Căng thẳng vụ Trung Quốc bắt công dân Nhật

Quan hệ Trung - Nhật đứng trước thách thức sau khi chính quyền Bắc Kinh bắt một công dân Nhật với cáo buộc hoạt động gián điệp.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno ngày 27-3 cho biết Đại sứ quán Nhật tại Trung Quốc (TQ) đã được phía TQ thông báo rằng một công dân nam ngoài 50 tuổi của nước này đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh hồi đầu tháng 3 với cáo buộc vi phạm luật pháp TQ, theo hãng tin Kyodo News. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật đang ở trong giai đoạn khá căng thẳng.

Công dân Nhật bị cáo buộc làm gián điệp

Hiện Tokyo chưa lên tiếng xác nhận danh tính và tội danh bị cáo buộc của công dân Nhật bị phía TQ bắt. Astellas Pharma - một công ty dược phẩm của Nhật thừa nhận người bị giam giữ ở Bắc Kinh là nhân viên của công ty này, song từ chối tiết lộ tên, chức vụ và liệu người này có đang làm việc tại TQ hay không. Một nguồn tin nội bộ từ công ty này tiết lộ công dân trong vụ việc bị bắt giữ ngay trước khi ông này lên kế hoạch trở về Nhật vào cuối tháng 3. Công ty này cho biết họ đang chờ thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật.

Theo The Japan Times, nhiều đại diện doanh nghiệp Nhật cảm thấy sốc sau vụ công dân Nhật bị bắt ở TQ. Nhiều nhà đầu tư Nhật đang bắt đầu lo ngại về những rủi ro khi kinh doanh tại TQ.

Ông Matsuno cho biết hiện chính quyền Tokyo đã yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho công dân Nhật “càng sớm càng tốt”. Nhật cũng yêu cầu TQ cho phép người đàn ông này tiếp cận các quan chức ngoại giao Nhật. Ông cũng cho biết đang hỗ trợ hết sức có thể cho người bị bắt, bao gồm việc liên lạc với các bên liên quan.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh cho biết công dân Nhật bị bắt là do bị nghi ngờ có dính líu đến “hoạt động do thám” vi phạm Luật Hình sự và Luật Chống gián điệp TQ.

“Tất cả người nước ngoài đến thăm và sống ở TQ, phải tuân thủ luật pháp TQ những người vi phạm pháp luật và phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - bà Mao tuyên bố.

Bà Mao nhấn mạnh rằng Nhật “cần phải làm nhiều hơn nữa” để công dân nước mình không tham gia các hoạt động như trên, “giáo dục” công dân tốt hơn về vấn đề này vì những vụ việc tương tự đã xảy ra trong những năm gần đây.

Bên ngoài Đại sứ quán Nhật tại Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh ngày 27-3. Ảnh: AP

Bên ngoài Đại sứ quán Nhật tại Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh ngày 27-3. Ảnh: AP

Trung Quốc - Nhật liên tục căng thẳng

Trước vụ TQ bắt giữ công dân Nhật, hai nước đã chạm mặt trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương đầu tháng 3 có bài phát biểu cảnh báo Tokyo không nên tham gia vào chiến lược kiềm chế TQ do Mỹ dẫn đầu.

“Nếu một số người từ phía Nhật chọn cách tiếp cận láng giềng không lành mạnh thay vì quan hệ đối tác thân thiện và tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh mới để kiềm chế TQ thì quan hệ song phương sẽ chỉ chịu thêm những vết thương mới khi những vết thương cũ chưa được hàn gắn” - ông Tần cảnh báo.

Khi được hỏi về mối quan hệ của TQ với Nhật, ông Tần đã đề cập đến các vấn đề lịch sử, nói rằng: “Những đau khổ to lớn do quân đội Nhật gây ra cho đất nước TQ vẫn còn đau đớn cho đến ngày nay. Người dân TQ sẽ không quên điều này và phía Nhật cũng không được quên”.

Về phía Nhật, tờ The Japan Times tuần trước cho biết Viện Khoa học vũ trụ và du hành vũ trụ Nhật đã đặt ra các tiêu chuẩn mới để tiếp nhận các nhà nghiên cứu và sinh viên nước ngoài. Theo đó, cơ quan này miễn tiếp nhận các nghiên cứu sinh đến từ các nước TQ, Nga cùng một số nước khác với lý do bảo vệ thông tin công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 19-3, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã công bố kế hoạch đầu tư kinh tế - an ninh cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mức đầu tư khủng. Tokyo cam kết hỗ trợ tổng cộng 75 tỉ USD đến năm 2030 cho khu vực thông qua đầu tư tư nhân và các khoản vay bằng yen, đồng thời tăng cường viện trợ qua kênh hỗ trợ và trợ cấp chính thức của chính phủ. Động thái này được đánh giá nhằm tăng cường hợp tác trước các hoạt động của TQ ở đây.

Trong thời gian này, Nhật cũng đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với nhiều bên, như các thỏa thuận tiếp cận đối ứng, tương hỗ với quân đội của Úc, Ấn Độ… và các hoạt động tuần tra chung cùng hải quân Mỹ, Philippines. Thậm chí, Tokyo còn xúc tiến dự định xuất khẩu vũ khí cho một số nước trong khu vực. Nhật cũng mới chuyển nhiều phương tiện quân sự, bao gồm cả phương tiện được sử dụng để phóng tên lửa, đến doanh trại mới trên đảo Ishigaki. Đây là đảo nằm cách quần đảo tranh chấp giữa Nhật và TQ (Senkaku/Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông khoảng 170 km.

Từng có nhiều tiền lệ công dân Nhật bị bắt ở Trung Quốc

Trước vụ giam giữ lần này, một nhà ngoại giao Nhật cũng từng bị bắt giữ ở TQ vào tháng 2-2022 vì bị cáo buộc thu thập thông tin trái phép. Người đàn ông này đã bị tạm giữ để thẩm vấn và được thả vài giờ sau đó, khiến Tokyo phải gửi công hàm phản đối chính thức lên Bắc Kinh về vụ việc thông qua các kênh ngoại giao.

Năm 2019, một giáo sư ĐH Hokkaido (Nhật) chuyên về lịch sử TQ hiện đại đã bị bắt trong chuyến đi tới Bắc Kinh vì bị nghi ngờ làm gián điệp. Bộ Ngoại giao TQ nói ông này thú nhận đã thu thập trái phép bí mật nhà nước. Hai năm trước đó, sáu công dân Nhật cũng bị giam giữ vì “các hoạt động bất hợp pháp”, bốn người sau đó được trả tự do.

Trước khi có Luật Chống gián điệp TQ hiện hành, năm 2010, bốn công dân Nhật ở TQ đã bị bắt và bị điều tra cáo buộc xâm nhập khu vực quân sự trái phép và quay cảnh các mục tiêu quân sự.

Hiện tại vẫn còn năm công dân Nhật bị giam giữ tại TQ, theo Bộ Ngoại giao Nhật.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhật yêu cầu Trung Quốc thả người, Bắc Kinh đề nghị Tokyo 'giáo dục' công dân

Nhật kêu gọi Trung Quốc sớm trả tự do cho một công dân nước này bị bắt ở Bắc Kinh vì nghi ngờ tham gia hoạt động gián điệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN