Cảnh báo việc TQ thử trái phép thiết bị 'cá đuối' không người lái ở Hoàng Sa

Trung Quốc được cho đã thử nghiệm trái phép tại Hoàng Sa thiết bị không người lái hình dạng "cá đuối" được đánh giá có thể phục vụ mục đích quân sự.

Trang BenarNews ngày 28-9 dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết các nhà nghiên cứu tại một trường đại học liên kết với quân đội nước này đã hoàn thành cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên đối với một robot sinh học có hình dáng và bơi giống như một con cá đuối ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Tờ China Daily dẫn lời các nhà phát triển từ ĐH Bách khoa Tây Bắc (NWPU) ở TP Tây An cho biết đây là phương tiện sinh học không người lái dưới nước (UUV) đầu tiên trên thế giới có thể lặn sâu hơn 1.000 m ngoài biển khơi, với động cơ đẩy cánh lướt và vỗ cánh. 

Trong khi các cá nhân này cho hay thiết bị này sẽ "đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển", BenarNews dẫn lời các chuyên gia đánh giá rằng thiết bị này cũng có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.

Thiết bị 'cá đuối' không người lái TQ thử nghiệm trái phép ở Hoàng Sa. Ảnh: GLOBALINK

Thiết bị 'cá đuối' không người lái TQ thử nghiệm trái phép ở Hoàng Sa. Ảnh: GLOBALINK

'Không khác gì với cá đuối thật'

Một đoạn video do hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố hồi đầu tháng 9 cho thấy các nhà nghiên cứu đang thả một “con cá đuối” lớn, màu vàng tươi từ một con tàu vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Hình dạng của thiết bị “cá đuối” này rất chân thật, với một cơ thể phẳng, hai cánh lớn và một cái đầu rộng. 

Tuy các chi tiết về thiết bị này vẫn còn khá hạn chế, song Tân Hoa xã cho hay nguyên mẫu robot sinh học này nặng khoảng 470 kg với sải cánh dài 3 m và có thể lặn xuống độ sâu lên tới 1.025 m.

 Lấy cảm hứng từ cá đuối, “một trong những sinh vật bơi lội hiệu quả nhất trong tự nhiên”, robot này được các nhà phát triển mô tả là có “hiệu suất đẩy cao, khả năng cơ động cao, độ ổn định cao, ít tạo ra sự xáo trộn trong môi trường, ít tạo ra tiếng ồn cùng khả năng chịu tải lớn và nhẹ nhàng đáp dưới đáy biển”.

Theo BenarNews, nhóm nghiên cứu tại NWPU đã làm việc liên quan dự án UUV này từ năm 2016. Sau khi phát triển một số nguyên mẫu, họ tuyên bố đã đạt được “khả năng vỗ, lướt, dừng khẩn cấp, quay đầu và các hành động khác của thiết bị cá đuối sinh học này; và hầu như không có sự khác biệt nào với một cá thể cá đuối thật”.

Robot này được cho là có thể hoạt động liên tục trong nhiều tuần và được gắn các cảm biến để phát hiện hình ảnh và âm thanh.

Trước đó, một nguyên mẫu đen trắng nhỏ hơn đã được giới thiệu hồi năm 2019, với hình dạng trông thậm chí còn thực tế hơn. 

Các chuyên gia nhận định khả năng hòa nhập với các loài cá khác trong đại dương, do đó gần như không thể bị phát hiện, giúp thiết bị này trở thành một thiết bị “lý tưởng” cho các hoạt động do thám và giám sát.

Theo nhà phân tích quốc phòng Nga Vasily Kashin, chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên phát triển UUV cho cả mục đích dân sự và quân sự.

“Chúng có thể được sử dụng để quan sát môi trường và săn tàu ngầm” – nhà phân tích này cho hay.

Đơn vị đứng sau dự án thiết bị "cá đuối" này

BenarNews dẫn lời ông Noel Sharkey - giáo sư danh dự về trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy tại ĐH Sheffield (Anh) – cho biết: “Hầu hết các phát minh về robot tốt [kể từ những robot đầu tiên] đều được sử dụng trong quân sự”.

Giáo sư Alexandre Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương (APCSS), một viện thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ có trụ sở tại Hawaii, cũng có đồng quan điểm.

“Trung Quốc sẽ sử dụng các robot mô phỏng sinh học này cho các mục đích quân sự. Điều này phù hợp với chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của họ” - ông Vuving cho hay.

Hợp nhất quân sự-dân sự là một chiến lược của Trung Quốc nhằm phát triển quân đội nước này thông qua thúc đẩy đầu tư và công nghệ từ khu vực tư nhân và các tổ chức học thuật.

Thiết bị 'cá đuối' không người lái TQ thử nghiệm trái phép ở Hoàng Sa. Ảnh: GLOBALINK

Thiết bị 'cá đuối' không người lái TQ thử nghiệm trái phép ở Hoàng Sa. Ảnh: GLOBALINK

Theo BenarNews, Bộ Tư pháp Mỹ đã liệt NWPU là “một trường đại học quân sự của Trung Quốc tham gia nhiều vào nghiên cứu quân sự và hợp tác chặt chẽ với quận đội Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực quân sự của nước này”.

Đây cũng là một trong bảy trường đại học hàng đầu của Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa trong lĩnh vực quân sự và công nghiệp quốc phòng, mà một báo cáo do Viện Chính sách Chiến lược Úc biên soạn công bố năm 2019 đã gọi là “Bảy người con của Quốc phòng”.

Theo báo cáo, hơn 40% sinh viên tốt nghiệp tại NWPU trong năm 2017 và năm 2018 công tác trong hệ thống quốc phòng. 

Trong cơ sở dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp, NWPU được đánh giá là “rủi ro rất cao đối với các mối quan hệ quốc phòng của Mỹ", đồng thời cũng nằm trong “danh sách đen” xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ.

Người đứng đầu dự án robot này là ông Pan Guang - hiệu trưởng Trường Khoa học và Công nghệ Hàng hải của NWPU và là một chuyên gia về cơ học ngư lôi.

Phục vụ mục đích quân sự?

Theo chuyên gia Sharkey, robot cá đuối của Trung Quốc “chắc chắn có thể được sử dụng để khảo sát những gì đang xảy ra ở vùng biển xung quanh nó và có thể ở trên nó và thu thập thông tin tình báo”.

Trong khi đó, ông Vuving cho hay: "Với khả năng của robot, nó có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, và thậm chí cả mục đích phá hoại".

Theo BenarNews, việc mô phỏng sinh học, hoặc áp dụng việc nghiên cứu về các hệ thống tự nhiên và người máy để thiết kế các phương tiện mới, đang là một xu hướng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. 

Loài cá đuối, vì đặc điểm tự nhiên của nó, đã trở thành đối tượng được mô phỏng trong một số dự án như chương trình Manta Ray của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA), hay Raydrive của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và MantaDroid của các nhà khoa học Singapore.

DARPA đã chi khoảng 12,3 triệu USD vào chương trình này trong khi chương trình Raydrive của Anh, mục đích là do thám tàu chiến và tàu ngầm, đang được phát triển với kinh phí 135.000 USD, tờ Times of London hồi tháng 7 đưa tin.

Tân Hoa xã đưa tin thiết bị cá đuối này đã được sử dụng để quan sát môi trường đại dương tại một rạn san hô lớn ở Hoàng Sa.

Theo BenarNews, khả năng trinh sát tàng hình dưới nước sẽ là một trong những mối quan tâm lớn đối với các quốc gia có tranh chấp tại khu vực.

Trong khi đó, một mối quan tâm khác cũng được các chuyên gia về AI và robot nêu ra là việc trang bị các thiết bị không người lái với các hệ thống vũ khí tự động.

Tuy nhiên, chuyên gia Sharkey nhận định "thiết bị cá đuối" của Trung Quốc vẫn chưa đạt đến giai đoạn đó.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ điều nhóm tàu sân bay tiến vào Biển Đông

Mỹ vừa điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đến Biển Đông. Đây là lần thứ hai trong năm nay nhóm tàu này đi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN