Biết gì về tổ chức Ukraine chuyên đứng sau các cuộc tấn công mạo hiểm trong xung đột với Nga?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) nổi lên từ cuộc Cách mạng Maidan năm 2014, trở thành cơ quan chuyên đào tạo đặc nhiệm tinh nhuệ, được cho là đứng sau các vụ tấn công và phá hoại tối mật trong cuộc xung đột với Nga.

Các thành viên lực lượng chiến đấu của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine.

Các thành viên lực lượng chiến đấu của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine.

Ngày 11/9/2024, GUR huy động một lượng lớn đặc nhiệm thực hiện cuộc tấn công nhằm chiếm giàn khoan Krym-2 ở Biển Đen. Tuy nhiên, quân đội Nga đã sớm phát hiện dấu hiệu cuộc tấn công, tổ chức đón lõng, hạ 80 đặc nhiệm Ukraine và đánh chìm 8 trong số 14 xuồng cao tốc, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết. Vụ tấn công một lần nữa đưa GUR trở thành tâm điểm chú ý. 

Tổ chức chuyên đào tạo đặc nhiệm tinh nhuệ này từng nhiều lần thực hiện các cuộc tấn công bí mật nhằm vào các mục tiêu của Nga. Hãy cùng khám phá đôi nét xung quanh quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức và vai trò của GUR trong xung đột Nga - Ukraine.

Quá trình thành lập và vai trò của GUR

Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR), đảm nhiệm việc giám sát và điều hành các hoạt động tình báo quân sự trên toàn quốc.

Sau khi tách khỏi Liên Xô vào năm 1991, Ukraine nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc thành lập một lực lượng tình báo riêng. Nhiều sĩ quan tình báo Ukraine từng phục vụ trong quân đội Liên Xô đã quay trở về nước và giúp xây dựng nền móng cho GUR.

Phương châm “Người thông minh sẽ thống trị các vì sao” phản ánh tinh thần và quyết tâm của hàng ngàn sĩ quan tình báo GUR. Cơ quan không chỉ tập trung vào việc phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự.Trong suốt những năm 1990, quá trình thành lập GUR gặp phải nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức. Đến năm 1993, việc hợp nhất các bộ phận tình báo khác nhau mới được hoàn thành, tạo nên một hệ thống tập trung và hiệu quả hơn.

Đến năm 1994, tên gọi GUR chính thức được đưa vào sử dụng, đánh dấu sự khởi đầu của một hệ thống tình báo đa tầng, bao gồm cả các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ.Năm 2010, dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych – người được coi là có tư tưởng thân Nga, vai trò và cấu trúc hoạt động của GUR bị suy giảm đáng kể. Kể từ năm 2014, sau cuộc Cách mạng Maidan lật đổ ông Yanukovych, GUR dần khôi phục ảnh hưởng sâu rộng.

Cấu trúc của GUR ra sao?

Cấu trúc nội bộ của GUR hầu hết đã được ẩn khỏi các nguồn công khai để bảo vệ an ninh hoạt động của tổ chức, nhất là trong bối cảnh xung đột với Nga.

Biểu tượng được Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) sử dụng từ năm 2016.

Biểu tượng được Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) sử dụng từ năm 2016.

Tuy nhiên, có thông tin GUR bao gồm 5 cục chính và 5 phòng ban. Các cục chính bao gồm Cục Tình báo Chiến lược, Cục Hỗ trợ Tình báo cho Bộ Tổng tham mưu, Cục Hỗ trợ Thông tin, Cục Chính sách Nhân sự và Cục Hậu cần. Các phòng ban bao gồm Phòng An ninh Nội bộ, Phòng Kế hoạch, Phòng Tự động hóa và Truyền thông, Phòng Kinh tế và Tài chính, và Phòng Bảo vệ Bí mật Quốc gia​.

Bên cạnh đó, GUR cũng quản lý nhiều đơn vị quân sự đặc biệt, trong đó có các lực lượng đặc nhiệm như Đơn vị Tình báo Đặc biệt số 4 và các trung tâm tình báo điện tử phía Nam và phía Tây Ukraine. Các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập và phân tích thông tin từ các nguồn khác nhau, giúp Ukraine phản ứng kịp thời trước các mối đe dọa.

Đáng chú ý là có một số đơn vị quân đội chính quy trực thuộc Lực lượng Vũ trang và Vệ binh Quốc gia Ukraine nhưng lại báo cáo trực tiếp các hoạt động cho GUR.

Quá trình đào tạo và trang bị của GUR ra sao?

Trong xung đột Nga – Ukraine, GUR là cơ quan chuyên đào tạo các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất, thực hiện các chiến dịch bí mật ở tiền tuyến và trong lãnh thổ Nga.

Hoạt động đào tạo các thành viên của GUR không được công bố rộng rãi. Từ năm 2020, lực lượng này đã chuẩn hóa các hoạt động theo tiêu chuẩn NATO. Tiêu chuẩn này cũng mở rộng tới quá trình tuyển chọn và đào tạo thành viên đặc nhiệm.Đặc nhiệm GUR cũng tham gia nhiều khóa huấn luyện quốc tế với các quốc gia khác, đặc biệt là với Mỹ. Báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đặc nhiệm GUR đã tham dự nhiều khóa đào tạo tại các học viện quân sự danh tiếng và tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện của lính thủy đánh bộ Mỹ.Về trang bị, GUR đã nhận được những nâng cấp đáng kể. Từ năm 2016, lực lượng này đã chuyển từ việc sử dụng vũ khí cũ của Liên Xô sang các loại vũ khí phương Tây như súng trường M4 và tên lửa chống tăng Javelin.

Nguồn tài trợ của Mỹ cho cuộc xung đột Nga – Ukraine giúp GUR hiện đại hóa triệt để. GUR còn nhận được sự phê duyệt riêng từ Bộ Ngoại giao Mỹ để mua một số công nghệ tác chiến tiên tiến mà ngay cả các đồng minh Mỹ có thể chưa được chuyển giao.

Đặc nhiệm GUR thường hoạt động vào ban đêm. Họ được trang bị kính nhìn đêm chuyên dụng như PVS-31 và GPNVG-18. GUR cũng được cung cấp module laser PEQ-15 và PEQ-15A gắn cho súng trường phương Tây, cho phép hạ gục mục tiêu chính xác vào ban đêm mà đối phương không hề nhìn thấy.

Đây được coi là điểm mạnh của GUR so với hầu hết các lực lượng chiến đấu khác của Nga.

Vai trò của GUR trong xung đột ở Ukraine

Lãnh đạo Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine hiện nay là trung tướng Kyrylo Budanov. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine hiện nay là trung tướng Kyrylo Budanov. Ảnh: Reuters.

Năm 2016, GUR đã thay đổi biểu tượng của cơ quan này. Biểu tượng mới mô tả hình tượng con cú đâm kiếm vào lãnh thổ Nga.

Dưới đây là một số nhiệm vụ bí mật được các đặc nhiệm GUR thực hiện trong cuộc xung đột ở Ukraine:

+ Hai vụ đánh bom cầu Crimea: Ukraine từng thực hiện 2 vụ đánh bom cầu Crimea vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023. Hai vụ đánh bom đã gây hư hại đáng kể cho cầu Crimea nhưng Nga đã nhanh chóng sửa chữa, nối lại hoạt động cây cầu chỉ sau vài tháng. Nhiều tháng sau các vụ đánh bom, GUR mới chính thức thừa nhận vai trò liên quan.

 + Tấn công sân bay quân sự Engels: Sân bay quân sự Engels nằm sâu trong lãnh thổ Nga và là căn cứ cho các máy bay ném bom chiến lược của Nga. Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do GUR thực hiện vào tháng 2/2022 đã gây hư hại cho một số máy bay Nga. Hoạt động này mở đầu cho những cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine trong lãnh thổ Nga sau này.

+ Tấn công các cơ sở hậu cần của Nga ở Sevastopol: Tháng 9/2023, GUR đã tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn bằng xuồng tự sát không người lái nhằm vào các cơ sở hậu cần của Hạm đội Biển Đen Nga tại Sevastopol, bán đảo Crimea.

Các cuộc tấn công tương tự diễn ra sau này đã làm suy giảm đáng kể hoạt động hải quân của Nga ở Biển Đen.

+ Các cuộc đổ bộ bán đảo Crimea: Dưới sự chỉ đạo của trung tướng Kyrylo Budanov, GUR từng nhiều lần huy động đặc nhiệm tinh nhuệ đổ bộ bán đảo Crimea nhằm thể hiện Kiev vẫn duy trì sự hiện diện ở bán đảo. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc đổ bộ thất bại vào tháng 10/2023, hoạt động này gần như đã bị ngừng lại.

+ Chiếm lại giàn khoan ở Biển Đen: Tháng 9/2023, GUR tuyên bố các đặc nhiệm của cơ quan này đã tái kiểm soát giàn khoan có tên gọi "Tháp Boiko" trong một "chiến dịch đặc biệt”.

"Đối với Ukraine, việc giành lại quyền kiểm soát Tháp Boiko có tầm quan trọng chiến lược, khiến Nga mất khả năng sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Nga đã mất khả năng kiểm soát hoàn toàn Biển Đen”, GUR tuyên bố.

Nguồn: [Link nguồn]

Giao tranh giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu nóng trở lại ở Biển Đen sau khi hai bên có cuộc đụng độ ác liệt trong ngày 11/9.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN