Thú chơi xe chốn Đà thành
Mới vài ba năm trở lại đây, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những chiếc mô-tô phân khối lớn dàn thành hàng diễu hành qua các ngả đường, đặc biệt là trong những dịp lễ hội hoặc sự kiện quan trọng. Có người khen, có người chê nhưng dù sao vẫn là một nét mới của đô thị ven sông Hàn.
Một nét mới của đô thị ven sông Hàn
Với nhiều người thế hệ “7X” trở về trước, có lẽ ấn tượng đầu tiên về xe phân khối lớn là những tờ lịch treo tường in hình những người mẫu mặc quần jean, đeo kính râm cưỡi xe Harley Davison. Những hình ảnh khá “hầm hố” này tuy rất thịnh hành nhưng có vẻ như nó vẫn thuộc về một thế giới xa lạ nào đó. Đến mãi những năm 2005 trở về trước, riêng ở Đà Nẵng, khi thấy một chiếc mô-tô phân khối lớn lưu hành trên đường phố, không ít người vẫn nhìn với ánh mắt không được tự nhiên cho lắm. Thế nhưng, từ năm 2007 trở đi, những “con xe khủng” xuất hiện ngày càng nhiều hơn, chẳng mấy chốc đã hình thành nên hẳn một sân chơi quy tụ hàng chục chiếc. Đó chính là CLB mô-tô thể thao TP Đà Nẵng.
Phạm Minh Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB mô-tô thể thao TP Đà Nẵng cho biết: Trước đây cũng có nhiều người chơi mô-tô phân khối lớn, tuy nhiên, nguồn gốc xe rất đa dạng, thậm chí có cả xe lậu. Từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc nhập mô-tô phân khối lớn từ Mỹ, EU về Việt Nam thuận lợi hơn nên số lượng người chơi xe tăng rất nhanh. Riêng trong CLB mô-tô thể thao TP Đà Nẵng đã có 65 thành viên. Anh em trong CLB mỗi người làm một nghề nhưng điểm chung là rất đam mê xe phân khối lớn, có cùng sở thích du ngoạn đó đây.
Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với TPHCM, Hà Nội nhưng giới chơi xe của TP Đà Nẵng cũng không quá lép vế, cả về dòng xe lẫn tổ chức hoạt động của CLB. Năm 2009, 3 chiếc Honda Goldwing (động cơ 1.800 phân khối, nặng hơn 470kg) đầu tiên từ Mỹ nhập về CHÂU Á thì cả 3 đều thuộc về Việt Nam. Đặc biệt, cả 3 chiếc này đều thuộc sở hữu của giới chơi xe Đà Nẵng, trong đó Phạm Minh Thắng sở hữu một chiếc. Anh cho biết, vào thời điểm đó, Honda Goldwing được coi là hàng “đỉnh” rồi. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, Honda Goldwing “đỉnh” của anh chỉ xếp hàng hai, hàng ba so với những chiếc xe mới nhập của các thành viên khác.
“Quái vật” Can-Am, dòng mô-tô thiết kế vận hành như ô-tô với 2 bánh trước
Theo giới chơi xe, chiếc mô-tô “đỉnh” nhất Đà thành hiện nay là chiếc Harley Davison 1.800 phân khối của anh Lê Ngọc Tú, Chủ nhiệm CLB mô-tô thể thao TP Đà Nẵng. Đối với người trong “nghề”, chiếc xe này không còn xa lạ gì, đó chính là chiếc xe màu đỏ thường dẫn đầu đoàn mô-tô của TP Đà Nẵng trong các đợt diễu hành. Lần gần đây nhất chính là diễu hành mừng chức vô địch giải bóng đá quốc gia của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng. Một trong những dòng mô-tô “khủng” có mặt ở Đà thành cũng cần phải kể đến Can-am, chiếc xe 3 bánh, gồm 2 bánh trước trông rất lạ mắt, mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây. Chiếc xe “kỳ quái” này không dễ để điều khiển nhưng lại có thể tăng tốc từ 0 – 100km/giờ chỉ trong vỏn vẹn 4 giây! Hiện Đà Nẵng có 2 chiếc, đều là hàng mới, trị giá mỗi chiếc khoảng 40 – 60 nghìn USD, tức khoảng 800 triệu – 1,2 tỷ đồng.
Phó Chủ nhiệm Phạm Minh Thắng và chiếc Honda Goldwing 1.800 phân khối tham gia sự kiện “Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè 2012”.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Cũng giống như chơi siêu xe ô-tô hay máy bay mô hình, “nghề” chơi mô-tô phân khối lớn đòi hỏi khá nhiều công phu, ngay cả việc tưởng như chẳng liên quan gì cũng đã mệt – đó là rèn luyện sức khỏe. Tác giả bài viết này đã bị chuột rút tê cứng chân khi cố gắng giữ thăng bằng chiếc Honda Goldwing (470 kg). Tiếp đến phải nói đến kỹ năng, không dễ dàng gì khi điều khiển những con ngựa bất kham có thể dễ dàng đạt vận tốc hơn 200km/giờ. Giới chơi mô-tô ở Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội... đều biết một nhân vật rất nổi tiếng: Cường “đô–la”. Vào dịp cuối tuần, anh này thường ra Đà Nẵng mượn xe của bạn bè vượt đèo Hải Vân ra Lăng Cô (TT-Huế) chơi hoặc tham gia một số hoạt động với các thành viên CLB mô-tô thể thao TP Đà Nẵng. Cường “đô-la” không được to con lắm, thế nhưng anh vẫn có thể đi những đường rất “mướt” với các loại xe “khủng”, đặc biệt là xe Can-Am (đòi hỏi có bằng lái hạng A3). Để có kỹ năng làm được điều đó, chắc chắn Cường “đô-la” phải bỏ ra rất nhiều công sức, nếu không nói là “trầy vi tróc vảy”.
Đà Nẵng hiện có khoảng 65-70 mô-tô từ 400 phân khối trở lên
“Công phu” tiếp phải nói đến chính là khả năng “chịu nhiệt”, bởi động vào những chiếc mô-tô khủng là nói đến những khoản tiền rất “nặng ký”, trong khi đó, để có được một “con” xe như ý thì chủ nhân của nó thường muốn cải biến theo thẩm mỹ của riêng mình, với phần lớn phụ kiện đều phải đặt mua ở nước ngoài mang về rất đắt đỏ. Tất nhiên cũng phải nói đến tiền xăng, một chiếc mô-tô cỡ 1.600 - 1.800 phân khối thường tiêu thụ khoảng 7 – 8 lít xăng/100km, tương đương với một chiếc ô-tô. Ngoài ra, còn rất nhiều các khoản chi khác có thể khiến những công chức có thu nhập khá cũng phải chùn lòng. Phạm Minh Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB mô-tô thể thao Đà Nẵng cho biết, chơi xe thì đòi hỏi phải có thu nhập nhất định nhưng điều đó không có nghĩa tất cả các thành viên CLB đều là “đại gia”, niềm đam mê vẫn vượt lên trên hết. Hiện nay CLB có 2 nguồn tài trợ nên cũng phần nào hỗ trợ anh em yên tâm theo đuổi niềm đam mê của mình.
Theo anh Phạm Minh Thắng, nói về “công phu” chơi xe thì thật vô cùng, thế nhưng, điều quan trọng nhất là người chơi phải ý thức được thú chơi này. Nó hoàn toàn không phải là nơi tập hợp những người lắm của nhiều tiền, thích chơi ngông và... vi phạm giao thông! Mỗi thành viên CLB mô-tô thể thao TP Đà Nẵng có thể ở ngoài đời mỗi người một tính cách, thế nhưng đã sinh hoạt chung thì đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các giao ước, như cấm đua xe, lạng lách, nẹt pô... Bên cạnh hoạt động bề nổi của CLB mà ai cũng thấy, như diễu hành, dẫn đoàn thì cũng có những hoạt động âm thầm thực hiện suốt nhiều năm qua, đó là trao quà từ thiện, xây nhà tình nghĩa, xây dựng trạm xá, tu sửa trường học... Chính những điều đó làm nên uy tín, hình ảnh của CLB mô-tô thể thao TP Đà Nẵng cũng như mỗi người chơi xe chốn Đà thành, như người ta thường nói: Chơi vậy mới bền!