Xem lại cách minh bạch giá xăng, điện

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ cấu giá điện mà Bộ Công Thương công bố là chưa đủ, khó để người dân giám sát.

Mới đây, Bộ Công Thương đã cho ra mắt chuyên trang minh bạch giá xăng và giá điện tại địa chỉ: http://minhbach.vecita.gov.vn. Theo Bộ Công Thương, chuyên trang có chức năng cung cấp đầy đủ, kịp thời tới người dân, doanh nghiệp (DN) các văn bản liên quan đến việc điều hành giá. Chuyên trang này sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến giá điện, giá xăng dầu như giá bán lẻ, giá cơ sở, giá thế giới, các yếu tố, chi phí hình thành giá.

Bước đầu minh bạch giá ngành xăng, điện

Từ ngày 6-6 vừa qua, chuyên trang đã được ra mắt. Đối với xăng dầu, chuyên trang cung cấp các thông tin liên quan đến giá xăng thế giới tại thị trường Singapore, các chi phí của giá xăng như thuế nhập khẩu (18%), thuế VAT (10%), thuế môi trường (1.000 đồng/lít), chi phí kinh doanh (860 đồng/lít), chi phí lợi nhuận định mức (300 đồng/lít).

Còn đối với mặt hàng điện, chuyên trang cung cấp khung giá bán lẻ, giá bán buôn. Đối với các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành sản xuất đến hết năm 2012 thì sẽ ra hàng loạt khoản lỗ của EVN chưa được hạch toán. Tuy nhiên, về thông tin cụ thể từng chi phí để tính ra giá điện thì chưa thấy Bộ công khai.

Xem lại cách minh bạch giá xăng, điện - 1

Các chuyên gia kinh tế cho rằng thông tin vể lĩnh vực điện, xăng dầu cần minh bạch hơn nữa để người dân dễ giám sát. Ảnh: HTD

 

Xem lại cách minh bạch giá xăng, điện - 2

Cũng theo Bộ Công Thương, việc tiến hành công khai minh bạch giá điện, xăng dầu sẽ nhằm khắc phục những khiếm khuyết, bất cập trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất của hai ngành trên, đồng thời biết được vì sao phải mua điện, mua xăng dầu với giá đó.

Phải luật hóa chi tiết, đừng nói “minh bạch” chung chung

Theo các chuyên gia kinh tế, với những điều chuyên trang đang thể hiện thì minh bạch như vậy vẫn chưa đủ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Việc cơ quan quản lý cho ra mắt chuyên trang sẽ cung cấp thêm hoạt động của xăng dầu và điện. Thế nhưng để nói về minh bạch thì hiện chuyên trang chỉ làm được ở một mức độ nào đó. Còn việc minh bạch giá đã hợp lý chưa, cơ cấu giá điện cụ thể như thế nào thì người dân chưa được biết”.

Từ đây, theo ông Thành cách công khai, minh bạch như hiện nay mới chỉ là bước đầu chứ chưa giải quyết được vấn đề “bệnh tình” nghiêm trọng của hai ngành điện và xăng dầu. “Nhà nước cần công khai chi phí tính vào giá điện gồm có những chi phí nào? Vì sao người dân phải mua giá điện với mức giá như hiện nay? Hiện đối với những nhà máy nhiệt điện Trung Quốc trúng thầu thì làm sao? Giá điện trong năm năm, 10 năm tới sẽ như thế nào...?” - ông Bùi Kiến Thành nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói thêm: “Công khai tức là Nhà nước phải nêu cơ cấu giá thành của điện, gồm các khoản nào? Khoản nào được kiểm toán, chưa kiểm toán? Nếu chỉ công bố số lỗ thì khác nào là “tố khổ” để xin tăng giá điện?”.

Chưa hết, theo ông Phong, vấn đề minh bạch hiện nay đang thiếu một cơ chế quản lý hay còn gọi là thiếu một chuẩn minh bạch. Vì vậy Nhà nước cần có văn bản mang tính chất pháp lý nêu rõ các chỉ tiêu cần minh bạch. Và nêu rõ mức độ chính xác của các con số cái nào cần kiểm toán? Như vậy người dân mới có thể hiểu rõ hơn để giám sát.

Bàn về điều này, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng chuyên trang này mới để cho người dân biết về giá chính thức hơn là biết về cách tính giá.

“Dường như dư luận không tin lắm vào khả năng kiểm soát giá của các cơ quan quản lý giá. Chúng ta có một chuyên trang công bố giá nhưng xa hơn xã hội cần những thông tin sâu hơn để người dân có thể giám sát giá” - TS Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN