Xóm Hà Nội ở Đà thành

Ở Đà Nẵng, khu vực Công viên 29/3 và siêu thị Bài Thơ, từ sáng đến tối có hơn 50 người mưu sinh với nhiều nghề khác nhau. Cứ nghĩ họ là dân tứ xứ tụ họp về đây, thế nhưng hóa ra họ là người Hà Nội gốc...

Họ đến Đà Nẵng bán hàng rong, từ các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Từ Liêm, Ứng Hòa của Hà Nội. Họ tập trung ở trọ thành hai cụm, cụm ở cuối đường Điện Biên Phủ và cụm ở Ngã ba Huế. Có người đã gắn với nhà trọ  đến 9, 10 năm.

Có thâm niên nhất trong số dân bán hàng rong ở đây phải kể đến bà Sâm (55 tuổi), chị Loan... với hơn 10 năm có mặt ở Đà thành. Bà Sâm nhà ở Đông Anh chuyên nghề bán bắp rang, xúc xích chiên... Hiện gia đình bà tụ hội 3 thế hệ sống tại Đà Nẵng. Riêng vợ chồng anh Lam (35 tuổi)- chị Liên (32 tuổi) quê ở Thanh Trì khá đặc biệt vì họ vào Đà Nẵng buôn bán, gặp nhau và kết duyên tại đây. Vợ hiện bán hoa quả còn chồng thì chuyên dán, ép các loại giấy tờ.  Cưới nhau năm 2006, vợ chồng anh chị đã có một bé gái, gửi về cho bà nội trông để  2 vợ chồng rảnh tay lo mưu sinh.

Xóm Hà Nội ở Đà thành - 1

Chị Tuyền, mới vào Đà Nẵng từ đầu năm nay nhưng được các chị em khác giúp đỡ buôn bán

Nói về việc buôn bán tại đây, chị Đặng Thị Nga  chuyên "cân đo sức khỏe" cho biết: "Chúng tôi vào đây thì thường đi theo cụm một quê hoặc anh em bà con. Mỗi người một nghề  kiếm sống, nhưng điều đặc biệt là chúng tôi tự làm tự ăn chứ không có ai đi làm thuê cho ai cả... Hỏi sao lại chọn Đà Nẵng chứ không phải nơi nào khác, bà Sâm thực thà:  "Buôn bán ở Hà Nội những người chân chất như chúng tôi không cạnh tranh nổi. Tôi cũng đã đi buôn bán vài ba nơi từ Bắc đến Nam nhưng đến với Đà Nẵng tôi cảm giác ấm cúng, sẻ chia... nên tôi quyết định gắn bó với mảnh đất này. Bây giờ cuộc sống Đà Nẵng lại vui hơn khi có những anh em cùng quê gắn bó ở đây".

Xóm Hà Nội ở Đà thành - 2

Ông Phát đã làm nghề dán giấy tờ ở ĐN gần 10 năm

Những người Hà Nội xa xứ vào Đà Nẵng mưu sinh, không phải ai cũng là anh em, song đa số họ là những người cùng làng, cùng xã, hoặc chí ít cùng huyện... nên luôn gần gũi, san sẻ, giúp đỡ nhau. Nhớ lại những ngày đầu vào Đà Nẵng kiếm sống, chị Bảy cảm động: "Ngày đó lần đầu tôi vào mảnh đất miền Trung nên rất khó nghe giọng nói. Cả ngày tôi rong ruổi cũng chỉ đủ tiền ăn bữa cơm. Không có tiền để trọ và những chi tiêu khác. Lúc đó tôi muốn về lại Hà Nội. Nhưng chị em động viên và cho tôi ở miễn phí 2 tháng tiền trọ để tôi làm quen dần.  Nếu lúc đó ai cũng tính toán chi ly thì chắc bây giờ tôi đã ở lang bạt một xứ nào đó rồi".

Anh Nguyễn Văn Tiến từ Đông Anh vào theo sự chỉ dẫn của những người bạn cùng quê, đưa cả vợ và con gái 3 tuổi vào Đà Nẵng. Vợ chồng trẻ, người bán hoa quả, người bán bóng bay tằn tiện mỗi tháng cũng được vài ba triệu đồng. Lúc đầu anh chị đưa cô con gái nhỏ đi theo mẹ bán hàng, nhưng bây giờ "xóm Hà Nội" có  hẳn người chuyên giữ trẻ nên anh chị an tâm rong ruổi. Chị Tuyền trước kia  buôn bán ở TPHCM, cả năm đi mòn đường lẫn dép nhưng mỗi lần về quê là chị lại mất tiêu cả hai, ba tháng dành dụm. Tết vừa qua về quê, nghe mấy chị em rủ vào Đà Nẵng, nghe nói có cả "xóm Hà Nội" rất đông vui, mỗi lần về quê lại nhanh, đỡ tốn kém nên chị quyết định vào Đà Nẵng...   

Mỗi người một cảnh, tuổi tác chênh nhau, nhưng những người ở "xóm Hà Nội" vẫn có nét gì rất chung, rất Tràng An. Bởi vậy, khi được hỏi vì sao những người Hà Nội như chị lại chọn Đà Nẵng để mưu sinh, chị Loan cười hiền: "An ninh, dân cư hiền lành, ứng xử văn minh... chừng  đó đủ để Đà Nẵng thu hút những người bán hàng rong gốc Hà Nội ngại va chạm, ưa yên bình như chúng tôi đến mưu sinh".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hường (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN