Thuê "kỹ sư osin" chăm sóc rau sạch tại gia

Nắm bắt được nỗi lo rau bẩn, dịch vụ cung cấp hệ thống vườn treo nhỏ và chăm sóc rau sạch tại gia có chiều hướng nở rộ. Nhiều gia đình ở phố thuê hẳn kỹ sư nông nghiệp làm “osin” chăm sóc rau với giá không rẻ.

Kỹ sư đi chăm rau sạch

Nắm bắt được xu hướng của người dân các khu đô thị, không ít công ty được thành lập chuyên cung ứng vật tư phục vụ dân phố trồng rau. Thậm chí, kỹ sư nông nghiệp tới tận nhà hướng dẫn hoặc làm thay tất cả mọi công đoạn.

Chị Nguyễn Minh Vi, Phó GĐ Cty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Song Minh (chuyên cung cấp vật tư, dịch vụ trồng rau tại nhà) cho biết, nhu cầu tự trồng rau tại gia đình ở các thành phố rất lớn; đặc biệt là những hộ có con nhỏ, người già, người ăn kiêng.

Thuê "kỹ sư osin" chăm sóc rau sạch tại gia - 1

Rau tại gia vừa dưỡng già vừa an toàn

Theo đó, nguồn cung hết sức đa dạng về chủng loại và giá thành. Ít tiền có thể lựa chọn mua các hộp nhựa, đất, phân bón, hạt giống về tự trồng. Giá mỗi chậu nhựa trồng rau từ 150.000 đồng/chậu. Túi treo ngược (trồng cà chua, bầu, bí) sản phẩm nhập khẩu là 350.000 đồng/túi, trong nước sản xuất là 200.000 đồng/chậu. Cây giống từ 3.000 đồng/cây; hạt giống từ 15.000 đồng/túi (tùy giống rau).

Người điều kiện hơn có thể lựa chọn dịch vụ trọn gói. Từ 7 triệu đồng trở lên để lập giàn rau sạch. Đơn vị cung cấp đảm nhận từ khâu thiết kế, vật liệu, lắp đặt, tới kỹ sư nông nghiệp chăm sóc, đủ rau ăn hằng ngày cho gia đình 4 người. “Trong quá trình chăm sóc, kỹ sư sẽ tới mỗi tuần 1 - 2 buổi, tùy thuộc vào quá trình sinh trưởng của rau. Đồng thời sẽ hướng dẫn người nhà cách chăm sóc (tưới nước, bón phân). Hết 45 ngày (miễn phí nếu trọn gói), nếu vẫn cần người chăm sóc, chủ nhà phải bỏ tiền để thuê kỹ sư, kỹ thuật công ty”, chị Vi nói. 

Theo đó, giá mỗi lần kỹ thuật tới chăm là 10.000 đồng/chậu rau. Kỹ thuật viên chăm rau có thể là kỹ sư nông nghiệp (được trả lương hằng tháng và phần trăm theo hợp đồng), cũng có thể là các sinh viên chuyên ngành nông nghiệp làm theo thời vụ, hoặc làm ca thứ bảy, chủ nhật với tiền công 200.000 đồng/ngày.

Ngoài trồng rau theo chậu đất, còn có công nghệ trồng rau dưới nước- thuỷ canh (dùng ống nước và dung dịch thay đất) và trồng rau trong nhà kính. “Giá 2 loại công nghệ này rất cao, không dưới 15 triệu đồng/hệ thống, nên chưa có khách hàng nào dùng”, chị Vi nói. Theo chị Vi, khách hàng tại Hà Nội chủ yếu mua dụng cụ lẻ về tự trồng, chăm sóc, còn người TPHCM thường bỏ tiền dùng dịch vụ trọn gói.

Kỹ sư nông nghiệp Vũ Xuân Quyết (Cầu Giấy, Hà Nội), chuyên cung cấp dịch vụ trồng, chăm sóc rau tại nhà cho biết, nhu cầu thuê tư vấn, thiết kế, chăm sóc rau tại Hà Nội tăng mạnh. Anh Quyết đã phải từ chối nhiều khách hàng vì thiếu người. Tùy thuộc nhu cầu khách hàng sẽ cung ứng dịch vụ khác nhau, vật liệu lẻ hoặc kỹ sư tới theo dõi, chăm sóc định kỳ… 

Thuê "kỹ sư osin" chăm sóc rau sạch tại gia - 2

Nhiều kỹ sư nông nghiệp chọn nghề chăm sóc rau tại nhà. Ảnh: Trà Giang

“Thường khách hàng sẽ được chúng tôi tới thiết kế vườn rau. Tùy diện tích trồng từng nhà để thiết kế vườn, đảm bảo mỹ quan, lấy sáng tốt nhất cho rau phát triển”, kỹ sư Quyết nói. 

Kỹ sư sẽ chỉ dẫn khách hàng biết cách trồng, tưới, bón phân, phòng bệnh; rét có thể bổ sung thêm đèn sưởi ấm… Số lần kỹ sư tới chăm tùy thuộc vào chu kỳ phát triển của rau, mỗi tuần 1 buổi, có khi nhiều hơn.

Giá gói có kỹ sư chăm sóc cao hơn khoảng 500.000 đồng so với gói chỉ bán vật tư. “Mỗi ngày một kỹ sư có thể đi được hơn chục nhà. Chủ yếu xem rau phát triển thế nào, cần phải thay đổi cách chăm sóc gì không”, anh Quyết nói thêm.

Làm nông giữa phố

Thuê "kỹ sư osin" chăm sóc rau sạch tại gia - 3

Với nhiều người, trồng rau còn là thú vui, giúp con trẻ yêu lao động. Ảnh: P.T

Hình ảnh những vườn rau, thùng trồng rau để xung quanh nhà, sân, thậm chí vỉa hè đã không còn xa lạ với người dân thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Đặc biệt, khi những vụ việc liên quan tới chất lượng rau ngày càng nhiều (rau quả ngâm hóa chất tăng trưởng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép…) khiến nhiều hộ gia đình tại các thành phố phải tìm cách trồng rau cho gia đình dùng. Trước đây, người dân trồng tự phát, nay đã thành phong trào.

Thay vì dùng thùng xốp đựng đất, hiện nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng các dụng cụ được sản xuất riêng cho trồng rau tại nhà, như chậu trồng rau bằng nhựa, giá treo; hệ thống ống tưới nhỏ giọt, đất hữu cơ, phân vi sinh, thuê công ty tư vấn, thiết kế, chăm sóc… Chi phí trọn gói từ 7-10 triệu đồng (gói dịch vụ tính tới lúc rau thu hoạch lần đầu).

Chị Vũ Thị Lan (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tự trồng rau đã hơn 2 năm nay, nhưng trước đây chủ yếu dùng thùng xốp. Dù toàn bộ hơn 20m2 sân thượng đặt kín thùng xốp, nhưng rau không đủ ăn, vẫn phải mua ngoài. Giữa năm 2013, chị Lan tìm một đơn vị chuyên cung cấp vật liệu, thiết kế vườn rau, và cả kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn.

“Với chi phí trọn gói hơn 8 triệu đồng, kỹ sư hướng dẫn trồng và chăm sóc tới lúc rau thu hoạch. Giờ không phải lo rau sạch ăn hàng ngày nữa”, chị Lan nói.

Chị Bích Hương (đường Trần Khắc Chân, quận 1, TPHCM) dẫn PV Tiền Phong đi xem vườn rau gia đình được bố trí từ trên sân thượng, với đủ loại: Xà lách, diếp cá, mùi, cải, mồng tơi, rau muống… “Ăn rau ở chợ không yên tâm, nên bận rộn vẫn tranh thủ giờ nghỉ, cuối tuần để trồng rau trên khoảng sân thượng. Rau mình tự trồng ăn yên tâm, lại tiết kiệm”, chị Hương nói.

“Mỗi ngày một kỹ sư có thể đi được hơn chục nhà, chủ yếu xem rau phát triển thế nào, cần phải thay đổi cách chăm sóc gì không”.

Kỹ sư nông nghiệp Vũ Xuân Quyết

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Khanh (Lý Thường Kiệt, quận 10, TPHCM) cho biết, thay vì trồng cây cảnh vui thú tuổi già như trước đây, ông bà chuyển dần cây cảnh đi nơi khác để lấy sân thượng trồng rau. Bà Lan (vợ ông Khanh) kể, sắp xếp được 4m2 sân thượng trồng rau, bầu, bí đao và mướp đắng được làm dàn bằng vài dây thép; cà pháo và các loại rau muống, mồng tơi, rau mầm được trồng trong các khay, chậu. Ông bà còn xem việc trồng rau như tập thể dục và giảm bớt căng thẳng của cuộc sống đô thị. “Hằng ngày tôi và ông nhà thay nhau tưới nước, bắt sâu cho vườn rau”, bà Lan nói.

Thậm chí, tại trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6- TPHCM) các thầy giáo cũng dành hơn 5m2 đất để trồng rau, như mồng tơi, rau cải, bí đao, lá lốt... “Trồng rau vừa tận dụng đất trống, tạo sự thân thiện với môi trường, lại có rau ăn. Đặc biệt đây cũng là nơi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi”, thầy Tuấn, giáo viên trường nói.

Ông Đồng Anh Tuấn, chuyên viên tư vấn Cty TNHH Công nghệ Sinh học Sài Gòn Xanh cho biết, lâu nay người dân đô thị trồng rau tự phát, không chú trọng công nghệ nên hiệu quả thấp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trồng rau tại nhà đang thành trào lưu, và nhu cầu để có rau sạch của người dân ngày càng rõ. “Nắm bắt cơ hội, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc rau phù hợp với điều kiện trồng tại nhà hiện nay của người dân đô thị”, ông Tuấn nói.

Tại một số khu đô thị mới của Hà Nội, như Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Trung Yên, Định Công… những vườn rau “mini” cũng không khó để bắt gặp. Chiều xuống, người già và trẻ nhỏ xách chậu tưới rau, cảnh không khác nào một vùng quê mới bên những toà nhà cao tầng bê tông khô khốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hữu Việt - Trà Giang (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN