Xử lý việc xuất gạo tiểu ngạch sang TQ
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện Bộ đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xem xét để có hướng xử lý đối với việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
“Việc xuất khẩu gạo phải theo đúng Nghị định 109 của Chính phủ và Văn bản 146 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ, bởi Trung Quốc là một trong những thị trường lớn trong việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam” - bà Phan Thị Diệu Hà- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nói.
Việt Nam sẽ cạn nguồn cung gạo trong nước nếu không kiểm soát việc gạo tràn qua biên giới.
Trong 8 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu được hơn 5,1 triệu tấn gạo, đạt gần 2,3 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập nhiều gạo nhất với gần 1,4 triệu tấn, tăng gấp 5,2 lần về lượng và 4,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, hơn cả các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu chúng ta không kiểm soát được tình trạng gạo tràn sang biên giới qua đường tiểu ngạch có thể khiến Việt Nam cạn nguồn cung trong nước.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang được các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Tính đến cuối tháng 8, các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã được các doanh nghiệp đăng ký với VFA là 1,6 triệu tấn, trong đó chúng ta đã thực xuất 1,28 triệu tấn.
“Như vậy, hiện nay việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Còn việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, Bộ Công Thương đang giao cho các vụ trong Bộ nghiên cứu, xem xét và có ý kiến” - bà Hà nói.