Trồng khoai tây... lãi gấp 5 lần trồng lúa

Về xã Phùng Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tham dự một hội thảo về trồng khoai tây theo phương pháp mới, chúng tôi đã được gặp và nghe những lời sẻ chia hào hứng của người dân xã này.

Hào hứng và… phập phồng!

Bà Nguyễn Thị Hường (59 tuổi), ở Phùng Xá chỉ cho tôi nửa sào khoai của gia đình. Bà nhẹ nhàng gạt rơm rạ mục sang bên để lộ những củ khoai tây tròn mập, đều đặn như ổ trứng. Bà kể đây là vụ đầu tiên bà áp dụng trồng khoai theo phương pháp mới - làm đất tối thiểu và dùng rơm rạ che phủ.

Phương pháp này đến với nông dân Việt Nam từ vụ đông 2009, đến nay đã lan tỏa ra 20 tỉnh, thành phố, chủ yếu thông qua ngành bảo vệ thực vật cấp trung ương và tỉnh. Kết quả áp dụng cho thấy 1ha trồng khoai tây cho lãi gần 80 triệu, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Áp dụng kỹ thuật mới, ruộng khoai thông thoáng, ít sâu bệnh hơn, công lao động làm đất và chăm bón giảm đáng kể, lại tận dụng được nguồn rơm rạ sau khi gặt lúa... Bà Hường tâm sự: “Có thêm đất, có tiền đầu tư, tôi nhất định sẽ áp dụng phương pháp mới, trồng nhiều khoai hơn”. Mấy bác nông dân khác gật đầu đồng tình với ý kiến của bà Hường.

Nông dân hào hứng thế, nhưng vẫn phập phồng lo lắng vì họ chưa chủ động được nguồn giống và tiền đầu tư. Mấy bác nông dân khác đang tránh mưa trong chiếc lán tạm cho biết, họ còn phải luân phiên hay thuê người canh đồng vì trâu bò phá ruộng hay củ bị lấy trộm lúc gần thu hoạch.

Trồng khoai tây... lãi gấp 5 lần trồng lúa - 1

Mô hình sản xuất khoai tây mới đang đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Chả thế, diện tích áp dụng phương pháp canh tác mới còn thấp. Hàng năm, tổng diện tích trồng khoai tây của toàn quốc vào khoảng 10.000-11.000ha, ước tính mới tận dụng được khoảng 10% diện tích đất có thể trồng khoai tây. Hà Nội là một trong những địa phương đã dồn sức đầu tư vào vụ đông với nhiều hình thức khuyến khích như trợ giá khoai giống, hỗ trợ tiền tập huấn, nhưng mới áp dụng kỹ thuật gần 12% diện tích trồng khoai.

Hỗ trợ để nhân rộng mô hình


Bà Hường nhặt đưa cho tôi 1 củ khoai to tròn, vỏ bóng láng. Dù chị Chung -cán bộ Chi cục BVTV Hà Nội, khen nức nở chất lượng tốt, bà vẫn phân trần: “Bên ngoại ở huyện Chương Mỹ thu năng suất cao hơn vì họ được tập huấn từ 2009”. Bà Hường tin rằng, sang mùa tới, khi có thêm kinh nghiệm, chắc chắn “ruộng ở đây cũng chả kém”.

Để hỗ trợ những người nông dân áp dụng phương pháp mới nâng cao thu nhập, chắc chắn cần có hỗ trợ về vốn đặc biệt những hộ nghèo, ít đất, những hộ có phụ nữ là lao động chính vì những hộ này nếu không có hỗ trợ khuyến khích thì hầu như không thể, thậm chí không dám nghĩ đến thay đổi đầu tư. Thêm vào đó, lớp học đồng ruộng như trong dự án chi cục BVTV và Tổ chức Oxfam hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân trực tiếp thử nghiệm kỹ thuật mới. Quen tay, hay học, nông dân sẽ chủ động sáng tạo và giúp đỡ lẫn nhau áp dụng cái mới.

Rời Phùng Xá, tôi cứ nghĩ rằng trồng lúa, trồng khoai không xa lạ với nông dân ta, nhưng nếu tự tin, chủ động tìm kiến thức mới thì chắc chắn nông dân sẽ có rất nhiều sáng kiến. Và nếu được các cấp, các ngành trợ giúp như lời ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội: “Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật mới theo hướng xanh, sạch, bền vững”, thì lo gì nông dân không biết cách biến sáng kiến ra tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN