Bầu cử Tổng thống Pháp: Màn “tái đấu” giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Nacron và đối thủ sau 5 năm

Sự kiện: Tin tức Pháp

Ngày 10-4, cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống nước này với hai ứng viên nổi bật nhất là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Ông Emmanuel Macron một lần nữa cùng với đối thủ của mình cách đây 5 năm cần đua tranh trong kỳ bầu cử năm nay nhằm thuyết phục cử tri Pháp. Liệu lịch sử có lặp lại để vị Tổng thống trẻ nhất nước Pháp này tiếp tục dẫn dắt đất nước?

Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen là gương mặt nổi bật nhất trong số 12 ứng cử viên

Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen là gương mặt nổi bật nhất trong số 12 ứng cử viên

Trước đó, các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở ngoài khơi bờ biển Canada gồm Saint Pierre và Miquelon, các vùng lãnh thổ ở Caribe và các vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương đã đi bỏ phiếu trong ngày 9-4 do chênh lệch múi giờ. Ở vòng bỏ phiếu này, khoảng 48 triệu cử tri Pháp sẽ chọn ra hai người có số phiếu cao nhất trong số 12 ứng cử viên để tranh cử tại vòng đấu trực tiếp diễn ra sau đó hai tuần, được dự báo là “màn tái đấu” giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu Marine Le Pen - đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm.

Dù ông Macron vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử nhưng bà Le Pen đang ngày càng rút ngắn khoảng cách. Một khảo sát công bố ngày 8-4 cho thấy bà Le Pen nhận được 49% số phiếu ủng hộ, mức cao nhất từ trước tới nay. Hai người chiến thắng ở vòng một sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 24-4. Nếu ông Macron và bà Le Pen lọt vào vòng bỏ phiếu thứ hai, các nhà phân tích dự đoán cuộc đua giữa họ sẽ gay cấn hơn nhiều năm 2017, khi Tổng thống đương nhiệm đánh bại đối thủ với 66% phiếu bầu. Ứng viên cánh tả Jean-Luc Melenchon đang bám sát ở vị trí thứ ba và vẫn nuôi hy vọng lọt vào vòng hai, trong tình huống bà Le Pen hay Tổng thống Macron bị loại.

Trả lời phỏng vấn báo giới trước khi các chiến dịch vận động tranh cử khép lại vào ngày 8-4, Tổng thống Macron cho biết Chính phủ Pháp thời gian qua đã bắt đầu triển khai các nỗ lực nhằm giải quyết tận gốc vấn đề bất bình đẳng xã hội nhưng để gặt hái thành công thì còn một chặng đường dài. Ông Macron cũng cam kết sẽ tăng cường các nỗ lực chống biến đổi khí hậu nếu tiếp tục lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của bà Le Pen tập trung làm mới hình ảnh của bà và các cam kết cải thiện sức mua, giảm thuế, tăng phúc lợi xã hội.

Các nhà phân tích lo ngại số cử tri không tham gia vòng bỏ phiếu thứ nhất năm nay sẽ vượt kỷ lục 28,4% năm 2002, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu từ xa 22,2% năm 2017 gần như chắc chắn sẽ bị vượt qua. Khoảng 48,7 triệu cử tri trong tổng dân số gần 67,4 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu trên khắp nước Pháp. Khả năng chiến thắng rất cao dành cho ông Macron, người đã lên nắm quyền ở tuổi 39 và trở thành Tổng thống trẻ nhất nước Pháp. Nếu tái đắc cử, ông sẽ là Tổng thống Pháp đầu tiên kể từ năm 2002 giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai, sau ông Jacques Chirac. Trong khi đó, trường hợp bà Le Pen đắc cử sẽ được coi là chiến thắng cho chủ nghĩa dân túy cánh hữu và gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu cũng như các thị trường.

Năm 2017, ông Emmanuel Macron đánh bại bà Marine Le Pen với tỷ lệ 66 - 34% số phiếu. Trong cuộc bầu cử năm nay, nếu như bà Le Pen có thể vào tới vòng 2, khảo sát cho thấy ông Macron vẫn có thể giành chiến thắng với tỷ lệ 53 - 47%. Các kênh truyền hình Pháp sẽ phát dự đoán kết quả cuối cùng, nhìn chung có độ chính xác cao, ngay sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc lúc 20h (1h ngày 11-4 theo giờ Việt Nam).

Nguồn: [Link nguồn]

Bầu cử tổng thống Pháp: Ông Macron đối mặt với đối thủ mạnh lên bất ngờ

Ngày 10/4, cử tri Pháp tham gia vòng đầu tiên trong đợt bầu cử tổng thống mới. Ứng viên cựu hữu Marine Le Pen đang tạo ra nguy cơ bất ngờ đối với hy vọng tái đắc cử của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Nguyên (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN