Nhà ga sân bay đầu tiên trên thế giới lấy tên chính trị gia đồng tính Harvey Milk

Nhà ga Harvey Milk – Nhà ga sân bay đầu tiên được đặt tên để vinh danh một thành viên của cộng đồng LGBT đã chính thức đi vào hoạt động sau nhiều năm tu sửa.

Sân bay quốc tế San Francisco (SFO) vừa qua đã hoàn thành tu sửa Nhà ga số 1 và chính thức cho đi vào hoạt động từ ngày 23/07/2019. Điều đặc biệt là nhà ga này được đặt tên theo Harvey Milk - chính trị gia đầu tiên công khai đồng tính. Đây được xem là một sự kiện vô cùng đặc biệt đối với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).

San Francisco từ lâu đã có một lịch sử luôn thân thiện và cởi mở đối với người đồng tính. Trong thập niên 1970, San Francisco được xem là trung tâm phát động phong trào ủng hộ dân quyền của người đồng tính. Dân số người đồng tính đông đảo của thành phố đã tạo ra và giữ vững một cộng đồng hoạt động văn hóa và chính trị trong nhiều thập niên.

Harvey Milk là một nhà chính trị người Mỹ, người đồng tính công khai đầu tiên được bầu vào cơ quan chính quyền ở California. Việc một người đồng tính như Harvey Milk được bầu chọn vào Quốc hội Mỹ vào những năm 1970 của thế kỷ trước được xem là một bước tiến lớn trong xã hội Mỹ, chẳng khác gì sự kiện một người da màu như Barack Obama đắc cử chức tổng thống Mỹ tại thời điểm năm 2008.

Chân dung nhà chính trị người Mỹ Harvey Milk - người đồng tính công khai đầu tiên được bầu vào cơ quan chính quyền ở California

Chân dung nhà chính trị người Mỹ Harvey Milk - người đồng tính công khai đầu tiên được bầu vào cơ quan chính quyền ở California

Vào ngày 27/11/1978, Harvey Milk và thị trưởng George Moscone bị ám sát bởi Dan White, một cựu Ủy viên Hội đồng đã từ chức. Chín ngày trước khi qua đời, Harvey Milk đã thu một đoạn ghi âm với mục đích ‘sẽ chỉ được phát trong trường hợp ông bị ám sát: “Sự đắc cử của tôi đã cho người khác – dù chỉ một người - hy vọng. Đó chính là tất cả những gì mà sự đắc cử này của tôi mang lại. Không phải vì lợi ích cá nhân. Không phải vì cái tôi. Cũng không phải vì quyền lực. Mà đó là để cho những người trẻ tuổi ngoài kia... hy vọng. Chúng ta phải cho họ hy vọng”.

Mặc dù khoảng thời gian đương nhiệm chỉ 11 tháng, nhưng Harvey Milk đã giúp xóa bỏ một phần những rào cản vô hình đối với người đồng tính, trở thành một biểu tượng vĩ đại ở San Francisco và được xem là người "tử vì đạo" trong cộng đồng đồng tính.

Sự kiện sân bay quốc tế San Francisco (SFO) lấy tên Harvey Milk để đặt cho một nhà ga thuộc SFO đã được xem như một lời xác nhận cho cam kết của sân bay này về sự thúc đẩy San Francisco trở thành điểm kinh doanh và du lịch dành cho cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới.

“Nhà ga Harvey Milk đặt ra một chuẩn mực trải nghiệm sân bay hoàn toàn mới, đây cũng được xem như một sự tôn vinh về cuộc đời và thành tựu của Harvey Milk - một nhà lãnh đạo tiên phong vì dân quyền. Tôi hy vọng du khách trên khắp thế giới được truyền cảm hứng từ câu chuyện của Harvey Milk khi đến với nhà ga tại SFO mang tên ông”, Giám đốc sân bay SFO - Ivar C. Satero tuyên bố.

Hình ảnh khu triển lãm “Harvey Milk: Sứ giả Hy vọng” dài gần 120 mét tại Nhà ga Harvey Milk, SFO

Hình ảnh khu triển lãm “Harvey Milk: Sứ giả Hy vọng” dài gần 120 mét tại Nhà ga Harvey Milk, SFO

Tâm điểm tại Nhà ga Harvey Milk của SFO đó chính là khu vực triển lãm “Harvey Milk: Sứ giả Hy vọng” (Harvey Milk: Messenger of Hope). Trải dài gần 120 mét, khu vực triển lãm bao gồm 100 hình ảnh vô cùng chân thật về Harvey Milk, cũng như các vật lưu niệm và các đồ dùng khác của ông.

"Thông qua “Harvey Milk: Sứ giả Hy vọng” nhằm tôn vinh cuộc đời và thành tựu của Harvey Milk, du khách sẽ được hiểu thêm về công việc của ông để tiếp tục duy trì sự bình đẳng và thể hiện sự ủng hộ đối với cộng đồng LGBT+. Harvey Milk chính là hiện thân của tinh thần con người San Francisco cũng như sân bay của chúng tôi. Tất cả mọi thứ đều được chào đón tại đây", Giám đốc sân bay Ivar C. Satero cho biết thêm.

Ngoài ra, với tổng số tiền đầu tư lên tới 55.815 tỷ đồng (2,4 tỷ USD), Nhà ga Harvey Milk đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho trải nghiệm du lịch đối với hành khách khi đến SFO. Những chiếc cửa kính lớn và trong suốt từ trần đến sàn cùng các cửa sổ tròn đặt trên trần nhà gọi là oculi, cho phép khuôn viên sân bay được đón những nguồn ánh sáng hoàn toàn tự nhiên vào buổi sáng và ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh sân bay lúc về đêm. Đây cũng là sân bay đầu tiên mà tất cả các nhà vệ sinh đều phi giới tính và có cả một phòng dịch vụ dành riêng cho động vật. Ngoài việc sử dụng hệ thống thang máy và lối đi di động tự cung cấp năng lượng cùng thang cuốn ‘Go Slow (Đi Chậm)’ giúp cho việc sử dụng điện năng được giảm bớt, Nhà ga Harvey Milk còn tự hào khi tuyên bố họ sở hữu hệ thống vận chuyển hành lý tiết kiệm năng lượng đầu tiên ở Hoa Kỳ.

Hình ảnh Nhà Ga Harvey Milk khi hoàn thành vào năm 2022

Hình ảnh Nhà Ga Harvey Milk khi hoàn thành vào năm 2022

Dự đoán đến cuối năm 2022, khi Nhà ga Harvey Milk chính thức hoàn thành tu sửa giai đoạn cuối, quy mô của nó sẽ còn vượt qua cả Nhà ga số 2 và 3 của Sân bay Quốc tế San Francisco.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN