Bất ngờ di tích Cấm Mít

Sau 3 tháng tiến hành khai quật khảo cổ di tích Cấm Mít (xã Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng), sáng 11-12, Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tổ chức báo cáo kết quả khai quật. Kết quả thu được từ đợt khai quật này gây bất ngờ về một di tích Chăm độc đáo, từng tồn tại nơi đây.

Thực ra, di tích Chămpa tại khu vực Cấm Mít không phải đến bây giờ mới được biết đến, mà đã được chú ý từ lâu. Tuy nhiên qua thời gian, di tích Chăm này đã bị tàn phá nặng nề. Vào những năm 1980, người dân ở đây đã lấy gạch tại di tích này về xây móng nhà và các công trình phúc lợi. Các hiện vật như Linga – Yoni cùng bệ thờ được người dân mang về lưu giữ tại làng Dương Lâm vì vậy mà trong một thời gian ngắn di tích Chăm ở Cấm Mít chỉ còn lại nền móng trơ trọi. Trước thực trạng trên, năm 2008 Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đến khảo sát và mang về một bệ Yoni cùng 2 tấm Tympan. Từ đó, di tích  Cấm Mít như chìm vào quên lãng. Nhưng việc khai quật được tiến hành mới đây đã hé lộ nhiều điều thú vị về di tích này. Ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho biết: “Từ kết quả khai thác thực địa cho thấy, di tích Cấm Mít có quy mô khá lớn và những hiện vật phát hiện  mang một phong cách rất độc đáo. Chúng tôi khai quật với diện tích 500m2 và đã thu giữ được hơn 600 hiện vật”.

Bất ngờ di tích Cấm Mít - 1

Các nhà nghiên cứu xem xét Tympan trang trí trên Garuda

Kết quả khai quật cho thấy, di tích Cấm Mít là tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất thấp, gồm 3 đền tháp, nằm ngang theo trục bắc - nam. 3 tháp chính đều có bình đồ hình vuông, trong đó tháp Giữa có quy mô lớn nhất, được xây dựng vào khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XI. Tháp Bắc và tháp Nam được bổ sung sau và nhỏ hơn, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII hoặc XIV. Tháp Công và nhà dài cũng được phát hiện trong đợt khai quật này đồng thời cũng đã phát hiện kỹ thuật xây dựng đền tháp của người Chăm.  “Phần móng được người Chăm chú trọng liên kết bằng các phụ gia có độ kết dính cao như nhựa thực vật, đất sét trộn với gạch non, sỏi Laterite phong hóa. Các trụ tường, trụ ốp cửa... người Chăm xưa sử dụng kỹ thật mài chập tạo mặt phẳng cho việc khắc tạc trực tiếp hoa văn trên tường gạch”-ông Chất nói... Nếu như việc khai quật di tích Chăm Phong Lệ (tại P. Hòa Thọ Đông) trước đây đã giúp hé lộ phần nào cấu trúc nền móng, cũng như hố thiêng của tháp Chăm thì tại Cấm Mít, có đến 3 hố thiêng được khai quật. “Tại mỗi hố thiêng chúng tôi phát hiện có 8 hốc, trong đó phía dưới có một hòn đá cuội, phía trên là viên gạch, nhiều hốc còn có những viên đá thạch anh, cát biển. Đến bây giờ, việc người Chăm xưa xây dựng hố thiêng với mục đích gì, vật dụng trấn yểm trong ấy có ý nghĩa ra sao vẫn còn là bí ẩn, chưa có nhà nghiên cứu nào trả lời thỏa đáng được. Trong quá trình khai quật, chúng tôi phát hiện những hố thiêng tại Cấm Mít đã từng bị đào trộm”, ông Chất thông báo. Trong 629 hiện vật thu được tại Cấm Mít, đáng chú ý là 6 hiện vật Tympan trang trí Garuda, điều đáng nói là những Tympan này vẫn chưa được hoàn thiện, còn thô sơ so với những Tympan phát hiện ở các di tích khác. Vậy vì sao một Tympan chưa được hoàn thiện mà vẫn được người Chăm đặt trong đền thờ? Câu hỏi ấy càng khiến cho việc nghiên cứu di tích Cấm Mít thêm thú vị.

Bất ngờ di tích Cấm Mít - 2

Những Tympan khác lạ lần đầu tiên được tìm thấy ở di tích Chăm Cấm Mít

Có thể nói, di tích Cấm Mít là một trong các phế tích tháp Chăm hiếm hoi được làm rõ mặt bằng của cả 3 tháp chính cùng tháp Cổng và nhà dài. Sự hoàn thiện về bố cục, quy mô, cấu trúc của mặt bằng di tích qua nhiều giai đoạn cho thấy tầm quan trọng của khu vực đền tháp này trong tâm thức của cư dân Chămpa xưa. Việc làm rõ quy mô, kết cấu của 3 hố thiêng trong các tháp chính cho thấy sự chú trọng đến lễ nghi và nghệ thuật phong thủy của người Chăm. Đồng thời sự xuất hiện vò gốm men và đồ tùy táng cho thấy ngoài chức năng là đến thời các vị thần Hindu, di tích Cấm Mít còn có tính chất như là một tháp mộ, mỗi tháp là nơi lưu giữ tro cốt và thờ tự tổ tiên hoặc của chủ nhân xây dựng tháp. Chính vì vậy mà di tích Chăm tại Cấm Mít khá đặc biệt, ẩn chứa trong đó nhiều thông tin bổ ích và nhiều cứ liệu khoa học chân thực cho việc nghiên cứu văn hóa Chăm trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Việc khai quật di tích Cấm Mít cho thấy, di tích Chăm trên địa bàn TP Đà Nẵng chứa đựng nhiều bí ẩn. Và những di tích Chăm khác như ở Xuân Dương, Quá Giáng vẫn đang chờ được khai quật, khám phá. Có thể  nói, dù không còn các đền tháp đồ sộ trên mặt đất nhưng những di tích văn hóa Chăm ẩn trong lòng đất Đà Nẵng thì rất nhiều. Nếu biết khai thác đúng cách thì những di tích ấy sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.H.A (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN