Các vị hoàng đế Trung Quốc đón giao thừa tại Tử Cấm Thành như thế nào?

Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Xuân Tiết là lễ hội truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc. Trong hơn 4.000 năm lịch sử, không chỉ dân thường mà cả Hoàng tộc đều rất coi trọng và chuẩn bị kĩ càng để đón những ngày đầu năm mới.

Dưới triều nhà Thanh, các vị Hoàng đế cũng đã tổ chức những sự kiện mừng Tết Nguyên Đán hoành tráng và đặc sắc. Nhiều phong tục quen thuộc ở thời kỳ này cũng được gìn giữ và truyền lại cho đến tận ngày nay.

Tử Cấm Thành.

Tử Cấm Thành.

Trang phục

Vào đêm giao thừa, Hoàng đế sẽ mặc một chiếc áo long bào màu vàng tươi được khâu bằng chỉ vàng, có thêu hình rồng và 12 đồ trang trí, một chiếc áo khoác lông thú, đội vương miện trên đầu và chuỗi hạt trên ngực. Toàn bộ trang phục có màu sắc tươi sáng tượng trưng cho điềm lành và một quốc gia thịnh vượng.

Khai bút đầu xuân

Vào thời khắc Giao thừa, cũng là lúc bước sang ngày đầu tiên của năm mới, các Hoàng đế nhà Thanh sẽ đi dọc sảnh đường trong Dưỡng Tâm điện, thắp nến ngọc và đổ rượu vào chén vàng, sau đó sẽ nắn nót viết những lời chúc tốt lành cho năm mới.

Chữ "Phúc" khai bút đầu xuân của vua Càn Long.

Chữ "Phúc" khai bút đầu xuân của vua Càn Long.

Vì là khai bút đầu xuân nên Hoàng đế không viết quá nhiều, chủ yếu là những câu chữ cầu mùa màng bội thu, quốc thái dân an, giang sơn vững bền.

Những bức khai bút Nguyên Đán mang theo tâm nguyện của nhà vua sau khi viết xong sẽ được cất kín, không cho phép bất cứ ai xâm phạm.

Hiện nay, những bản ngự bút khai xuân của Càn Long, Gia Khánh vẫn còn được gìn giữ tương đối hoàn chỉnh.

Hoàng đế phát lì xì

Ở thời nhà Thanh, các vị vua cũng có tục lệ lì xì cho các hoàng thân, con cháu Bát Kỳ và cận thần trong dịp tết. Nhưng vào thời điểm đó, bao lì xì hay còn được người Trung Quốc ngày nay gọi là "hồng bao" được biết đến với cái tên khác là "hà bao" - những túi gấm người ta thường trao nhau như trong phim truyền hình cổ trang để đựng tiền vàng.

"Hà bao" dùng để lì xì ngày xưa

"Hà bao" dùng để lì xì ngày xưa

Tiệc tất niên

Dưới thời nhà Thanh, các Hoàng đế phần lớn thường dùng ngự thiện một mình. Nhưng tới buổi tối giao thừa hằng năm, nhà vua và hậu cung sẽ cùng nhau ăn một bữa cơm đoàn viên.

Gia yến của Hoàng tộc Thanh triều chủ yếu được tổ chức tại Càn Thanh Cung. Bữa tiệc đoàn viên cuối năm này do Kính Sự Phòng trong hậu cung tổ chức.

Hoàng thượng và Hoàng hậu sẽ được ngồi ở bàn tiệc phía trên. Hoàng đế sẽ ngồi bàn kim long đại yến, hai bên bàn tiệc bày bình hoa. Còn bàn của Hoàng hậu thì ngồi phía bên tay trái phía trước nhà vua.

Các cung phi có vị trí thấp hơn sẽ được sắp xếp ngồi ở hai dãy bàn phía dưới. Vị trí ngồi cũng được an bài cẩn thận dựa trên cấp bậc của chủ nhân.

Bữa tiệc đoàn viên của Hoàng đế Thanh triều cùng hậu cung có khoảng trên dưới 40 món, chưa kể tới hoa quả, thức uống và các loại điểm tâm.

Bữa tiệc giao thừa của vua nhà Thanh cùng với các phi tần.

Bữa tiệc giao thừa của vua nhà Thanh cùng với các phi tần.

Ăn chay

Nói tới phong tục đón xuân ở Trung Hoa, ta không thể bỏ qua món ăn truyền thống vào dịp Tết đã được lưu truyền nhiều đời của người dân nước này – sủi cảo.

Vậy nhưng, món sủi cảo trên bàn tiệc ngày Tết của hoàng tộc nhà Thanh lại không làm từ sơn hào hải vị như nhiều người vẫn nghĩ, mà lại là loại sủi cảo có nhân chay, trong cung gọi là món "Bột Bột".

Vào những ngày đầu năm, Hoàng đế muốn tỏ lòng thành với Phật nên ăn sủi cảo chay để tránh sát sinh, đồng thời mong muốn màu trắng thanh khiết của món ăn này có thể đem lại một năm mới an lạc, thái bình, thịnh trị.

Đến cuối nhà Thanh, hoàng đế Quang Tự đã thay đổi địa điểm dùng ngự thiện sang Dưỡng Tâm điện và món bánh bao cũng dần trở nên đa dạng với nhiều loại nhân thịt khác nhau. Từ Hi Thái hậu sẽ mời vợ của các hoàng tử và công chúa đến hoàng cung để cùng nhau làm bánh bao vào đêm giao thừa và cùng ngồi thưởng thức bánh bao vào sáng sớm ngày đầu năm mới.

Treo câu đối

Treo câu đối đỏ và cặp tranh Tết trước cửa vốn là truyền thống dân gian lâu đời trong ngày Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc làm này trong Tử Cấm Thành đòi hỏi số lượng lớn nhân lực bởi quy mô đồ sộ của các cung điện.

Tử Cấm Thành ngày Tết.

Tử Cấm Thành ngày Tết.

Những câu đối trong cung đình chủ yếu được viết bởi các thành viên của Học viện Hoàng gia, những người là học giả về thư pháp. Tuy nhiên, vì có nhiều điều cấm kỵ khi viết câu đối xuân nên họ không thể thể hiện hết tài năng của mình.

Khác với các gia đình dân thường, câu đối xuân trong cung đình được viết trên lụa trắng dùng mực, sau đó đóng khung và treo trên cột đỉnh màu đỏ tươi của cung điện. Do đó, độ tương phản màu sắc đã được tăng cường để làm cho các câu đối mùa xuân rõ ràng hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Tử Cấm Thành có gần 200 ”ngự miêu”, nhưng ít ai nhìn thấy chúng?

Bên cạnh những cung điện nguy nga đậm chất hoài cổ và lịch sử, trong nhiều bức ảnh về Tử Cấm Thành, tức Cố Cung, du khách cũng có thể thấy một cảnh tượng khá độc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mộc Miên (T/h) ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN