Ám ảnh tai nạn điện
Hình ảnh mạng lưới điện bùng nhùng như ma trận, anh thợ hồ ung dung làm việc bên dòng điện cao thế đang chạy xè xè... không có gì lạ ở các đô thị Việt Nam.
Những sợi dây vắt vẻo vô tình cùng thái độ bất cẩn trong lao động, sinh hoạt là nguyên nhân của nhiều cái chết thương tâm. Chừng nào quy hoạch hạ tầng ngành điện chưa đồng bộ, ý thức người dân không được nâng cao thì chuyện này chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Những cái chết được báo trước
Không ai không biết nỗi ám ảnh từ điện, nhưng cũng không ít trường hợp chết một cách oan uổng vì nó. Chết đột ngột thì đã đành, thấy nguy cơ chết, có thể phòng tránh mà vẫn chết thì đúng là vừa đáng thương, lại vừa đáng trách. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn về điện rất đa dạng, có thể là do thi công trong xây dựng, có thể do vi phạm hành lang an toàn, sơ ý trong sinh hoạt gia đình.... Thậm chí có nhiều người đi đường vướng phải dây điện không dẫn điện nhưng lại gây tai nạn giao thông dẫn đến tử nạn, có người rơi từ trên cao, đáng ra chỉ bị thương nhưng lại quờ tay nắm lấy dây điện nên bị điện giật chết.
Hồi tháng 3-2012, bà Phượng (chủ khách sạn H.L2 tại đường Phạm Văn Nghị, Đà Nẵng) thuê một người thợ hồ sơn vôi mặt ngoài cho khách sạn. Theo thói quen nghề nghiệp, ông này đã dùng dây đu người từ trên cao xuống để thực hiện công việc trong khi đường dây 22kV đang vận hành sát vách tường. Do khoảng cách quá gần, hiện tượng phóng điện mạnh đã xảy ra khiến nạn nhân không còn cơ hội cứu chữa. Sau đó không lâu, vào ngày 24-4, bà Nguyễn Thị Lộc (trú tại 19-Triệu Nữ Vương, Đà Nẵng) thuê Cty TNHH TM&DV quảng cáo Nghĩa Bảo lắp đặt bạt che mái hiên tại tầng 3 của nhà mình. Dù khoảng cách giữa tường nhà với đường dây điện 22kV đi qua chỉ khoảng 2m nhưng trong khi lắp đặt, 2 công nhân của Cty đã không hề quan tâm đến mối nguy hiểm này và cứ ung dung dùng đòn bẫy kim loại để làm việc. Hậu quả, một trong hai người này đã tử vong, người còn lại bị điện giật bỏng nặng khi thanh kim loại của bạt thò ngay vào đường dây điện đang vận hành. Ngớ ngẩn hơn, ông Lê Hữu Minh (Chính Gián, Thanh Khê) lại dùng ống thép dài để treo lồng chim lên đường dây điện. Cũng may là thoát chết nhưng lại bị bỏng nặng sau cú phóng điện trời giáng...
Nhiều vụ tai nạn điện xảy ra do lỗi của người dân (Trong ảnh: Một công trình xây dựng nằm sát đường dây điện chạy qua). Ảnh: C.K
Theo Điện lực Đà Nẵng, trong thời gian qua, có nhiều cái chết rất đáng tiếc xuất phát từ việc người dân không chấp hành các quy định về an toàn điện. Những tai nạn tương tự như trên thường do lỗi chủ quan, nhiều vụ tai nạn lại từ trên trời rơi xuống. Có người chết vì đang chạy xe vướng phải dây điện băng qua đường, đập đầu xuống mặt đường. Có người đang tham gia giao thông tự nhiên dây điện bị xe tải đi trước kéo đứt rơi lên đầu. Có người bị ngã từ trên cao, đáng ra chỉ bị thương nhưng lại quờ tay nắm lấy dây điện đang vận hành.
Quản lý, xử lý còn bất cập
Theo thống kê của Điện lực Đà Nẵng, năm 2011 trên địa bàn thành phố xảy ra 11 vụ tai nạn điện, làm chết 3 người, bị thương 8 người. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã xảy ra 4 vụ tai nạn điện làm chết 2 người, bị thương 2 người. Cũng tính từ đầu năm 2012 đến nay, có tới 22 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện 22kV và 363 trường hợp liên quan đến đường dây 110kV. Trong đó có rất nhiều trường hợp vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, số còn lại là xây dựng công trình trong hành lang an toàn. Tuy nhiên, con số này thực tế có thể cao hơn rất nhiều nhưng không được báo cáo, thống kê.
Chỉ một sơ suất nhỏ tại các công trình xây dựng, tai nạn điện có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc (ảnh minh họa)
Nguyên nhân của các vụ vi phạm dẫn đến tai nạn điện, theo Cty Điện lực Đà Nẵng, trước hết là do một số người dân không chấp hành các quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, không lường trước tai nạn điện nghiêm trọng có thể xảy ra nên đã tự ý xây dựng, cơi nới các công trình. Mặt khác, quá trình chỉnh trang đô thị với tốc độ nhanh đã dẫn đến tình trạng các công trình chồng lấn, tổ chức thi công xây dựng mặt bằng công trình trong khi hệ thống điện chưa tháo dỡ, di dời. Khi cấp giấy phép xây dựng cho một vài công trình, cơ quan cấp phép chưa khảo sát kỹ những nguy cơ tiềm ẩn từ các đường dây điện. Thậm chí đã xảy ra hiện tượng bố trí đất tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện. Khi xảy ra các vụ việc, cách giải quyết của ngành chức năng thiếu triệt để, chủ yếu dừng ở bước lập biên bản và nhắc nhở tạo tiền lệ cho việc phát sinh các vụ vi phạm về sau.
Được biết, để hạn chế các vụ vi phạm về an toàn điện, phòng tránh những tai nạn thương tâm đáng tiếc do điện gây ra, UBND TP Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo Bảo vệ an toàn công trình điện cao áp do Phó chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết làm trưởng ban. Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo này gồm 19 thành viên thuộc các sở, ban, ngành liên quan tập trung vào công tác tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các vụ vi phạm.