Áp lực nhập cư, từ góc nhìn ANTT (P.1)

Là một thành phố trẻ, năng động, với nhiều chính sách ưu đãi nhân tài, đầu tư giáo dục… Đà Nẵng đã thực sự là “miền đất hứa”, thu hút nhiều cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên từ nơi khác đến lập nghiệp, học tập, sinh sống.

Sự phát triển chung của Đà Nẵng trong những năm qua có công sức không hề nhỏ của lực lượng này, tuy nhiên hiện tượng “di cư” này cũng nảy sinh không ít phức tạp. Không đánh đồng hay “vơ đũa cả nắm”, song thực tế việc nhập cư tăng mạnh không chỉ khiến hạ tầng cơ sở của Đà Nẵng quá tải, mà kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác đảm bảo ANTT.

Từ tự do đến... tự hoại

Trong số các lý do để biện minh cho hành vi phạm tội, không ít sinh viên và người lao động ngoại tỉnh đặc biệt nêu nhiều đến một nguyên nhân: xa nhà, thoát khỏi ràng buộc về “lễ giáo” gia đình, ràng buộc thời gian. Sự tự do kéo dài ấy, một mình tự tung tự tác mà không có bố mẹ, gia đình ngăn cản, họ sa dần vào các tệ nạn, tự hoại bản thân.

Chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng mưu sinh, thấy mọi thứ đều mới và xa lạ nên Võ Quang Quý (1993) và Bùi Văn Linh (1992, đều quê Lệ Thủy, Quảng Bình) muốn khám phá. Tuy nhiên, với công việc làm thuê kiếm sống, thu nhập vài chục ngàn đồng mỗi ngày nên cả hai chưa thể thực hiện ý định. Cứ vậy, cuộc sống xa hoa nơi phồn hoa đô thị cứ ám ảnh tâm trí của 2 chàng trai mới chập chững vào đời mà không có ai bên cạnh dìu dắt, uốn nắn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Quý và Linh có quyết định lệch lạc: đi cướp giật để nhanh có tiền bước vào các tụ điểm ăn chơi và thưởng thức những món ngon trên đất Đà thành.

Áp lực nhập cư, từ góc nhìn ANTT (P.1) - 1

Những học sinh, sinh viên đến Đà Nẵng học tập, nhưng vì ăn chơi, đua đòi nên phạm tội

Để có đủ lực lượng đối phó khi “sự cố” xảy ra ngoài ý muốn, Quý và Linh “chiêu mộ” thêm các sinh viên đang theo học tại một số trường cao đẳng trên địa bàn Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng, cùng có tư tưởng “tự do chủ nghĩa” như Nguyễn Hữu Nghị (1993), Trần Thái Bảo (1992), Nguyễn Văn Ron (1994, đều quê Hoài Nhơn, Bình Định) và một SV tên Hòa (chưa rõ địa chỉ) tham gia. Người đã đủ, phương tiện đã có, cả nhóm lên đường tìm “mục tiêu” để “ăn hàng”... Chỉ tính riêng từ đầu tháng 12/2012 đến ngày 3/1/2013, nhóm này đã thực hiện 16 vụ cướp giật, lấy được 8 sợi dây chuyền, 2 mặt dây chuyền, 4 ĐTDĐ, 1 túi xách, 1 ví da đem bán lấy tiền “nướng” hết vào các tụ điểm karaoke, sàn nhảy...

Chiều 4/1, như thường ngày, sau khi “điều” Nghị, Hòa từ Hội An ra, Quý điều khiển xe máy chở Bảo lang thang trên các tuyến đường tìm sơ hở của người dân để ra tay cướp giật tài sản, còn Ron, Linh, Nghị và Hòa thì chia cặp điều khiển xe máy đi theo làm nhiệm vụ cảnh giới, cản trở khi có người truy đuổi. Khi đến đoạn đường Nguyễn Văn Linh nối dài, phát hiện 2 phụ nữ đi xe máy cùng chiều, Quý điều khiển xe áp sát để Bảo giật sợi dây chuyền của người phụ nữ ngồi sau rồi tăng ga phóng đi. Đến 19 giờ 20 cùng ngày, khi đến ngã ba Tiểu La - Lê Thanh Nghị, phát hiện chị Nguyễn Thị T. (trú Q. Hải Châu) đang đi tập thể dục, Quý tiếp tục cho xe máy áp sát để Bảo giật sợi dây chuyền 1 chỉ vàng 18K và mặt dây chuyền hình cá heo của chị T. (trị giá 4 triệu đồng). Thực hiện xong vụ cướp giật thứ 2 trong đêm, cả nhóm chạy đi tìm địa điểm “đổi hàng” lấy tiền đến sàn để nhảy. Tuy nhiên, khi đến ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Phan Đăng Lưu thì bị lực lượng Chống cướp giật CATP Đà Nẵng bắt giữ cùng tang vật...

Áp lực nhập cư, từ góc nhìn ANTT (P.1) - 2
Áp lực nhập cư, từ góc nhìn ANTT (P.1) - 3

Tang vật các vụ án được CQĐT thu giữ

Cũng chỉ muốn có tiền tiêu vặt và nhậu với bạn bè ở quán vỉa hè mà 2 SV Trường ĐH F. Lê Tuấn Anh (1993, quê Cam Lộ, Quảng Trị) và Nguyễn Trường Long (1993, quê H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) rủ nhau đi cướp giật tài sản và dùng hung khí chống trả lực lượng làm nhiệm vụ. Lúc 21 giờ ngày 15/8/2012, sau khi mượn được cây kiếm tự tạo của một người bạn, Anh điều khiển xe máy chở Long đi tìm kiếm “mục tiêu”. 22 giờ cùng ngày, đến đường Ngũ Hành Sơn, phát hiện chị N.T.N.T. đang điều khiển xe máy chở chị B.T.T.V. (1992, trú TP Đà Nẵng), Anh ép sát xe để Long giật chiếc ví của chị V. (có hơn 2.640.000 đồng) rồi rú ga bỏ chạy thì lực lượng Chống cướp giật phát hiện, truy đuổi. Bị truy đuổi, Anh tăng ga, lạng lách đánh võng, còn Long ngồi sau rút kiếm chống trả quyết liệt nhằm thoát thân. Tuy nhiên, do chạy quá tốc độ, đến đoạn gần ngã ba Nguyễn Văn Thoại - Trường Sa, cả hai không làm chủ được tay lái nên va quệt vào người đi đường, ngã và bị bắt cùng tang vật...

Cái máu thích chơi sang, đua đòi cũng khiến không ít SV đến Đà Nẵng học tập rơi vào con đường phạm pháp, đánh đổi cả tương lai tươi sáng trước mắt. Dù xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng muốn thể hiện với bạn bè, Nguyễn Văn Ý (1990, quê Hà Tĩnh, SV Trường ĐH K.) đã “vét” sạch số tiền đang có trong người để tổ chức sinh nhật lần thứ 23 của mình tại quán nhậu. Tỉnh cơn say, Ý ngớ người khi biết số tiền hơn 5 triệu đồng mà gia đình vừa gửi vào để nộp học phí đã không còn một xu dính túi. Để kiếm tiền bù vào, Ý quyết định “mượn” tài sản của bạn. 8 giờ 40 ngày 16-1, lợi dụng người bạn cùng quê là chị N.T.H. (1988, quê Hà Tĩnh, đang thuê trọ tại đường Ngũ Hành Sơn) để chiếc laptop hiệu Sony Vaio trị giá 17 triệu đồng trên bàn trong phòng, Ý lấy trộm, mang lên đường Nguyễn Lương Bằng cầm với giá 4,5 triệu đồng. Có tiền, Ý đem đến Trường ĐH K. nộp học phí để vài ngày sau lấy bằng tốt nghiệp. Vậy nhưng, khi bằng chưa kịp nhận thì đã bị CAP Mỹ An điều tra làm rõ, bắt giữ...

Không ai quản, Nguyễn Thành Công (1993, quê Quảng Nam, SV một trường CĐ trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn) tha hồ chơi game online và nướng hết học phí vào thế giới ảo. Sợ bị cha mẹ mắng, nên khi được người bạn cùng dãy trọ ở tổ 48 (P. Mỹ An) là anh N.H.T. (1993, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) gửi chìa khóa phòng, Công “đánh” thêm một chiếc rồi sau đó đột nhập lấy chiếc máy tính hiệu Toshiba trị giá 8 triệu đồng của anh T. nhằm cầm cố lấy tiền đóng học phí.  Tuy nhiên, Công cũng đã bị CAP Mỹ An điều tra, làm rõ và “mời” lên làm việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN