Châu Âu có dấu mốc "đáng quên" về số ca tử vong vì Covid-19

Châu Âu cùng Mỹ vẫn là các tâm dịch lớn nhất nhì trên thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19.

Hãng NBC News hôm 19/4 dẫn số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, số ca tử vong vì Covid-19 ở các nước châu Âu đã có dấu mốc "đáng quên" khi vượt qua con số 100.000.

Italia tiếp tục là nước có số ca tử vong vì Covid-19 lớn nhất ở châu Âu, với hơn 23.000 ca, theo sau lần lượt là Tây Ban Nha (hơn 20.400 ca), Pháp (hơn 19.700) và Anh (hơn 16.000 ca).

Dù có số người tử vong vì Covid-19 nhiều nhất, Italia đã tiến gần hơn tới việc nới lỏng một số biện pháp phong tỏa khi đỉnh dịch Covid-19 đã qua đi ở quốc gia châu Âu này. Chính phủ Italia cho biết đang đánh giá để tìm ra cách tốt nhất giúp người dân được ra đường và hoạt động sản xuất được phục hồi.

"Chúng tôi đang nghiên cứu một số đề xuất nới lỏng các biện pháp hạn chế mà vẫn đảm bảo người dân có thể sống chung an toàn với dịch Covid-19 trong nhiều tháng tới khi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacccine phòng bệnh", Thủ tướng Italia, Giuseppe Conte, chia sẻ với báo chí sáng 19/4.

Chính phủ Italia đang bị đặt dưới áp lực phải mở cửa khu vực công nghiệp phía bắc nước này càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì ít nhất cho tới ngày 3/5, giới chức Italia cho hay.

Châu Âu ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 vượt 100.000, tính tới hết ngày 19/4. Ảnh: AP

Châu Âu ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 vượt 100.000, tính tới hết ngày 19/4. Ảnh: AP

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, cho biết chính phủ sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và cho phép trẻ em dưới 12 tuổi chơi bên ngoài trong thời gian ngắn.

Ông Pedro nhấn mạnh quá trình phong tỏa vẫn diễn ra ở Tây Ban Nha cho tới ngày 9/5 vì "những dấu hiệu tích cực chúng ta đạt được tới giờ phút này quá đỗi mong manh".

Khi Italia và Tây Ban Nha đã tạm qua thời điểm khó khăn nhất trong dịch Covid-19, Anh lại đang trở thành tâm dịch mới của châu Âu khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng đột biến. Tính tới hết ngày 19/4, Anh có hơn 121.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 16.000 người đã tử vong.

Các nhân viên y tế hồi cuối tuần qua chỉ trích chính phủ Anh vì để xảy ra tình trạng thiếu hụt đồ bảo hộ cá nhân (PPE) như quần áo bảo hộ y tế, mặt nạ che giọt bắn...

"Quá nhiều nhân viên y tế đã tử vong vì Covid-19. Nhiều bác sĩ và đồng nghiệp của họ không muốn đặt cược tính mạng của họ khi phải điều trị và tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà không có đồ bảo hộ", Rob Harwood, làm việc tại Hiệp hội Y khoa Anh, cơ quan đại diện cho nhân viên y tế.

Một phát ngôn viên của Bộ Y tế Anh hôm 18/4 cho biết một đường dây nóng hoạt động 24/24 đã được thiết lập để nhân viên y tế gọi và thông báo khi thiếu hụt trang thiết bị y tế.

"Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để đảm bảo các nhân viên của Cơ quan Y tế Anh (NHS) và các cơ quan chăm sóc xã hội khác có đủ trang thiết bị mà họ cần, trong bối cảnh thiếu hụt PPE xuất hiện trên toàn cầu", người phát ngôn Bộ Y tế Anh cho hay.

Tờ Sunday Telegraph hôm 18/4 đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bắt đầu tiếp quản và điều hành chính phủ Anh từ Chequers, nơi ông đang nghỉ ngơi và hồi phục sau khi phải nhập viện điều trị Covid-19 cách đây hơn một tuần. Ngoại trưởng Dominic Raab là người tạm thay mặt ông Johnson tiếp quản đất nước trong lúc ông nhập viện.

Tuần trước, Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron thừa nhận sai lầm trong chống dịch Covid-19. Ông Macron thừa nhận văn phòng Tổng thống đã không chuẩn bị đầy đủ và mất cảnh giác với sự bùng phát của dịch bệnh, nhất là việc thiếu trang thiết bị y tế.

"Chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng này? Rõ ràng là chưa đủ nhưng chúng tôi đã đối mặt với nó. Thực tế là dịch Covid-19 đã làm bộc lộ sự yếu kém và thiếu sót", ông Macron phát biểu trên truyền hình.

Tổng thống Pháp cũng cho biết, bất chấp số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại khu chăm sóc tích cực đang giảm xuống, đại dịch vẫn chưa được kiểm soát tại Pháp và lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài tới 11/5.

Tuy vậy, các quốc gia châu Âu khác như Áo hay Cộng hòa Séc, đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

WHO cảnh báo sốc về số người nhiễm Covid-19 ở châu Phi

Tính tới 17/4, 54 quốc gia ở châu Phi ghi nhận dưới 20.000 ca nhiễm Covid-19 nhưng trong khoảng từ 3-6 tháng tới, con số này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - NBC News ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN