Bia Bỉ được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
“Không có gì sánh bằng bia Bỉ ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, theo một bộ trưởng văn hóa Bỉ.
Unesco vừa thêm bia Bỉ vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại
Sắp tới, nếu bạn có thời gian uống một chai bia của Bỉ, hãy nhớ rằng bạn không chỉ uống bia, mà còn đang trải nghiệm văn hóa.
Unesco vừa thêm bia Bỉ vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại, theo Guardian.
Bia Bỉ nổi tiếng khắp thế giới vì sự đa dạng trong mùi vị, từ rất chua đến rất đắng. Chúng cũng được ủ tại nhiều thành phố, thị trấn và ngôi làng trên khắp các quốc gia Tây Âu với dân số khoảng 11 triệu người.
Lịch sử của bia Bỉ trải dài từ nhiều thế kỷ trước, xuất hiện trong vô số bài hát, thậm chí cả những bức tranh của hoạ sĩ Pieter Brueghel.
Bia Bỉ nổi tiếng khắp thế giới vì sự đa dạng trong mùi vị, từ rất chua đến rất đắng
Người đứng đầu thủ đô Brussels của Bỉ, ông Rudi Vervoort, cho biết hôm thứ 2 đầu tuần rằng “bia đã trở thành một phần trong xã hội của chúng tôi từ thời xa xưa”.
Tại một thời điểm khi nhiều quán rượu đóng cửa hay gặp khó khăn vì lượng tiêu thụ bia sụt giảm, sự công nhận quốc tế này có thể là một tín hiệu vui cho ngành công nghiệp bia Bỉ.
Sven Gatz, người từng đứng đầu Hiệp hội Sản xuất bia Bỉ và sau đó trở thành bộ trưởng văn hóa khu vực phía bắc Flanders, gọi việc được Unesco công nhận giống như chiến thắng World Cup.
"Chúng tôi yêu bia và đánh giá cao sự đa dạng vô tận của bia. Không có gì sánh bằng bia Bỉ ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới", Gatz nói. "Tại Bỉ, bia không hề thua kém rượu vang hay những đồ uống khác nếu xét về chất lượng và sự đa dạng".
Unesco cho biết bia không chỉ đơn thuần là một đồ uống có cồn. "Bia cũng được nhiều cộng đồng sử dụng để nấu ăn, dùng để sản xuất nhiều món khác như pho mát, hoặc dùng trực tiếp cùng thực phẩm”, theo Unesco.