Vì đâu dân không muốn tái canh cây tỷ đô?

Nhiều năm liền Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê vối, mang về hàng tỷ đô-la Mỹ (USD). Tuy nhiên, ngành hàng này đang đối mặt nhiều thách thức khi vùng nguyên liệu già cỗi, nông dân chần chừ tái canh.

Tái canh không đạt kế hoạch

Người dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê

Người dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê

Có hơn 1,5 héc-ta cà phê song sau mỗi vụ thu hoạch, ông Y Ben Brông (buôn Huê, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) không còn lãi bao nhiêu. Lý do bởi vườn cây đã già cỗi, năng suất thấp (khoảng 1,5 tấn/héc-ta) trong khi chi phí đầu tư cao (phân bón, nhân công thu hái). Dù vậy, ông Y Ben vẫn chần chừ tái canh vì kinh phí quá lớn. Ông nhẩm tính, cần ít nhất 300 triệu đồng để đầu tư lại 1,5 héc-ta cà phê trong 3 năm. Trong thời gian đấy, gia đình không có nguồn thu nhập nào khác. Chưa kể, việc tiếp cận vốn vay tái canh nhiều thủ tục, mức vay thấp, giải ngân nhiều lần… Đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều nông dân đang trồng loại cây tỷ đô.

Trong 20 tỉnh trồng cà phê với hơn 710.000 héc-ta, Đắk Lắk dẫn đầu với diện tích hơn 213.000 héc-ta. Tuy nhiên, địa phương này liên tục không đạt kế hoạch tái canh cà phê. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, có 41.587 héc-ta cần tái canh, song thực tế chỉ thực hiện được 85,1% kế hoạch. Năm 2021, tỉnh này tiếp tục không đạt kế hoạch khi tái canh được hơn 3.500 héc-ta (đạt hơn 76%).

Gỡ rối tái canh

Đứng sau Đắk Lắk về diện tích cà phê, những năm qua, Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ tái canh như: Hỗ trợ kinh phí mua giống cho người dân vùng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ tái canh 5 triệu đồng/héc-ta (đối với cà phê chè, vối), ghép cải tạo được hỗ trợ 1 triệu đồng/héc-ta cà phê vối. Ngoài ra, Lâm Đồng còn tận dụng các nguồn lực từ chương trình, dự án đầu tư cho tái canh, ghép cải tạo giống nhằm hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực sản xuất.

Dẫu vậy, Lâm Đồng cũng đối diện nhiều khó khăn trong tái canh cà phê, nhất là nguồn vốn vay. Phần lớn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp ngân hàng nên nhiều hộ không thể vay vốn tái canh; chi phí đầu tư tái canh cùng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động ở mức 300-370 triệu đồng/héc-ta, nhưng vốn vay tái canh chỉ tối đa 150 triệu đồng/héc-ta, quá thấp so với thực tế.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cần xác định tái canh, ghép cải tạo cà phê là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và nhân dân nên cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền phối hợp các đoàn thể xây dựng kế hoạch tái canh cụ thể cho từng địa phương và vận động nông dân thực hiện; phối hợp ngân hàng triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn cho người dân; đảm bảo chất lượng cây giống, sạch bệnh, cho năng suất cao…

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, tái canh cà phê đang gặp thách thức lớn. Phía bộ, ngành trung ương tập trung nghiên cứu giống tốt cho nông dân; xây dựng bộ quy trình tái canh bám sát thực tiễn, ứng dụng khoa học kỹ thuật; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê, đơn giản hóa thủ tục, nâng mức cho vay tối đa lên 350 triệu đồng/héc-ta, giảm lãi suất nhằm giảm bớt gánh nặng cho nông dân.

“Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, ngoài 5 tỉnh Tây Nguyên còn mở rộng sang địa phương khác. Để tái canh cà phê hiệu quả, vai trò của địa phương rất quan trọng. Các tỉnh cần củng cố Ban chỉ đạo tái canh từ tỉnh đến từng địa phương, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi; rà soát toàn bộ diện tích cà phê, phân loại những khu vực đủ điều kiện tái canh; chuyển giao tiến bộ khoa học; tăng cường kiểm tra, thanh tra chất lượng cây giống…”, ông Đức nói.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, triển khai giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra cuối tuần qua tại tỉnh Đắk Lắk, ông Đỗ Xuân Dũng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nêu 7 khó khăn khiến tái canh cà phê không đạt kế hoạch như: Thiếu chính sách giải quyết hiệu quả sinh kế cho người tái canh cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm đầu trồng chưa có thu nhập); vốn tái canh lớn, rủi ro cao trong khi việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại; giải ngân vốn thực hiện nhiều lần, mỗi lần phải kiểm tra tiến độ dự án, tình hình sử dụng vốn… khiến người dân e ngại, nhiều hộ chọn vay theo cơ chế thương mại chấp nhận lãi suất cao để được giải ngân 1 lần; giá cả bấp bênh, 1 số hộ chặt bỏ vườn cà phê, chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn…

Nguồn: [Link nguồn]

Phần bỏ đi của cây dứa không ngờ là đặc sản hiếm, ”mỏ vàng” bán thu tiền triệu

Có một bộ phận trên cây dứa nhiều người nghĩ bỏ đi, nhưng thực chất nó là món ăn đặc sản vô cùng nổi tiếng của Hậu Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Thủy ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN