Áp lực nhập cư, từ góc nhìn ANTT (P.2)

Rời gia đình, được chu cấp hoặc tích trữ một khoản tiền, nhiều sinh viên, lao động trẻ nhập cư tự dưng thấy mình... “giàu có”, tiêu pha, sử dụng vô tội vạ. Thậm chí, không tự lượng sức, nhiều người lao vào những cuộc chơi vô độ, dính vào tai tệ nạn, chẳng những làm bốc hơi số tiền không nhiều ấy, mà còn mang nợ nần và áp lực trả nợ đẩy họ vào con đường vi phạm pháp luật.

Xa gia đình, gần... tai tệ nạn

Chỉ mới là sinh viên năm nhất của một trường CĐ trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng không biết từ bao giờ, Nguyễn Văn Tiến (1992, quê Quảng Trạch, Quảng Bình) đã sa vào vòng xoáy của lô, đề. Đánh nhiều nhưng thắng ít nên số tiền 1,5 triệu đồng mà gia đình gửi để lo ăn ở, việc học hằng tháng chẳng thấm vào đâu. Vậy là Tiến bắt đầu vay mượn bạn bè đánh tiếp với mong muốn để gỡ gạc. Có một thời gian dài, công việc chính hằng ngày của Tiến là suy luận hôm nay con số đẹp nào sẽ được xổ vào cuối giờ chiều và tiền đâu để “xuống xác” nên việc học sa sút hẳn. Tuy nhiên, càng chơi càng thua và đi đôi với điều đó là tài sản trong phòng trọ của Tiến cũng dần “đội nón ra đi”. Trong lúc niềm đam mê đang lên đỉnh thì Tiến gặp người đồng hương có cùng “sở thích” là Lê Thanh Hải (1989, quê Lệ Thủy, Quảng Bình) vừa tốt nghiệp cao đẳng tại Huế vào Đà Nẵng để xin việc.

Để thỏa mãn niềm đam mê, mỗi ngày Tiến - Hải bỏ ra hơn triệu đồng để chơi cả 2 đài Trung và Bắc. Tiền hết nhưng con “số đẹp” vẫn chưa “về” nên giữa tháng 12/2012, Hải quyết định đem tài sản cuối cùng còn lại của mình là chiếc xe máy Air Blade ra tiệm cầm đồ để “cắm” lấy 20 triệu đồng “nuôi” số. “Số” vẫn không chịu về, số tiền 20 triệu đồng cũng cạn. Để có tiền tiếp tục “cuộc chơi”, ngày 27/12/2012, sau khi mượn xe của một người bạn gái, Hải điều khiển xe chở Tiến rong ruổi các nẻo đường tìm người sơ hở thì cướp giật. 19 giờ 15 cùng ngày, đến đường Hải Phòng, phát hiện chị L.T.T.B. (1977, trú Q. Cẩm Lệ) điều khiển xe máy, phía trước để túi xách (bên trong có 1 triệu đồng, 1 sổ hộ khẩu, 1 CMND, 3 thẻ ATM)... nên bám theo. Khi đến đầu đường Trường Chinh, thấy vắng người, Hải cho xe áp sát để Tiến giật túi xách của chị B. rồi tăng ga phóng chạy nhưng đã không thoát khỏi vòng vây của Tổ tuần tra của lực lượng Chống cướp giật và các loại tội phạm khác thuộc Phòng CSBV & CĐ CATP Đà Nẵng.

Áp lực nhập cư, từ góc nhìn ANTT (P.2) - 1

Tang vật các vụ án được CQĐT thu giữ

Rời các làng quê nghèo tại Thanh Hóa vào Đà Nẵng mưu sinh bằng nghề đánh giày dạo, nhưng do có máu đỏ đen trong người nên Nguyễn Viết Nam (1992, quê Thiệu Hóa) và Nguyễn Đình Tùng (1992, quê Quảng Xương) đã nhanh chóng “đổi nghề” từ đánh giày sang chơi lô đề. Để có tiền thỏa mãn “cơn nghiện”, khuya 29/6/2012, Nam - Tùng qua địa bàn Q. Sơn Trà “dạo”. Trong lúc đang lang thang, Nam phát hiện có một nhà dân không đóng cửa ở tầng 2 nên bảo Tùng đứng dưới cảnh giới, còn mình trèo lên tầng hai đột nhập “bợ” chiếc điện thoại hiệu Wellcom-W920. Không dừng lại ở đó, cả hai tiếp tục đột nhập một nhà dân trên đường Trần Thanh Hải (P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà) lấy trộm chiếc laptop hiệu HP. Tuy nhiên, cả hai chưa kịp vui mừng thì bị lực lượng CA tuần tra phát hiện, bắt giữ cùng tang vật...

Sau nhiều ngày liền theo con số đẹp 68 nhưng chưa gặp khiến số tiền ít ỏi có được của Phạm Thế Vĩnh (1995, quê H. Chư Păh, Gia Lai) và Trần Thanh Huy (1993, quê H. Tiên Phước, Quảng Nam, đều là SV đang theo học tại Đà Nẵng) cũng “bay”. Đã theo thì không thể bỏ, dù chỉ một ngày vì sợ “biết đâu hôm nay nó ra” nên Vĩnh, Huy lên kế hoạch đi “ăn bay” kiếm tiền chơi tiếp. 21 giờ 30 ngày 10/10/2012, Vĩnh điều khiển xe máy chở Huy dạo phố tìm người đi đường sơ hở thì cướp giật. Đến đoạn gần Trường ĐH Kinh tế, phát hiện một thanh niên vừa điều khiển xe máy vừa cầm chiếc điện thoại, cả hai áp sát giật lấy, mang đến cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Công Trứ (Q. Sơn Trà) bán được 170.000 đồng. Tuy nhiên, khi cả hai chưa kịp “xuống xác” với con số 68 thì đã bị lực lượng CA bắt giữ.

Áp lực nhập cư, từ góc nhìn ANTT (P.2) - 2

Để thỏa mãn với niềm đam mê “đỏ đen” những đối tượng này sẵn sàng trộm cắp và cướp giật tài sản

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tháng 10/2012, Trịnh Minh Pháp (1988, quê Tịnh Bắc, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng thuê phòng trọ để theo học bằng lái ô-tô. Chưa học đến nơi đến chốn thì Pháp “dính” vào trò cá độ bóng đá, nhưng càng chơi càng thua. Để thỏa mãn “niềm đam mê”, Pháp vay mượn tiền của bạn bè và bắt đầu nợ nần. 17 giờ ngày 16-1-2013, đang không biết “đào” đâu ra tiền triệu để trả nợ cho bạn và “gỡ gạc” thì Pháp phát hiện vách tường ngăn giữa phòng mình và phòng kế bên do anh P.X.T. (1992, quê Quảng Ninh, Quảng Bình) thuê ở có khoảng trống nên trèo lên, chui qua trộm chiếc laptop hiệu Dell, mang đến tiệm cầm đồ K.C trên đường Trần Cao Vân (TP Đà Nẵng) cầm được 2 triệu đồng. Chỉ 2 tiếng đồng hồ sau, tức 19 giờ cùng ngày, Pháp bị CAP Mỹ An vạch trần chân tướng.

Là SV một trường CĐ trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhưng lao vào con đường ăn chơi nên học hành sa sút, cuối cùng Nguyễn Văn Phương (1987, trú H. Ia Grai, Gia Lai) phải bỏ học giữa chừng. Dù không còn đến giảng đường nhưng Phương vẫn đều đặn nhận được tiền hằng tháng từ gia đình gửi ra. “Nhàn cư vi bất thiện”, Phương bắt đầu lao vào trò cá độ bóng đá. Chơi nhiều nhưng thắng ít, Phương chuyển sang năn nỉ nhà cái cho chơi chịu. Khi bị đòi riết quá, quẫn bách, Phương quyết định đi trộm cắp tài sản của người khác.

Khuya 18/2, phát hiện nhà ông N.V.T. (trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu) sơ hở, Phương đột nhập lấy trộm 23,3 triệu đồng, 2.300USD, 1 nhẫn vàng, 1 dây chuyền vàng, 1 điện thoại Iphone 4, túi xách hiệu Louis Vuitton trị giá 2.200USD, 1 máy ảnh KTS hiệu Samsung Galaxy... với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Sáng 19/2, Phương chuyển một phần tiền vào 4 tài khoản khác nhau tại các ngân hàng, số còn lại để sử dụng. Đến 13 giờ cùng ngày, Phương mang chiếc máy Iphone 4, giấy tờ, tiền, USD, máy ảnh tản bộ trên đường Trường Sa (P. Mỹ An) để hóng mát thì gặp các TS thuộc Đội CSĐTTPVTTXH CAQ Hải Châu nên phải theo về trụ sở làm việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN