Tiêu đầu mùa bị thương nhân nước ngoài ép giá

Vụ tiêu năm nay chỉ mới bước vào những ngày đầu thu hoạch nhưng đã bị thương nhân nước ngoài ép giá làm giá giảm mạnh.

Hiệp hội Hồ tiêu khuyến cáo nông dân nên trữ hàng lại vì giá tiêu trên thế giới vẫn ở mức cao, trong khi nhiều nơi đang mất mùa, kể cả Việt Nam.

Giá rớt mạnh

Nếu những ngày cuối năm giá tiêu trong nước còn ở mức 170.000 – 180.000 đồng/kg tùy nơi thì từ những ngày cận tết đến giờ, khi nông dân bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, giá tiêu đã “tụt dốc” không phanh, giảm mất 50.000 – 60.000 đồng/kg.

Ông Lê Đình Thường có hơn 3ha tiêu ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết tới ngày 13.2, giá tiêu đen khô, tiêu xô đạt quy chuẩn xuất khẩu chỉ còn 120.000 đồng/kg, giảm 60.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Thứ - Trưởng thôn Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức cũng phản ánh giá tiêu từ khoảng một tháng nay liên tục giảm, hiện chỉ còn 120.000 đồng/kg.

“Buổi sáng còn ở mức 122.000 đồng/kg, tới trưa đã giảm 2.000 đồng/kg, với cái đà này còn giảm nữa. Trong khi tôi coi tin tức thế giới thì thấy có giảm gì đâu, chưa kể giá tiêu Ấn Độ còn tăng 5%. Cái này chắc là do thương nhân nước ngoài thấy mình vào vụ thu hoạch nên ép giá. Tôi sẽ đi vận động bà con bán ra cầm chừng, còn thì trữ lại để giữ giá” – ông Thứ bày tỏ sự bất bình.

Tiêu đầu mùa bị thương nhân nước ngoài ép giá - 1

Nông dân "cay mắt" vì hồ tiêu bị ép giá, trong khi đó nhiều nơi đang mất mùa (Ảnh: Tiền Phong)

Đồng tình với nhận định trên, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết năm nay hồ tiêu của vùng Tây Nguyên không những mất mùa do thời tiết, dịch bệnh mà còn bị ép giá còn có 116.000 – 118.000 đồng/kg. Chính vì thế, Hiệp hội cũng đang vận động bà con bán ra ít, cần tiền đến đâu thì bán đến đó chứ không bán đổ bán tháo, trữ lại để vực giá lên.

Nhà nước phải “cầm trịch”

Theo ông Trần Đức Tụng - Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu tại sàn giao dịch các thị trường nhập khẩu luôn bị “làm giá” cho thấp đi nhằm đón hàng Việt Nam trong kỳ thu hoạch. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chịu sức ép từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay nguồn cung trên thế giới hầu như chỉ có Việt Nam vì đang mùa thu hoạch.

Năm nay Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, dịch bệnh nên sản lượng tiêu cả nước năm 2014 so với năm 2013 ước tính chỉ có thể bằng hoặc ít hơn một chút (sản lượng năm 2013 là khoảng 120.000 tấn). Trong khi đó, tiêu của Ấn Độ đã thu hoạch xong, các nước khác thì tới tháng 5, 6 mới thu hoạch nên giá cả trên các sàn giao dịch vẫn ở mức cao, trên 170.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của VPA và các doanh nghiệp, hồ tiêu năm nay có chất lượng khá tốt, hầu hết ở các vùng trồng tiêu chuyên canh đều có chất lượng tốt hơn mức quy chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số đơn hàng của Việt Nam bị đối tác trả về do nhiễm dư lượng hóa chất Carbendazim từ thuốc diệt nấm. Chính vì thế, VPA đang khuyến cáo nông dân không sử dụng chất này trong trồng trọt và hướng tới sản xuất sạch, theo phương pháp hữu cơ để có sự phát triển bền vững.

Chính vì thế, theo ông Tụng, bà con nông dân cần bình tĩnh, không để doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng tình hình mà ép giá. Bởi theo kinh nghiệm năm 2013, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được chính sách bình ổn giá, giữ lại được hàng thì sẽ thắng.

Tuy nhiên áp lực đến hạn trả nợ ngân hàng, vật tư mua chịu trước đó vẫn đè nặng lên vai nhà nông nên trên thực tế hầu như 70% các hộ trồng tiêu vẫn bán ra. “Ở xã tôi, gần như 80% thậm chí 90% các hộ đều phải bán tiêu hết ngay sau khi vừa thu hoạch. Bởi không bán thì lấy tiền đâu trả nợ mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu… trước đó. Chủ nợ đến tận nhà đòi ráo riết lắm” – ông Nguyễn Thứ than thở.

Theo ông Tụng, để ngành tiêu Việt Nam thực sự chủ động được giá cả trên thị trường thế giới thì nhiệm vụ này phải do Nhà nước cầm trịch, có được những chính sách hỗ trợ nông dân hợp lý.

“Không cần phải bỏ tiền ra mua tạm trữ như lúa gạo hay cà phê mà chỉ cần các ngân hàng tăng thời gian cho nông dân vay lên trên 12 tháng, chứ không chỉ từ 3-6 tháng như hiện nay. Bởi hồ tiêu một năm chỉ có một mùa vụ nên thời gian vay ít nhất phải bằng một chu kỳ trồng trọt thì bà con mới đủ sức chịu đựng, trữ thêm lại trong nhà 2 - 3 tháng sau thu hoạch. Khi đó mới có thể mới tránh được cảnh cứ đến mùa vụ là bị doanh nghiệp nước ngoài ép giá như lâu nay” – ông Tụng đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN