đã bị lửa thiêu rụi. Ảnh: AP

Gần như toàn bộ thị trấn Lahaina ở đảo Maui thuộc bang Hawaii (Mỹ) đã bị lửa thiêu rụi. Ảnh: AP

Người dân trở về căn nhà đã bị cháy trụi của mình ở thị trấn Lahaina, đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: AP

Người dân trở về căn nhà đã bị cháy trụi của mình ở thị trấn Lahaina, đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ). Ảnh: AP

Dân nổi giận vì còi báo động không reo

Hiện có làn sóng chỉ trích chính quyền bang Hawaii về phản ứng khẩn cấp. Trao đổi với CNN, nhiều cư dân chỉ trích chính quyền bang đã không làm đủ để cảnh báo họ khi lửa bùng phát.

Hawaii có hệ thống cảnh báo ngoài trời tích hợp với khoảng 400 còi báo động được bố trí trên chuỗi đảo để cảnh báo về thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa khác. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý khẩn cấp Hawaii xác nhận hệ thống còi báo động đã không được kích hoạt trong thời điểm xảy ra cháy. Cơ quan có gửi cảnh báo khẩn cấp cho người dân thông qua điện thoại di động, thông báo từ TV và đài phát thanh. Vấn đề là thời điểm này hầu hết dịch vụ điện và di động đã bị cắt. Nhiều người sống sót cho biết họ chỉ nhận ra mình đang gặp nguy hiểm khi ngửi thấy mùi khói, nhìn thấy lửa hoặc nghe tiếng nổ gần đó.

Cũng có ý kiến rằng đó là tình huống bất khả thi với chính quyền, khi còi báo động này lâu nay được dùng để cảnh báo sóng thần chứ không phải cảnh báo cháy rừng.

Phó Thống đốc Luke thừa nhận “chúng ta có trách nhiệm phải đánh giá và tìm hiểu xem có thể tránh được những điều gì không”. Đó là lý do Thống đốc Green yêu cầu Văn phòng tổng chưởng lý Hawaii mở cuộc điều tra sâu về phản ứng ban đầu của chính quyền đảo Maui. Tổng chưởng lý Hawaii Anne Lopez sẽ dẫn đầu cuộc điều tra, rà lại phản ứng khẩn cấp, bao gồm cả việc thiếu còi báo động.

Bài học từ công tác chữa cháy ở Hawaii

Cháy rừng ở Maui bùng nhanh và mạnh được cho có sự kết hợp của điều kiện khô hạn, độ ẩm thấp và gió lớn. Tuy nhiên, hậu quả quá thảm khốc có thể còn do các yếu tố khác.

Thị trấn lịch sử Lahaina từ lâu đã được biết có nguy cơ cháy rừng. Kế hoạch giảm thiểu rủi ro của đảo Maui, được cập nhật lần cuối vào năm 2020, đã xác định Lahaina và các cộng đồng khác ở Tây Maui là nơi thường xuyên xảy ra cháy rừng và phần lớn tòa nhà có nguy cơ bị thiệt hại do cháy rừng. CNN cho biết đã xem xét các tài liệu này và đi đến kết luận tiểu bang đã chuẩn bị không tốt cho thảm họa, các quan chức Hawaii đã đánh giá thấp mối đe dọa chết người của cháy rừng.

Đội ngũ nhân viên ít ỏi ở đảo Maui cũng cản trở nỗ lực chữa cháy, theo ông Bobby Lee - Chủ tịch Hiệp hội Lính cứu hỏa Hawaii. Chỉ có 65 lính cứu hỏa làm việc nhiều nhất vào bất kỳ thời điểm nào ở Maui và họ chịu trách nhiệm chữa cháy trên ba hòn đảo - Maui, Molokai và Lanai. Thêm nữa, tất cả xe chữa cháy đều không phải dùng cho địa hình rừng núi. Có nghĩa là các đội cứu hỏa không thể tấn công triệt để các đám cháy trước khi chúng tiếp cận các con đường hoặc khu vực đông dân cư.

Nguồn: [Link nguồn]

Cháy rừng như 'tận thế' ở Hawaii: Vì sao lan quá nhanh, quá nhiều người chết?

Công thức cháy thảm khốc “khô, nóng, gió" khiến cháy rừng ở Hawaii lan quá nhanh và khó đối phó, gây thương vong lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN