Giới trẻ hững hờ với bảo tàng!

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá có một không hai trên thế giới. Hằng năm, có hàng ngàn khách nước ngoài tìm đến bảo tàng tham quan, tìm hiểu, nhưng điều kỳ lạ là có rất ít khách trong nước, thậm chí ở thành phố Đà Nẵng tìm đến bảo tàng. Vì sao vậy?

Theo định nghĩa thì bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Từ khái niệm này có thể thấy, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ và bảo quản, mà còn có ý nghĩa rất thiết thực trong cuộc sống. Bởi bảo tàng có thể giúp nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề, sự kiện - hiện tượng tự nhiên và xã hội, nghiên cứu lịch sử, đồng thời cũng là nơi phục vụ nhu cầu tham quan và khám phá, tìm hiểu, nâng cao tri thức của người dân.

Dẫn ra như vậy để thấy rằng bảo tàng có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Thế nhưng hiện nay người dân lại chẳng mặn mà với việc đến bảo tàng để tham quan, tìm hiểu, điều này không chỉ xảy ra ở thành phố Đà Nẵng, mà là tình cảnh chung với các bảo tàng khác trên cả nước. Một cán bộ công tác trong bảo tàng kể: "Không ít người Đà Nẵng từng hỏi tôi là "Bảo tàng Chăm có gì trong đó mà vào, toàn tượng đá!".

Giới trẻ hững hờ với bảo tàng! - 1

Học sinh tiểu học tham gia chương trình giáo dục bảo tàng do Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức.

Từ lâu Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã nổi tiếng trên khắp thế giới, với tổng số hơn 500 hiện vật Chăm thuộc nhiều niên đại và phong cách nghệ thuật điêu khắc Chămpa có một không hai trên thế giới được trưng bày tại đây. Đây là một trong những bảo tàng hiếm hoi ở Việt Nam thu hút được du khách nước ngoài tìm đến tham quan.

Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từng ví von: "Du khách nước ngoài phải bỏ ra cả nghìn đôla đến Đà Nẵng chiêm ngưỡng hiện vật Chăm, như vậy nếu người dân trên cả nước đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm tham quan thì đã tiết kiệm được nghìn đôla rồi". Nhưng dường như, những hiện vật vô giá và sự nổi tiếng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm không đủ sức hút người dân?

Theo thống kê của Bảo tàng, 10 tháng năm 2012 có hơn 149 nghìn khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm gần 140 nghìn người. Cùng với đó, tác phong, ý thức khi đến tham quan bảo tàng của người Việt Nam cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Một lần đến Bảo tàng ĐIÊU khắc Chăm, chúng tôi gặp một cảnh tượng đáng buồn. Trong khi các du khách nước ngoài chăm chú nghe hướng dẫn viên nói về sự độc đáo của hiện vật Chăm và ghi chép lại thì một nhóm bạn trẻ Việt Nam lại vô tư nói cười, gây huyên náo không gian và chỉ làm mỗi một việc là tạo dáng bên hiện vật Chăm để chụp ảnh.

Một cán bộ Bảo tàng điêu khắc Chăm tâm sự: "Bảo tàng là nơi chúng ta có thể học được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Ở đó đúc kết nhiều câu chuyện, vấn đề, bài học lịch sử giúp ta vừa học, vừa thư giãn. Vì vậy tôi thấy lạ là vì sao nhiều người trẻ không thích vào bảo tàng. Có lẽ kiến thức cảm thụ hạn chế cũng khiến nhiều người hờ hững với bảo tàng".

Giới trẻ hững hờ với bảo tàng! - 2

Khách đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm phần lớn là khách nước ngoài

Mới đây, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức thực hiện chương trình giáo dục bảo tàng cho học sinh để trang bị kiến thức về điêu khắc Chăm, qua đó giúp các em hiểu biết về lịch sử, nghệ thuật cũng như văn hóa Chămpa. Chị Nguyễn Hoàng Hương Duyên - Phòng Giáo dục truyền thông (Bảo tàng Điêu khắc Chăm) cho biết: Khi tham gia chương trình này, các em sẽ tự mình tìm hiểu, khám phá về nét độc đáo của điêu khắc Chăm, tham gia các trò chơi tìm hiểu linh vật. "Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn quảng bá hình ảnh của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đến với người dân. Và quan trọng hơn là giúp các em học sinh - thế hệ tương lai hiểu và thích thú khi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại bảo tàng Chăm, cũng như những bảo tàng khác" - chị Duyên tâm sự. Cô giáo Nguyễn Thanh Hương -giáo viên Trường Tiểu học Lê Qúy Đôn (Q. Hải Châu) kể: "Khi tham gia chương trình này, không chỉ các em học sinh mà ngay các giáo viên cũng thích thú vì được khám phá văn hóa Chăm. Đến đây, chúng tôi mới biết được nhiều điều về văn hóa Chămpa".

Trước thực trạng nhiều bạn trẻ hững hờ với việc tham quan bảo tàng thì việc Bảo tàng Điêu khắc Chăm thực hiện chương trình trên là một tín hiệu tích cực. Hoạt động này đồng nghĩa với việc đầu tư vào thế hệ tương lai, để lúc ấy nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa nguồn cội sẽ có nhiều hơn người Việt đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo L.H.A (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN